Tôn vinh những tinh hoa của làng nghề Việt
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vừa phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho 187 nghệ nhân ở làng nghề. Cùng với đó, 16 nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề Việt Nam, 16 thợ giỏi Làng nghề Việt Nam, 3 bảo vật tinh hoa làng nghề VIệt Nam cũng đã được công nhận…
Trong các ngày từ 21 – 25/11/2022, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam Hà Nội, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức các hoạt động vinh danh nghệ nhân và các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ X - năm 2022.
Trong chuỗi sự kiện này, có nhiều hoạt động nổi bật: Lễ rước tri ân Tổ nghề giò chả Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội và Lễ dâng hương tại Nhà thờ Bách nghệ từ đường; Chương trình Vinh danh Nghệ nhân và các danh hiệu Nghệ nhân lần thứ X – năm 2022; Hội nghị “Hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc”.
VINH DANH HÀNG TRĂM NGHỆ NHÂN
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội được Nhà nước cho phép vinh danh và tôn vinh các nghệ nhân. Lễ phong tặng các danh hiệu làng nghề Việt Nam là hoạt động định kỳ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2007.
"Năm nay, ở danh hiệu cấp Quốc gia, Nhà nước đã phong tặng 22 Nghệ nhân Nhân dân, 192 Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có 15 Nghệ nhân Nhân dân, 135 Nghệ nhân Ưu tú là nghệ nhân làng nghề, hội viên của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam".
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Sau 9 lần tổ chức đến nay, Hiệp hội đã vinh danh được 72 Làng nghề tiêu biểu, 835 Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam, 72 Đơn vị kinh tế Làng nghề tiêu biểu, 95 sản phẩm thủ công mỹ nghệ Làng nghề tiêu biểu, 52 thợ giỏi Làng nghề Việt Nam, 115 Bảng vàng Gia tộc. 76% Nghệ nhân Làng nghề được Hiệp hội vinh danh Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam được Chủ tịch nước Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân.
Riêng lần Vinh danh các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ X - năm 2022, Hiệp hội đã tiếp nhận hơn 300 hồ sơ gửi về từ các tỉnh thành trong cả nước. Có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề gốm Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan, rèn Đa Sỹ, mây tre Phú Vinh, mộc Thiết Ứng, mộc Vân Hà, mộc Sơn Đồng, đồng Đại Bái, đồng Lộng Thượng,…
Hội đồng đã xét tặng cho 1 Làng nghề Văn hóa Du lịch tiêu biểu, 187 nghệ nhân Làng nghề Việt Nam, 16 nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề Việt Nam, 3 bảo vật tinh hoa làng nghề VIệt Nam, 6 sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề Việt Nam, 9 bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam, 16 thợ giỏi Làng nghề Việt Nam.
Đến với Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam Hà Nội những ngày này, người dân được tham quan khu vực triển lãm các sản phẩm tinh hoa Làng nghề Việt với sản phẩm của 10 ngành nghề tiêu biểu đến từ 24 làng nghề và nghệ nhân làng nghề: Gốm Bát Tràng, Chu Đậu; gỗ sơn son thếp vàng Sơn Đồng, gỗ mỹ nghệ Vân Hà; khảm trai, sơn mài Chuôn Ngọ, Hạ Thái; thêu Quất Động, Thắng Lợi; mây tre đan Phú Vinh, Xuân Lai (Bắc Ninh); đồng mỹ nghệ Đồng Xâm, Đại Bái; điêu khắc đá Thọ An, Thụy Ứng; lụa Vạn Phúc, Nha Xá (Hà Nam); tranh dân gian Đông Hồ; đèn lồng Hội An; nghệ thuật tranh kính của Nghệ nhân làng nghề: Phạm Hồng Vinh.
Cũng trong khuôn khổ chương trình còn có hoạt động của khu Ẩm thực Bếp làng và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Làng nghề Việt Nam - Điểm hẹn bốn phương” giới thiệu những làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của các vùng được tạo dựng từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
HỢP TÁC PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ
Tại hội nghị “Hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc”, TS. Tôn Gia Hóa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Đặc biệt, các làng nghề Hà Nội hội tụ tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Đã có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố Hà Nội công nhận.
"Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm".
TS. Tôn Gia Hóa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Trong đó số các làng nghề của Hà Nội, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Tuy vậy, theo ông Hóa, các làng nghề Hà Nội vẫn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ lạc hậu; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng trong lúc yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; Nhiều làng nghề còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP gốm Chu Đậu cho rằng cần tăng cường liên kết các tours du lịch với các làng nghề, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho du khách đến tham quan. Tích cực quảng bá hình ảnh, nét văn hóa của làng các nghề truyền thống đối với bạn bè trong nước và quốc tế....
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết để phát triển du lịch bền vững, ngoài việc phát triển các sản phẩm, làng nghề cũng đã đẩy mạnh việc tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn, việc làm này đã mang đến một không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố Lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch Thành phố về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng.
“Nhằm phát huy thế mạnh vốn có của làng nghề, địa phương đã tuyên truyền cho các hộ hoạt động kinh doanh, sản xuất lụa về cách ứng xử văn minh, lịch sự, không chèo kéo làm ảnh hưởng đến hình ảnh của làng nghề và thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng văn minh, lịch thiệp. Thêm nữa, các hộ sản xuất tại làng thường xuyên, chủ động học hỏi, tiếp cận với công nghệ 4.0 để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước”, ông Phạm Khắc Hà khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội sơn mài Hạ Thái cho hay nghề sơn mài ở làng Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) đã có lịch sử khoảng 300 năm. Tuy nhiên, hiện nay, số doanh nghiệp nhanh nhạy, nắm bắt tốt xu hướng thị trường, có năng lực xuất khẩu cao ở làng nghề Hạ Thái vẫn chưa nhiều. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết, xuất khẩu thì sẽ chịu ảnh hưởng vì EU đưa ra yêu cầu khắt khe về môi trường.
"Vì vậy với người làm nghề sơn mài, tỷ lệ chì, sắt, kim loại nặng... trong sơn phải theo tiêu chuẩn nơi nhập khẩu; sản phẩm phải thân thiện với môi trường, không hại đến môi trường... Chỉ khi nào nắm bắt được nhu cầu thị trường, khi đó doanh nghiệp mới trụ được", bà Hồi chia sẻ.
Để sản phẩm làng nghề phát triển bền vững, các chuyên gia và đại biểu các làng nghề cho rằng cần tập trung giải quyết một số vấn đề căn bản như: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.