Trụ vốn hóa lớn ép chỉ số, cổ phiếu dầu khí, phân bón tăng bùng nổ
Thị trường chuyển trạng thái lình xình sáng nay do hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đều yếu, trừ VIC và VPB. Các mã trụ đã không thể đẩy VN-Index tăng dứt khoát đúng thời điểm chỉ số này tiến vào vùng đỉnh trung hạn từ tháng 9/2023. Tuy vậy sự phân hóa vẫn đang diễn ra ở cổ phiếu với nhiều mã tăng tốt, nhất là nhóm dầu khí, phân bón...
Thị trường chuyển trạng thái lình xình sáng nay do hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đều yếu, trừ VIC và VPB. Các mã trụ đã không thể đẩy VN-Index tăng dứt khoát đúng thời điểm chỉ số này tiến vào vùng đỉnh trung hạn từ tháng 9/2023. Tuy vậy sự phân hóa vẫn đang diễn ra ở cổ phiếu với nhiều mã tăng tốt, nhất là nhóm dầu khí, phân bón.
PVD lọt vào nhóm 10 mã kéo điểm tốt nhất của VN-Index dù vốn hóa thực sự nhỏ, còn chưa lọt vào Top 50 mã vốn hóa hàng đầu (đứng thứ 52). Bù lại PVD tăng kịch trần 6,94% cũng có hiệu quả điểm số nhất định.
Mức tăng hết biên độ sáng nay giúp PVD vượt qua đỉnh cao tháng 3/2022, đạt mức giá kỷ lục trong hơn 9 năm. Thanh khoản cũng cao nhất kể từ đầu năm 2023 với 16,59 triệu cổ tương đương hơn 506 tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn thị trường. Tuyệt đại đa số thanh khoản nói trên là do nhà đầu tư trong nước giao dịch, khối ngoại mua chỉ chiếm khoảng 6,3%.
Ngoài PVD, nhóm cổ phiếu dầu khí sáng nay nhìn chung mạnh nổi bật. Bất lợi là trụ GAS khá yếu, chỉ tăng 0,64%. Thực ra mã này cũng có lúc rất đáng chú ý với mức tăng trên 2% nhưng sau đó bị chốt lời ép dần xuống. PLX trong rổ VN30 cũng tương tự, bị ép xuống khoảng 1,49% so với đỉnh nhưng chốt phiên sáng vẫn còn tăng 2,24%. Loạt mã nhóm dầu khí khác ổn định ở mức cao: PSH, PVC, BSR, PVS, PVB, OIL, PVT… đều tăng trên 2%. Nhóm có liên quan là phân bón sáng nay cũng mạnh, DCM, DPM tăng trên 2%, LAS tăng 1,02%, BFC tăng 3,02%...
Trong nhóm dầu khí thì chỉ có GAS là vốn hóa thuộc loại lớn (đứng thứ 5 trong VN-Index). Hai trụ khác thuộc Top 10 là VIC tăng 1,22%, VPB tăng 1,29%, còn lại đều kém. VCB, VHM chỉ tham chiếu, BID giảm 0,94%, CTG giảm 1,11%, HPG giảm 0,49%, VNM giảm 0,14%, TCB giảm 0,36%. Do sự phân hóa về sức mạnh nên VN-Index rất vất vả đều giữ điểm số. Trong vài phút đầu phiên tăng cao nhất 0,51% so với tham chiếu (+6,33 điểm) thì liên tục sau đó chỉ số này “nhúng” xuống dưới hoặc sát tham chiếu. Chốt phiên VN-Index tăng 2,15 điểm tương đương +0,17%.
Điểm tích cực là trạng thái chỉ số không ảnh hưởng quá nhiều đến giao dịch ở cổ phiếu. Sàn HoSE vẫn duy trì sự phân hóa tốt với 238 mã tăng/200 mã giảm. Thanh khoản nhóm tăng hiếm 59% tổng giá trị khớp của sàn và thanh khoản nhóm giảm chiếm gần 32%. Nói cách khác, dòng tiền vẫn đang tập trung giao dịch ở vùng giá cao và sức ép từ phía bán cũng chưa làm đổi màu giá trên diện quá rộng.
Ngoài ra, biên độ tăng giá đang tích cực đáng kể với khoảng 70 mã chốt trên tham chiếu từ 1% trở lên. Loạt mã thanh khoản đáng chú ý là GEX với 540,6 tỷ đồng, giá tăng 2,95%; STB với 308,9 tỷ, giá tăng 1,14%; MWG với 378,2 tỷ, giá tăng 1,23%; VRE với 305,1 tỷ, giá tăng 3,98%; DCM với 178,2 tỷ, giá tăng 2,08%; DPM với 145,6 tỷ, giá tăng 2,17%... Tính chung giao dịch ở nhóm tăng trên 1% này cũng chiếm hơn 39% tổng khớp sàn HoSE, cho thấy hiệu quả của dòng tiền đẩy giá vẫn rõ nét.
Thanh khoản thị trường sáng nay sụt giảm khá nhiều do giảm giao dịch trong nhóm blue-chips. VN30 chủ đạo là giằng co và hầu như không có sức mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Chỉ số chốt phiên sáng tăng 0,22% với 16 mã tăng/10 mã giảm. Thanh khoản sụt giảm tới 33% so với sáng hôm qua do giảm giao dịch tại SSI và HPG. Cụ thể, tổng giá trị khớp của rổ VN30 sáng nay giảm tuyệt đối là 1.916 tỷ đồng thì SSI và HPG giảm giao dịch tới 78% so với sáng hôm qua, tương đương mức giảm 2.324 tỷ đồng. Tính chung sàn HoSE, mức giảm tuyệt đối khoảng 1.756 tỷ đồng (-15%). Như vậy các cổ phiếu khác vẫn duy trì được giao dịch tương đương sáng hôm qua.
Ở phía giảm giá, dù số lượng cũng tới 200 mã nhưng đại đa số là giảm nhẹ, chỉ 46 mã giảm quá 1% và nhóm này thanh khoản kém (chiếm 7,2% tổng khớp sàn). Vài cổ phiếu đáng kể là EVF giảm 3,39% giao dịch 200, 5 tỷ đồng; FRT giảm 1,91% giao dịch 38,1 tỷ; PAN giảm 1,67% với 39,6 tỷ; CTG giảm 1,11% với 162 tỷ, ST8 giảm 4,9% với 40,6 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài giảm cường độ giao dịch rất nhiều, chỉ mua 821,3 tỷ đồng trên HoSE tương đương 67% so với sáng hôm qua, bán ra 899,3 tỷ tương đương 64%. Mức ròng tương ứng 78 tỷ đồng và cũng không có mã nào đột biến. Phía bán ròng lớn nhất là EVF -48,8 tỷ, CTG -30,1 tỷ. Phía mua có HPG +41,8 tỷ, MWG +25,5 tỷ, PVD +22,7 tỷ.