Ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế Việt Nam sau 2 năm chịu tác động bởi đại dịch Covid-19?
Tôi nghĩ nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rất nhiều thách thức, tuy nhiên Việt Nam lại là đất nước đang ứng phó rất tốt trong bối cảnh khó khăn này. Hiện nay thách thức lạm phát ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng Việt Nam lại ít bị ảnh hưởng từ các thách thức đó, bởi vì Việt Nam có thể tự cung tự cấp về một số hàng hóa mà giá cả những hàng hóa đó là yếu tố gây ra lạm phát ở các nước khác. Nhưng lạm phát vẫn thực sự là một vấn đề, chúng ta đều biết rằng có một loạt các nút thắt về thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở khắp mọi nơi.
Đại dịch Covid-19 dường như đã để lại nhiều tác động khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới. Ví như ở London nơi mà tôi đang sống, đại dịch và Brexit đã làm thay đổi đáng kể lực lượng lao động ở Anh, trong đó có người châu Âu, họ đã quyết định rời đi và trở về quê hương của họ. Nhưng trong trường hợp của người Anh, họ không quay trở lại, một phần là vì Brexit và một phần vì họ ra quyết định trong thời kỳ đại dịch. Ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định, họ sẽ không quay trở lại công việc họ đã làm trước đây, điều đó cũng dẫn đến lạm phát.
Tuy nhiên, theo như những gì mà tôi thấy thì Việt Nam lại không gặp phải vấn đề đó. Chính vì vậy, lạm phát ở Việt Nam đang ở mức vừa phải so với các khu vực khác trên thế giới. Việc Việt Nam có thể tự chủ nguồn lương thực rất hữu ích cho các thị trường trong khu vực hay các nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh mức giá một số loại thực phẩm cơ bản tăng 30-40%, thậm chí là 100%.
Chính vì vậy, những gì mà tôi thấy ở Việt Nam đó chính là một nền kinh tế tăng trưởng tốt, sự tự tin của doanh nghiệp cơ bản cũng rất tốt cả trong nước và quốc tế. Điều đó đang tạo điều kiện cho nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam tiếp tục tăng trong một thời gian tới. Hơn nữa, Việt Nam có nguồn lực lao động lớn được giáo dục và có năng lực kỹ thuật tốt. Dĩ nhiên, sẽ có một số vấn đề về lạm phát về tiền lương và hàng hóa cơ bản, nhưng trong bối cảnh tăng trưởng chung ở Việt Nam, tôi nghĩ lạm phát có thể kiểm soát được. Đó là một phần lý do tại sao chúng tôi rất muốn tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Vậy theo ông, những yếu tố quan trọng nào cần lưu ý để Việt Nam vượt qua bẫy tăng trưởng?
Xem xét các nền kinh tế khác đang phát triển, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là ô nhiễm môi trường. Việt Nam, với một nền kinh tế thâm dụng cácbon, đã rất quyết tâm trong việc tránh rơi vào cái bẫy đó, tôi cho rằng điều này rất đáng khích lệ. Việt Nam đang quản lý điều này khá tốt, nhưng vẫn còn khả năng làm được hơn nữa.
Một điều đáng nói trong quá trình phát triển hiện nay là liệu một quốc gia kém phát triển hơn Việt Nam có thể đi tắt đón đầu một cách hiệu quả, bỏ qua quá trình công nghiệp hóa mà chuyển thẳng sang phát triển công nghệ và dịch vụ. Rõ ràng, Việt Nam đã trải qua quá trình công nghiệp trước, hiện đang chuyển dần sang công nghệ và cuối cùng là dịch vụ.
Gần đây, chúng tôi đã đưa ra một báo cáo quan trọng về việc tránh bẫy thu nhập trung bình. Một trong những lưu ý quan trọng là tiếp tục tập trung cải thiện và thay đổi quy mô lực lượng lao động. Điều này khá dễ bởi dân số Việt Nam tương đối trẻ, tuy nhiên chương trình thay đổi quy mô hiện nay hầu như diễn ra hàng năm chứ không phải một lần trong một thế hệ. Do đó, hãy bắt đầu thay đổi từ các trường học và đại học, tiếp tục thay đổi quy mô liên tục tại các công ty.
Không phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng chú ý đến việc thay đổi quy mô. Standard Chartered thì khác, chúng tôi liên tục thay đổi quy mô nhân viên của mình để đáp ứng với mục đích. Để làm được điều đó trong bối cảnh ngày nay đồng nghĩa rằng phải quan tâm hơn đến dữ liệu và các kỹ năng phân tích dữ liệu, an ninh mạng cũng như phát triển công nghệ và kỹ thuật cơ bản. Ngoài ra, chúng tôi đã phát triển bộ kỹ năng vượt qua rào cản ngôn ngữ để có thể giao tiếp và thâm nhập vào thị trường toàn cầu, giúp Việt Nam tiếp tục là nền tảng phù hợp trong nền kinh tế mới.
Tôi nghĩ đây là những bước quan trọng để tránh một số chi phí khi tăng trưởng và tăng cường vị trí của lực lượng lao động trong tương lai.
Việt Nam được coi là một trong những điểm sáng về thu hút FDI, vậy ông đánh giá thế nào về tình hình thu hút vốn FDI tại Việt Nam trong thời gian gần đây và lĩnh vực nào có thể thu hút nhiều vốn FDI nhất trong thời gian tới?
Việt Nam đang trở thành điểm đến quan trọng đối với lĩnh vực công nghệ và không có lý do gì để nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi. Sự kết hợp giữa logistics và công nghệ sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh. Một số công ty hoặc nhà sản xuất công nghệ hàng đầu đã thiết lập những vị trí rất quan trọng tại Việt Nam và lĩnh vực này đang có nhiều bước phát triển hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, nhiều công ty khác cũng đang xem xét và cân nhắc việc đầu tư vào Việt Nam.
Về chiến lược “Trung Quốc + 1”, tôi nghĩ rằng chiến lược này có thể tác động đến tất cả những phần còn lại của các lĩnh vực sản xuất khác, không chỉ lĩnh vực công nghệ. Tôi nghĩ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Việt Nam không còn là nước sản xuất giá rẻ mà tập trung vào sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quá trình chuyển đổi đó đã và đang diễn ra. Điều này có nghĩa là hàng hóa có giá trị cao đang được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu ra thế giới.
Việt Nam đang trở thành một nơi lý tưởng trong thu hút FDI. Một số lĩnh vực có cơ hội tăng trưởng như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các dịch vụ chuyên nghiệp đang hỗ trợ ngành sản xuất và nông nghiệp ở Việt Nam, tôi nghĩ đó cũng sẽ là những cơ hội tuyệt vời đối với Việt Nam trong nhiều năm tới.
VnEconomy 14/09/2022 06:00
06:00 14/09/2022