"Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn giúp giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Cụ thể, nếu như năm 2011 còn gần 1.400 doanh nghiệp thì đến năm 2020 chỉ còn hơn 450 doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng.
Trong giai đoạn 2011-2021, cả nước cổ phần hóa được 692 doanh nghiệp; thoái vốn đạt 38.812 tỷ, thu về 192.885 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với giá trị sổ sách. Đồng thời, góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia. Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng. Dù cổ phần hóa, thoái vốn chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đảm bảo yêu cầu về tiến độ và số lượng cũng như còn tồn tại các vấn đề sau cổ phần hóa.
Trong giai đoạn tới, rất cần những giải pháp, định hướng đột phá để tháo gỡ những nút thắt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhằm tạo nguồn lực tập trung phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Với hệ thống giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến khâu triển khai thực hiện, từ cơ quan đại diện chủ sở hữu đến từng doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu hoàn thành sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong năm 2025 đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025 chắc chắn sẽ đạt được.
Vì vậy, thời gian tới, trước hết cần thay đổi nhận thức, quan điểm về chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Tiếp đó, phải đề ra các giải pháp khả thi để hoàn thành các mục tiêu. Tất nhiên, không cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá mà cần theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi tối đa vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thông qua việc sớm ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi, sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025 và xây dựng, triển khai Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế riêng khi bán cổ phần lần đầu hoặc thoái vốn với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên sổ sách kế toán đạt trên 1.800 tỷ như Mobifone, Agribank… để đạt hiệu quả và thu hồi cao nhất vốn đầu tư của Nhà nước. Mặt khác, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty và xem đây là giải pháp trọng tâm để nâng cao vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, cùng với doanh nghiệp tư nhân trong nước xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ".
"Vướng mắc nhất trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn là vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp; trong đó, mấu chốt là xác định giá trị sử dụng đất và phương án sắp xếp, sử dụng đất đai.
Những sai phạm vừa qua không nằm ở việc xác định giá trị sử dụng đất khi cổ phần hóa, thoái vốn vốn mà là khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tôi ủng hộ Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét đề xuất tách việc xác định giá trị, quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bởi vì: hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp trước và sau khi cổ phần hóa vẫn là Nhà nước giao đất và cho thuê đất. Cho nên, giá trị quyền sử dụng đất không gia tăng khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn mà chỉ tăng khi có sự chuyển đổi sử dụng mục đích sử dụng đất.
Nếu vẫn bắt buộc xác định giá trị đất là một trong những điều kiện để cổ phần hóa, thoái vốn thì sẽ tiếp tục gây tắc nghẽn và kéo dài thời gian. Ngay cả công tác sắp xếp, xử lý lại nhà đất trong quy trình cổ phần hóa cũng không cần phải đưa vào thành điều kiện tiên quyết trong cổ phần hóa, thoái vốn nữa vì việc này phải làm thường xuyên hàng năm.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp. Cục Tài chính doanh nghiệp hiện là cơ quan tham mưu để sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có hai luật rất quan trọng, đó là Luật Đất đai và Luật Đấu thầu. Luật Đất đai hiện nay đang vướng rất nhiều vấn đề, từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến giao đất, chuyển nhượng, thu hồi. Đặc biệt khi vấn đề liên quan đến giá đất và tài chính đất đai tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi. Theo dự kiến, Luật Đất đai sẽ đưa vào sửa đổi ngay tại kỳ họp tháng 5/2022, tuy nhiên, có quá nhiều vấn đề đang chờ các cơ quan có thẩm quyền thống nhất quan điểm nên đẩy lùi một kỳ họp, bắt đầu xem xét vào kỳ họp tháng 10, tức kỳ họp thứ 4 tới đây.
Nếu nhanh thì phải mất 3 kỳ họp mới sửa xong Luật Đất đai. Vì vậy, vướng mắc về đất đai vẫn là một khó khăn trong 2-3 năm tới khi Luật Đất đai chưa được sửa đổi toàn diện".
"Trong giai đoạn 2016-2020, công tác cổ phần hóa tại 6 tập đoàn, tổng công ty chưa hoàn thành. Hiện còn 27 doanh nghiệp cấp 2 thuộc thẩm quyền của các tập đoàn cũng chưa cổ phần hóa. Đối với công tác thoái vốn nhà nước, trong số 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban, có 1 tập đoàn và 2 tổng công ty thuộc diện thực hiện thoái vốn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thoái vốn 24,86% năm 2018; Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam thoái vốn 20% năm 2018 và 10,4% năm 2020; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thoái vốn 35,16% năm 2019, với tổng giá trị Nhà nước thu về khoảng hơn 140.000 tỷ đồng.
