Người Việt Nam ta có câu “vui như Tết”. Quốc khánh 2/9 được nhân dân nhiều địa phương gọi là Tết Độc lập.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mà nhân tố mang tính quyết định nhất chính là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, với đội ngũ trùng trùng điệp điệp, trên dưới một lòng, tuyệt đối tin theo và làm theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành công ấy đã giúp giải phóng dân tộc và giành lại độc lập cho Tổ quốc, sau hơn 80 năm chịu cảnh “vong quốc nô”.
Hơn thế nữa, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám còn là tiền đề, là điều kiện và là cơ sở pháp lý quan trọng để Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố bản Tuyên ngôn Độc lập đầy hào khí, khẳng định nền độc lập Việt Nam mới giành được và chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, trong cuộc mít tinh có hàng vạn người tham dự ở Thủ đô Hà Nội.
Tuyên ngôn Độc lập khẳng định:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn Độc lập do Người trực tiếp khởi thảo đã đi vào lịch sử dân tộc như một trong những mốc son chói lọi nhất và chính thức trở thành Ngày Quốc khánh của Việt Nam.
Phải ở trong bối cảnh đất nước cách đây 78 năm, khi mấy chục triệu người dân từng lầm than với kiếp nô lệ bị đọa đầy suốt hơn ¾ thế kỷ, đang hừng hực sướng vui trước thắng lợi của một cuộc cách mạng long trời lở đất, làm thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc cũng như vận mệnh của từng người dân, mà Nguyễn Đình Thi đã mô tả bằng những câu thơ bất hủ của ông: “Nước Việt Nam từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy, sáng lòa”, thì mới thấy hết được tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn của ngày 2 tháng 9 năm 1945 – ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày khởi đầu của kỷ nguyên độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với hệ quả tất yếu của nó là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, vào ngày 2 tháng 9 năm đó, là khởi nguồn cho mọi thành tựu to lớn mà sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, giành được trong suốt 78 năm qua, từ chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm (1946 – 1975), rồi các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ cuối những năm 1970 đến suốt những năm 1980, đến những thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Nhờ thế, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, khi phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hồi tháng Giêng năm 2021.
Cứ tháng Chín, mùa thu, đất nước lại tưng bừng trong ngày hội lớn. Người người náo nức, nhà nhà tươi vui. Cả dân tộc mừng đất nước thêm tuổi, với sức bứt phá vươn lên ngày càng mạnh, trong thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, với vị thế là một mắt xích được coi trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành nơi ngày càng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trong chiến lược đa dạng hóa các địa điểm đầu tư sản xuất, kinh doanh mà họ đang theo đuổi.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do tổng cầu giảm trước sức ép của lạm phát cao tại nhiều quốc gia, xung đột quân sự, căng thẳng địa chính trị,… kinh tế Việt Nam được dự báo khó đạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 này.
Tuy nhiên, khó khăn đó chỉ là trong ngắn hạn.
Trong hành trình phát triển đất nước, chặng đường 22 mùa thu còn lại để tới đích 2045 là không dài. Các mốc mục tiêu phát triển đã được Đảng hoạch định. Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đất nước đang đứng trước một tương lai xán lạn.
VnEconomy 02/09/2023 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2023 phát hành ngày 04-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
06:00 02/09/2023