“Hai động lực chính cho việc sản xuất tin giả là lợi ích tiền bạc và lợi ích tư tưởng. Các đối tượng tạo ra tin giả hoặc phát tán tin giả nhằm có lượng tương tác lớn, gây chú ý trong cộng đồng mạng, hoặc để thu hút quảng cáo, khách hàng; hoặc giúp “lăng xê” hay hạ thấp uy tín của ai đó (có thể là đối thủ chính trị, kinh doanh, hoặc trong đời sống cá nhân).
Nội dung tin giả, thông tin sai lệch thường có nội dung: châm biếm hoặc chế nhạo: tin tức không có ý định gây hại nhưng có khả năng lừa gạt; nội dung gây hiểu lầm: sử dụng thông tin gây hiểu lầm để đóng khung vấn đề hoặc cá nhân.
Loại nội dung này xảy ra khi ai đó sử dụng thông tin gây hiểu lầm để trình bày về các vấn đề hay các cá nhân theo những cách nhất định bằng cách cắt ghép hình ảnh, chọn lọc trích dẫn hay số liệu thống kê; nội dung mạo danh: khi các nguồn tin thật bị mạo danh; nội dung bịa đặt: nội dung giả hoàn toàn, được thiết kế để lừa dối hoặc gây hại; liên kết sai: khi tiêu đề, hình ảnh, chú thích không hỗ trợ hoặc không liên quan đến nội dung; bối cảnh sai: khi nội dung thật được đặt trong bối cảnh sai; nội dung ngụy tạo: khi thông tin hoặc hình ảnh thật bị tác động để lừa gạt người xem.
Theo tôi, việc quan sát các tòa soạn trên thế giới, học theo cách làm của họ là cần thiết và hiệu quả. Hiện nay các tòa soạn trong nước có thể tham khảo một số cách làm.
Thứ nhất, sử dụng công nghệ AI và Machine Learning để phát triển công cụ lọc và kiểm soát bình luận. Nghiên cứu chỉ ra rằng công chúng rất hay đọc bình luận và coi các bình luận là một phần của tin tức, của hoạt động đọc báo. Những bình luận độc hại, cố tình truyền bá thông tin sai lệch có thể tác động đến công chúng. Từ năm 2017, báo New York Times đã hợp tác với Google Jigsaw để phát triển công cụ “Comment Moderation” sử dụng Perspective API nhằm kiểm soát và lọc các bình luận độc hại, giúp tăng tốc độ kiểm duyệt và mở rộng phạm vi bài viết có thể cho phép bình luận.
Công cụ này sử dụng AI để nhận diện và xử lý các bình luận có khả năng độc hại. Các tòa soạn của chúng ta có thể đầu tư vào các công nghệ AI và Machine Learning để tự động phát hiện và loại bỏ tin giả trong bình luận, từ đó nâng cao độ chính xác và uy tín của thông tin.
Thứ hai, hợp tác với các tổ chức kiểm chứng sự thật. Các trang tin của BBC và Reuters đã hợp tác với các tổ chức kiểm chứng tin tức như Full Fact và First Draft để kiểm chứng thông tin, đặc biệt trong các sự kiện lớn như bầu cử và đại dịch Covid-19. Sự hợp tác này giúp các tòa soạn tăng cường khả năng xác thực thông tin và giảm thiểu sự lan truyền của tin giả. Các báo Việt Nam cũng có thể tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế chuyên về kiểm chứng thông tin để đảm bảo nguồn tin được xác thực và đáng tin cậy.
Thứ ba, đào tạo và nâng cao nhận thức cho đội ngũ phóng viên, như cách mà AFP, WAN-IFRA đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về cách nhận biết và xử lý tin giả cho phóng viên, biên tập viên, nhân viên của mình. Điều này giúp họ trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát hiện và chống lại tin giả một cách hiệu quả.