Đối với công ty con, công ty liên kết của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban, trong giai đoạn 2017-2020, theo kế hoạch, các tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện thoái vốn tại 227 công ty con, công ty liên kết; Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phải thực hiện thoái hết vốn tại 132 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện đến hết năm 2020 cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty mới chỉ thực hiện thoái vốn tại 87 công ty con, công ty liên kết với tổng giá trị sổ sách hơn 4.835 tỷ đồng; tổng giá trị thu được hơn 9.255 tỷ đồng; thặng dư 4.436 tỷ đồng. SCIC thoái vốn tại 142 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 4.087 tỷ đồng; giá trị thu được là 21.431 tỷ đồng; thặng dư 17.344 tỷ đồng. Năm 2021, Ủy ban cũng chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách gần 575 tỷ đồng, thu về gần 2.638 tỷ đồng, gấp 4,6 lần.
Hầu hết các khó khăn, vướng mắc đều đến từ việc lập phương án sử dụng đất, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất, xử lý các tồn tại về tài chính trước cổ phần hoá, khó khăn trong xác định tài sản chuyên ngành viễn thông... Cũng trong giai đoạn 2016-2020, chính sách và quy định về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện, chậm được sửa đổi, bổ sung. Đến tận cuối năm 2020, đầu năm 2021, các vướng mắc về cơ sở pháp lý mới cơ bản được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện thoái vốn gặp khó khăn do quy mô thị trường còn nhỏ, khó có thể hấp thụ hết toàn bộ số vốn mà doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Sự quan tâm của thị trường và các nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực còn thấp, dẫn đến một số trường hợp thoái vốn không thành công mặc dù Ủy ban tích cực chỉ đạo và xây dựng và triển khai phương án thoái vốn".
"Giai đoạn từ năm 2016-2020, Tổng Công ty phát điện 2,3 (EVNGENCO 2,3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cổ phần hóa thành công trong khi EVNGENCO 1 do không đủ thời gian nên phải xin chuyển cổ phần hoá trong giai đoạn tiếp theo.
Đề cập đến khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn, tôi cho rằng có 5 vướng mắc nhất.
Một là, do cơ chế, chính sách ban hành không có tính ổn định dài hạn. Khi cổ phần hoá, EVNGENCO 3 chịu ảnh hưởng bởi 3 quy định, gồm Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126. Tuy nhiên, khi các nghị định ban hành, ít đề cập đến điều kiện chuyển tiếp, vì vậy, khi Nghị định số 126 có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định số 59, chúng tôi phải làm lại từ đầu.
Hai là, nhiều vướng mắc trong tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Thời hạn cho nhà đầu tư chiến lược tìm hiểu doanh nghiệp cổ phần hoá quá ngắn.
Ba là, việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng rất khó. Khi đưa đất đai vào để xác định giá trị doanh nghiệp, yêu cầu phải tính giá thị trường nhưng giá thị trường biến đổi liên tục nên rất khó.
Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau cũng dẫn đến kết quả khác nhau.
Tiếp đến, doanh nghiệp lo sợ nhất là đánh giá giá trị của doanh nghiệp để thoái vốn, sợ nhất “ông đất”, bởi không có thị trường để bán cả khuôn viên.
Tôi cho rằng, điều cần tháo gỡ nhất để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn chính là gỡ khó về chính sách, để doanh nghiệp làm rõ nét, làm đúng và không sợ sai.
Thứ nhất, cơ chế, chính sách cần có tính dài hạn và áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Đồng thời, quy định cần có tính chuyển tiếp, nếu không doanh nghiệp sẽ phải làm lại từ đầu. Bên cạnh đó, phải phân loại các loại hình, quy mô doanh nghiệp phù hợp.
Thứ hai, đất đai nên loại ra khỏi khi xác định giá trị doanh nghiệp do đem lại nhiều rủi ro, khiến doanh nghiệp dễ vướng vào sai phạm. Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp cũng phải rõ nét.
Thứ ba, sau khi cổ phần hóa, nên lập một tổ thẩm định đầy đủ thành phần, gồm Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… có kế hoạch ngay từ đầu và kiểm tra một lần. Chúng ta làm phải đúng, làm cẩn trọng và phải an toàn, không nên vội vàng về tiến độ, khi đó, doanh nghiệp sẽ thoải mái thực hiện, không lo sợ".
