Thái Lan thí điểm "Hộp cát Nhà máy”, gần giống mô hình "3 tại chỗ" của Việt Nam
Thái Lan vừa triển khai chương trình thí điểm có tên “Hộp cát Nhà máy”, theo đó tiến hành xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine và cách ly công nhân của tại các nhà máy để duy trì hoạt động, hạn chế gián đoạn ngành công nghiệp sản xuất...
Thông báo của chính phủ Thái Lan đầu tuần này cho biết, sáng kiến “Hộp cát Nhà máy” nhằm bảo vệ 3 triệu việc làm và hỗ trợ các nhà sản xuất trong lĩnh vực vốn đóng góp khoảng 700 tỷ Baht (21 tỷ USD) vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan.
“Kế hoạch này tập trung vào các nhà máy có ít nhất 500 công nhân và sẽ giúp xây dựng niềm tin cho cả các nhà đầu tư trong nước vào nước ngoài khi chuỗi cung ứng tại một quốc gia cạnh tranh với Thái Lan đang bị gián đoạn”, thông báo trên cho hay.
Chương trình "Hộp cát Nhà máy" sẽ tập trung vào các nhà máy lớn sản xuất những mặt hàng như ôtô, thiết bị điện tử, thực phẩm, thiết bị y tế để xuất khẩu ở những tỉnh công nghiệp trọng điểm. Để tham gia chương trình, nhà máy phải có ít nhất 500 công nhân, một bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở cách ly, và dịch vụ đưa đón nhân viên.
Tất cả công nhân tại nhà máy sẽ được xét nghiệm Covid-19 và những người có kết quả dương tính sẽ bị cách ly, trong khi nhóm còn lại được tiêm vaccine. Xét nghiệm được thực hiện 7 ngày một lần.
Theo thông báo của chính phủ Thái Lan, 60 nhà máy tại 4 tỉnh với tổng cộng 138.000 công nhân sẽ tham gia thí điểm giai đoạn đầu. Các tỉnh này bao gồm Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Sakhon và Chonburi, đều cách thủ đô Bangkok khoảng một giờ lái xe.
Trong quý 2/2021, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo mới đây của Goldman Sachs, tăng trưởng sản xuất là một trong những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế nước này trong bối cảnh chi tiêu bán lẻ yếu, “hiệu quả giảm dần” của chính sách cắt giảm lãi suất cũng như khoảng trống để lại của lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Tên của chương trình thí điểm này được đặt theo tên của “Hộp cát Phuket” - một chương trình tương tự nhằm phục hồi ngành du lịch tại hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất Thái Lan.
Từ tháng 4 đến nay, Thái Lan đối mặt làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng với hơn 500 ổ dịch được phát hiện tại các nhà máy. Ngoài Thái Lan, số ca lây nhiễm tăng vọt tại Đông Nam Á cũng khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ và nguồn cung thiếu hụt tại nhiều quốc gia như Việt Nam.
Tại Việt Nam, mô hình "3 tại chỗ" đã được triển khai tại nhiều nhà máy, khu công nghiệp tại những địa phương có dịch Covid-19. Theo phương án này, các nhà máy triển khai cho công nhân sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít doanh nghiệp không thể duy trì được "3 tại chỗ" vì chi phí lớn, quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, việc áp dụng “3 tại chỗ” gặp rất nhiều rủi ro dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới.
Mới đây, TP.HCM - điểm nóng của dịch bệnh tại Việt Nam, đã đưa ra hướng dẫn cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án.
Thứ nhất là tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).
Thứ hai là tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).
Thứ ba là áp dụng cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”.
Thứ tư là tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.