Thứ tư, minh bạch và trách nhiệm giải trình. The Guardian minh bạch quy trình biên tập và nguồn gốc của thông tin, giúp độc giả dễ dàng kiểm chứng và tăng cường sự tin tưởng. Việc làm này của The Guardian giúp củng cố uy tín của tòa soạn và xây dựng lòng tin từ phía độc giả.
Thứ năm, tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho độc giả. Tổ chức các chương trình, hội thảo, hoặc chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của độc giả về việc phân biệt tin giả và thông tin chính xác. Nhiều tổ chức, chẳng hạn như Nieman Foundation của Đại học Harvard, tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về tin giả cho công chúng, giúp họ có khả năng phân biệt và nhận biết tin giả từ những nguồn tin chính xác”.
“Trong các câu trả lời đến từ các ứng dụng của AI tạo sinh, có thể xảy ra trường hợp chứa các nội dung không có thật, sai sự thật hoặc thiên lệch mà chúng ta gọi chung với thuật ngữ hallucination (ảo giác) trong AI tạo sinh. Đây là một vấn đề nghiêm trọng của AI. Ở góc độ sử dụng của từng cá nhân, tôi nghĩ điểm quan trọng là các nhà báo, các nhà biên tập cần được trang bị, đào tạo, để nhận thức được đầy đủ về sức mạnh cũng như những giới hạn của AI, hiểu hơn về cơ chế hoạt động của AI. Từ đó luôn thận trọng kiểm duyệt lại, đối chiếu thông tin trong các kết quả sinh bởi AI để tránh những hệ quả nghiêm trọng tới từ ảo giác AI.
Để chống lại tin giả, theo tôi được biết, hiện nay nhiều tòa soạn trên thế giới sử dụng các công cụ automated fact-checker để kiểm tra một cách tự động tính xác thực của một tin tức cho trước. Các công cụ này đều tận dụng sức mạnh của các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models) trong AI để tìm kiếm thông tin trên Internet, tổng hợp chúng và đối chiếu những thông tin (bằng chứng) này với tin tức cho trước, từ đó hỗ trợ nhà báo, nhà biên tập trong việc kiểm định tính chính xác của tin tức, giảm thiểu rủi ro sử dụng tin giả, tin không chính xác, sai sự thật trong bài viết của mình.
Cá nhân tôi thấy đây là một giải pháp hiệu quả và rất hữu ích cho ngành báo chí mà các tòa soạn báo tại Việt Nam có thể áp dụng. Xin nói thêm, ở một tiếp cận mang tính hệ thống hơn, vấn đề này được đặt trong một chủ đề lớn và đang rất thời sự hiện nay trên thế giới là Responsible AI, đây cũng là một chủ đề được tổ chức Alpha Data Global của chúng tôi đặc biệt quan tâm.
Nói về cái khó nhất trong việc chống tin giả của các tòa soạn báo Việt Nam, tôi nghĩ cả 3 yếu tố (công nghệ, ngân sách và nhận thức) đều có tác động với mức độ khác nhau (tùy thuộc từng đơn vị) tới việc ứng dụng hiệu quả các giải pháp AI trong việc chống tin giả trong báo chí. Có hai điểm đáng lưu ý: (i) ứng dụng AI có thể hỗ trợ tốt, thậm chí rất tốt cho con người trong việc lọc tin giả với số lượng rất lớn với tốc độ rất nhanh, vì thế rất nên sử dụng; (ii) AI có tốt thế nào cũng không chống được 100% tin giả, vẫn cần sự kiểm định thêm từ phía chúng ta.
Về cách AI lọc các thông tin sai lệch, không chính xác, thông tin giả một cách tự động, mục đích sử dụng AI ở đây là tìm kiếm các thông tin không chính xác và thậm chí AI có thể tự đính chính lại tin cho chính xác. Tin ở đây có thể là tin không chính xác do con người đưa ra (ví dụ như khi phóng viên nghe một phát ngôn của ai đó và cần kiểm định thông tin trong đó có chính xác hay không); hoặc là thông tin do AI bịa ra (made-up facts) hoặc AI đưa ra nhưng thiếu chính xác. Cho dù là nghĩa nào thì mình cũng có thể kiểm định tự động nhờ các ứng dụng từ AI.
