Thưa Bộ trưởng, tại Hội nghị kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành quý 1/2021, Bộ trưởng cho biết sẽ dành nhiều nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện thể chế - một trong ba đột phá chiến lược của ngành Xây dựng trong 2021. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết đến nay, công tác này đã đạt kết quả như thế nào?
Năm 2021, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng ban hành 08 Nghị định, 07 Quyết định, 01 Chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư với nhiều nội dung đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong thực tiễn.
Qua đó, đã bãi bỏ 03 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện… giảm 50% số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính gửi về Bộ Xây dựng xử lý.
Đơn cử, Bộ Xây dựng đã chủ động tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Thực hiện thành công phương án này hứa hẹn tạo ra các sự đột phá trong mục tiêu phân cấp, phân quyền nhưng vẫn giữ được sự kiểm soát hiệu quả của quản lý nhà nước, tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngành Xây dựng trong thời gian tới.
Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành đã cơ bản kịp thời đáp ứng những yêu cầu phát sinh của thực tiễn đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải điều tiết, phải tháo gỡ.
Có thể nói, một trong những khó khăn lớn nhất của ngành xây dựng trong năm qua chính là tác động của dịch bệnh Covid – 19. Bộ Xây dựng đã có những động thái gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân?
Diễn biến của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư (từ tháng 4/2021 đến nay) đã gây tổn hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội trên cả nước, trong đó có ngành Xây dựng. Nhiều dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, cung ứng, tiêu thụ vật liệu xây dựng… Ngoài ra, nhiều vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết triệt để đã gây khó khăn lớn cho nhiều doanh nghiệp ngành Xây dựng.
Bộ Xây dựng đã thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành; tham mưu, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng với nhiều điểm mới, đặc biệt là những cải cách về thủ tục thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề... nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Song song với công tác xây dựng thể chế, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc thường xuyên kết nối, trao đổi với các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng để hướng dẫn hoặc đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Tháng 11 vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức thành công Hội nghị đối thoại doanh nghiệp “Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan”, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp có giá trị cho công tác hoàn thiện thể chế của ngành Xây dựng trong giai đoạn tới.
Thực tế cho thấy, trong năm qua, giá cả bất động sản đã tăng mạnh, nhiều nơi tăng theo cấp số nhân. Từ đó tác động không nhỏ tới công tác an sinh xã hội. Bộ Xây dựng có chính sách gì để hỗ trợ người nghèo đô thị có cơ hội tiếp cận nhà ở?
Chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân lao động là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ quan tâm trong nhiều năm qua. Bộ Xây dựng với trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý về nhà ở và thị trường bất động sản cũng luôn sát sao, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này.
Giai đoạn 2013-2016, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu; chỉ trong 4 năm triển khai, tính đến thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho Chương trình (ngày 31/12/2016) đã giải ngân được 98,9% cho vay đối với cá nhân và doanh nghiệp. Từ chỗ gần như không có NƠXH trên thị trường, đã hình thành và đưa vào sử dụng hơn 200 dự án ngay sau gói hỗ trợ tín dụng kết thúc giải ngân; góp phần quan trọng điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản...
Tuy nhiên, sau khi kết thúc gói tín dụng 30.000 tỷ, do khó khăn ngân sách không thể tái cấp vốn, tốc độ phát triển NƠXH đã chững lại và kéo dài đến nay, nhiều dự án chậm tiến độ hoặc phải xin chuyển đổi sang nhà ở thương mại.
Năm 2021, Bộ Xây dựng đã rà soát, có báo cáo tổng thể về vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gửi Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, Bộ cũng đang tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp, chương trình, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động trong Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng. Các giải pháp Bộ Xây dựng đề xuất đã được Chính phủ đánh giá có tính khả thi cao và hiệu quả.
Vậy, trong 2022, ngành Xây dựng có những định hướng gì đối với công tác hoàn thiện thể chế, thưa Bộ trưởng?
Trong năm 2022, ngành Xây dựng sẽ phải chú trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: Quy hoạch, kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, bất động sản; vật liệu xây dựng…. Trong đó tập trung thực hiện 3 khâu đột phá:
Một là, hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.
Hai là, tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Bao gồm các nội dung: Nâng cao chất lượng công tác lập Quy hoạch đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi; kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị đồng bộ, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh khu vực đô thị, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai, từ phát triển không gian đô thị…
Ba là, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là NƠXH, nhà cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình; Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Theo đó, sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; Xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt…
Theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.
Một công tác quan trọng nữa là đẩy mạnh rà soát, tổng hợp công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản toàn quốc theo quy định; đôn đốc các địa phương thực hiện công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương. Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương kiểm soát, quản lý nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
VnEconomy 03/02/2022 08:00
08:00 03/02/2022