"Tôi ủng hộ việc tách giá trị đất đai ra khỏi xác định giá trị doanh nghiệp không chỉ vì câu chuyện lợi ích mà còn giảm số vụ vi phạm. Tôi cảm thấy, chúng ta không bán doanh nghiệp mà đang bán đất, rất nhiều sai phạm hiện nay đều liên quan đến chuyện mua bán đất “đội lốt” bán doanh nghiệp.
Bàn về hình thức sử dụng đất, hiện nay, chúng ta có 3 hình thức gồm giao đất không thu tiền sử dụng, giao đất có thu tiền sử dụng và cho thuê đất. Vậy quan hệ đất đai sau cổ phần hóa như thế nào? Theo đó, tôi có 4 kiến nghị.
Thứ nhất, chuyển hết sang hình thức cho thuê đất và chỉ cho thuê đất trong thời gian ngắn, từ 1-3 năm mà không cho thuê đất một lần trong suốt 50, 70 năm, đây là cội nguồn của những thiệt hại. Nếu doanh nghiệp sai phạm thì chấm dứt, không cho thuê nữa.
Thứ hai, việc chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng quy định cũng là “cái tội” do chúng ta cho thuê quá lâu và cho trả tiền thuê một lần.
Thứ ba, tôi cực lực phản đối khái niệm giá thị trường. Tất cả sai lầm về đất đai hiện nay đều do gắn với giá thị trường. Không có giá thị trường mà chỉ có định giá theo cơ chế thị trường, theo cách thức của thị trường chứ không phải hành chính, quan liêu.
Thứ tư, đối với đất cho thuê hay giao đất, sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa thì ai quản lý, ai có quyền cho thuê, ai có quyền chấm dứt cho thuê, ai có quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất? Trong Luật Đất đai, đây là quyền của UBND cấp tỉnh nhưng nên chăng để Ủy ban quản lý hay giao cho SCIC hoặc giao bộ chủ quản. Đây là then chốt để quyết định giá đất, việc thuê đất, thời hạn thuê đất và một loạt các vấn đề khác".
"Thành phố Hồ Chí Minh triển khai rất sớm các quy định liên quan tới sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn thực hiện quyết toán chuyển thể của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2013-2015 và trước đó. Đây cũng là giai đoạn có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra... và từ đó chỉ ra nhiều sai sót, sai phạm trong quá trình tổ chức, thực hiện cổ phần hóa. Ngoài việc những cá nhân, tổ chức có sai sót, sai phạm phải kiểm điểm, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn quy trách nhiệm đến thành viên Ban Chỉ đạo và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
Khi phát hiện những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định… làm ảnh hưởng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đều quy trách nhiệm cho Ban Chỉ đạo cổ phần hóa. Trong khi đó, các thành viên tham gia tổ chức phối hợp liên ngành làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và là lãnh đạo của các sở, ngành nhưng phải thông qua nhiều nội dung không thuộc lĩnh vực quản lý như thẩm định giá, dự toán kinh phí cổ phần hóa, phương án sử dụng lao động, phương án sử dụng đất, nhân sự... Điều này dẫn đến tâm lý e ngại, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm tham gia của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Bên cạnh đó, theo “Quy trình chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành CTCP” kèm theo Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP. “Ban Chỉ đạo” được nhắc đến 15 lần, tương ứng với 15 cuộc họp – chưa kể những lần phải họp lại do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa là tổ chức phối hợp liên ngành, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Việc tổ chức họp đầy đủ các thành viên Ban Chỉ đạo thường mất nhiều thời gian, từ 5-10 ngày, dẫn đến kéo dài thời gian.
Trong thời gian tới, các cơ quan trung ương cần có các hướng dẫn, quy định cụ thể hóa các nội dung của Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Cụ thể, giao cho Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định, chỉ đạo các sở, ngành, doanh nghiệp thực hiện một số nội dung theo quy trình, Ban Chỉ đạo chỉ thông qua các nội dung quan trọng theo quy trình gồm: xác định giá trị doanh nghiệp, tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương án cổ phần hoá.
Giao các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành kiểm tra, thẩm định trước khi trình trưởng ban, Ban Chỉ đạo thông qua các nội dung, phương án thuộc chức năng nhiệm vụ như Sở Tài chính liên quan đến xử lý tài chính, dự toán kinh phí cổ phần hoá; Sở Kế hoạch và Đầu tư trong đấu thầu lựa chọn tổ chức tư vấn, phương án hoạt động sản xuất kinh doanh 3-5 năm; Sở Lao động, thương binh và xã hội thông qua phương án sắp xếp lại lao động…".
VnEconomy 25/05/2022 10:00
10:00 25/05/2022