Alpha Data Academy là công ty khởi nghiệp cung cấp giải pháp đào tạo chất lượng cao và cá nhân hóa về AI và phân tích dữ liệu cho doanh nghiệp, các trường đại học và trường phổ thông. Ở góc độ một người phát triển các ứng dụng AI và phân tích dữ liệu, tôi cho rằng việc ứng dụng rộng rãi một số giải pháp AI cho báo chí có thể là chiến lược rất tốt hỗ trợ các đơn vị báo chí trong việc chọn lọc thông tin không chỉ đáng tin cậy mà còn hợp thị hiếu cho độc giả”.
“Sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh và sự lên ngôi của mạng xã hội, đã mang đến nhiều lợi ích cho con người trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả truyền thông và báo chí. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là trong việc lan truyền tin giả và nội dung giả mạo.
Chính vì vậy, báo chí luôn có chức năng kiểm chứng thông tin (Fact Checking) song hành với những giá trị truyền thống như trung thực, công bằng, khách quan. Khái niệm “báo chí kiểm chứng” luôn được các cơ quan truyền thông báo chí quốc tế lưu tâm. Reuters Fact Check ra đời với chức năng giám sát các nền tảng kỹ thuật số để tìm thông tin sai lệch có liên quan đến các sự kiện tin tức và các chủ đề đang được độc giả thảo luận. Reuters lựa chọn thông tin kiểm chứng dựa trên giá trị mà nguồn tin mang lại cho công chúng, cũng như phạm vi mà thông tin đã tiếp cận, hoặc có khả năng tiếp cận trong tương lai. Trong khi đó AFP Fact check ra đời năm 2018 và ngay lập tức đã được sử dụng trên 20 quốc gia trên toàn cầu.
Có nhiều công cụ để phát hiện ra tin giả mạo mà hãng tin AFP đã áp dụng, có thể kể ra như Fact checker về hình ảnh, về Geo-location (địa lý) … Bên cạnh đó các cơ quan báo chí quốc tế cũng cung cấp nhiều khóa học online để bất cứ ai cũng có thể chủ động đăng ký học. Các đơn vị báo chí tại Việt Nam cũng có thể chủ động đăng ký.
Hiện nay, các tòa soạn báo Việt Nam thường thiếu hụt các công cụ công nghệ tiên tiến để xác minh thông tin một cách nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra, báo chí Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc theo dõi và xử lý tin giả. Đó là một công việc tốn nhiều thời gian và nhân lực, đặc biệt là khi tin giả lan truyền nhanh chóng và rộng rãi. Việc đầu tư vào công nghệ và nhân lực để chống tin giả cũng đòi hỏi một nguồn lực tài chính lớn mà nhiều tòa soạn báo Việt Nam hiện nay không có.
Bên cạnh đó, cuộc chiến chống tin giả còn vướng ở sự thiếu hụt nhận thức của người đọc. Nhiều người đọc vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về tác hại của tin giả và cách thức phân biệt thật giả, vì thế đôi khi họ gián tiếp tiếp tay cho việc chia sẻ các thông tin giả mạo.
Trong khi đó, hiện nay khung pháp lý về việc xử lý tin giả ở Việt Nam còn chưa đầy đủ, khiến cho việc xử lý các vi phạm trở nên khó khăn. Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và người dân trong việc chống tin giả còn chưa hiệu quả. Một trong những việc cần làm ngay là hoàn thiện khung pháp lý về việc xử lý tin giả.
Quan trọng nữa là mỗi người đọc cũng phải là một người đọc thông minh, chủ động sàng lọc các thông tin đầu vào, chỉ tin tưởng vào các đơn vị báo chí chính thống, kịp thời phát hiện, cảnh báo và thông báo cho cơ quan chức năng các hành vi, các nội dung sai lệnh, gây nhiễu loạn trong xã hội. Khuyến khích người đọc có tư duy phản biện, không tin tưởng vào mọi thông tin họ đọc hoặc nghe được, phải kiểm tra và xác minh trước khi chia sẻ. Về vấn đề này, cần đề cao tính trách nhiệm trước khi chia sẻ nội dung thông tin và tính trách nhiệm này cũng gắn liền, ràng buộc với khung pháp lý của việc xử phạt các vi phạm.
Bên cạnh đó, cần phát triển các nền tảng chung để xác minh thông tin, giúp người dân dễ dàng truy cập và kiểm tra thông tin trước khi chia sẻ. Tin giả là một vấn nạn của toàn cầu, do đó ở một cấp độ rộng hơn, các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng chống lại tin giả và thông tin sai lệch”.
“Tại Việt Nam, có nhiều thách thức trong việc chống tin giả, nội dung giả.
Thứ nhất, thách thức đến từ sự phát triển kinh ngạc của công nghệ. Chỉ trong vài năm trở lại đây các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh, đã phát triển với tốc độ kinh ngạc, vượt xa khả năng dự báo và tưởng tượng của nhiều người.
Khối lượng tin rác do chính các cỗ máy AI tạo ra sẽ ở mức không thể kiểm soát. Con người ngày càng khó phân biệt giữa tin thật và tin giả, hình ảnh thật và hình ảnh giả, giọng nói thật và giọng nói giả, đơn giản vì giờ đây AI có thể tạo ra khuôn mặt, giọng nói, cử động của bất kỳ ai chỉ với vài nhấp chuột.
Thứ hai, vấn đề quản lý nhà nước. Công nghệ luôn đi trước thể chế. Khi hệ thống văn bản pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ và chưa đủ mạnh, chế tài không đủ tính răn đe thì đó chính là lỗ hổng lớn để những kẻ xấu lợi dụng để sử dụng công nghệ nhằm sản xuất tin giả nội dung giả và trục lợi.
Thứ ba, thách thức đến từ chính chúng ta/người tiêu thụ thông tin. Người dùng đang bị lệ thuộc quá nhiều vào thiết bị di động và mạng xã hội, trở thành con nghiện số, luôn có cảm giác bị đói thông tin, bị FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ) và cũng dễ dãi hơn với mọi loại thông tin, tin tức được tiếp nhận trên mạng Internet. Tin giả, tin bẩn, nhạc chế, nhạc bẩn, nội dung tục tĩu tràn lan trên mạng xã hội, nhưng một bộ phận người dùng tỏ ra thờ ơ, bàng quang với sự độc hại này, tất cả cái họ muốn là sự “giật gân”, dù đúng hay sai, các tòa soạn cần xây dựng năng lực xác minh và kiểm chứng thông tin, nội dung trên mạng. Các biện pháp công nghệ và phi công nghệ đều cần được cân nhắc sử dụng. Ví dụ vấn đề đạo đức trong cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin cần được đề cao.
Ngày nay, nhiều trường đại học đã sử dụng các phần mềm chống đạo văn để phát hiện hành vi đạo văn của sinh viên. Mạng Internet tràn lan thông tin nội dung giả mạo do con người cố tình tạo ra hoặc do các hệ thống AI tạo ra từ quá trình huấn luyện, phán đoán sai từ dữ liệu đầu vào sai lệch cũng giống như cơ thể bị nhiễm độc và cần phải có “thuốc giải độc”. Google, Facebook... chắc chắn sẽ sớm gắn nhãn cảnh báo vào các nội dung trên kết quả tìm kiếm, các bài post trên mạng xã hội để giúp người dùng phân biệt và đánh giá được thông tin nào là thật hoặc có nguy cơ giả mạo”.
VnEconomy 21/06/2024 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
07:00 21/06/2024