Một ngày cuối năm, sau rất nhiều lần lỡ hẹn bởi dịch Covid-19, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media - đơn vị phụ trách lĩnh vực điện ảnh, truyền hình của Viettel, đã dành cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy một cuộc trò chuyện cởi mở về việc Viettel “dấn thân” vào thị trường điện ảnh với tham vọng đặt nền móng để “xuất khẩu văn hóa Việt” ra toàn cầu.
Ông Võ Thanh Hải, nói: "Nguồn tăng trưởng tiếp theo trong thế hệ tăng trưởng Viettel 4.0 mà chúng tôi gọi là chiến lược chuyển đổi số của Viettel có mảng nội dung số, trong đó lĩnh vực truyền hình, điện ảnh không chỉ xem là mảnh ghép quan trọng để bồi đắp cho hệ sinh thái nội dung số đang ngày một lớn mạnh, mà chính đây cũng là thị trường còn rất nhiều cơ hội, nhưng Viettel sẽ tiếp cận theo cách riêng của mình”.
THỊ TRƯỜNG CÓ CƠ HỘI TĂNG TRƯỞNG RÕ RỆT
Thị trường điện ảnh với đặc thù vốn không dành cho những “tay mơ” cho dù lắm tiền nhiều của hay có thương hiệu, thậm chí toàn cầu. Phải chăng Viettel đang mạo hiểm khi chính thức lấn sân sang thị trường điện ảnh?
Viettel Media chính thức tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và sản xuất phim truyền hình từ tháng 5/2021. Ở lĩnh vực điện ảnh Viettel Media chỉ tự làm một phần, còn phần lớn hỗ trợ cho thị trường để ngành phát triển bền vững. Như vừa rồi Viettel Media có ngân sách đầu tư hỗ trợ cho các đạo diễn trẻ (Phim trẻ 360) cho các dự án sáng tạo, có góc nhìn đột phá, có những tiềm năng về mặt thương mại. Việc hỗ trợ này không riêng ở tài chính mà nằm trong suốt quá trình của sản phẩm điện ảnh, đặc biệt là đầu ra của sản phẩm.
Tư duy của Viettel không hẳn là phải rạp mà khai thác trên hạ tầng số, nguồn mà các nhà sản xuất khác cho là phụ, thì bây giờ chúng tôi xem là phần quan trọng. Dự án đầu tay của Viettel cho đạo diễn trẻ không đưa ra rạp mà phát hành hoàn toàn trên hạ tầng số.
So sánh giữa việc đưa phim ra rạp (phải quảng bá, marketing…) với phát thẳng trên hạ tầng số thì mặc dù nền tảng số chỉ tạo ra doanh thu ở phạm vi nhất định nhưng chi phí bỏ ra ít hơn, hợp lý hơn nên có thể cân đối được nguồn thu. Còn ra rạp, nguồn thu có thể lớn hơn nhiều nhưng chi phí cũng rất lớn. Đặc biệt, thêm nữa, khi hỗ trợ các đạo diễn trẻ để nhiều người biết đến tên tuổi, biết đến sản phẩm, thì rõ ràng hạ tầng số có lợi thế lớn hơn rất nhiều.
Viettel Media đang trên đường tìm kiếm các dự án để đầu tư. Chúng tôi đã hoàn thành 1 dự án, hiện có một dự án phim đang quay tại TP.HCM. Chúng tôi tính mỗi năm làm hai đến ba dự án.
Còn mảng sản xuất truyền hình thì sao?
Đây là một dự án kinh doanh rõ ràng. Tuy số lượng người xem phim Việt rất đông, nhưng bài toán kinh doanh của phim truyền hình cần phải được suy tính rất kỹ. Sản xuất phim truyền hình không phải quá khó nhưng để ra được doanh thu thì lại là bài toán không đơn giản.
Quy mô các nhà sản xuất phim truyền hình ở Việt Nam đang bị thu hẹp lại, mặc dù thị trường rất lớn, nhưng chỉ tập trung vào một số nhà đài lớn, lý do trước đây quảng cáo trên truyền hình là lớn nhưng trong nhiều năm vừa rồi thì giảm liên tục, trong khi chi phí về sản xuất phim lại liên tục tăng (chi phí từ diễn viên, máy móc, thiết bị…) do vậy mô hình kinh doanh bị bó hẹp.
Tiềm năng của thị trường điện ảnh và truyền hình được đo đếm bằng những con số cụ thể như thế nào, thưa ông? Hẳn phải đủ hấp dẫn thì Viettel mới tham gia?
Về thị trường đầu ra cho sản xuất nội dung nói chung, thì thị trường quảng cáo đang giảm, năm 2021 giảm 20% (thị trường quảng cáo truyền hình) so với 2020, nhưng quảng cáo số mỗi năm tăng 7-8%. Thị trường phim rạp thì bị ảnh hưởng Covid-19 rồi. Năm 2019 là hơn 4.000 tỷ, 2020 được 1.500 tỷ đồng, còn năm nay giảm chỉ còn 800 tỷ đồng, vì các rạp gần như đóng cửa phần lớn thời gian.
Nhưng cơ hội ở chỗ, truyền hình giảm nhưng sẽ tăng trở lại khi xã hội trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh. Thị trường cho dù hai năm vừa rồi giảm liên tục nhưng sẽ chỉ giảm đến ngưỡng nào đó. Theo những người làm truyền hình, thị trường truyền hình đang có tín hiệu tăng trở lại trong năm 2022.
Đối với quảng cáo số thì chắc chắn tăng rồi. Thị trường bản quyền lúc nào cũng tăng bởi nhu cầu về bản quyền của các OTT trong nước và nước ngoài. Tôi cho rằng cơ hội cho thị trường bản quyền sẽ rất tươi sáng từ 2022, nên hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị bộ máy cũng như các nguồn kịch bản sẵn sàng để bùng nổ về sản xuất.
Với người xem, có thể thấy nhu cầu với các nội dung Việt là rất lớn. Người địa phương bao giờ cũng muốn xem của địa phương. Nhu cầu này ngày càng lớn, nhưng do thị trường chưa tìm được mô hình kinh doanh mới khi quảng cáo truyền hình giảm nên việc sản xuất vừa rồi có phần thụt lùi.
Về mặt số liệu, đối với thị trường truyền hình thì mỗi năm khoảng 11-12 nghìn tỷ đồng quảng cáo. Thị trường quảng cáo số hơn 8.000 tỷ đồng. Thị trường bản quyền khó tính hơn nhưng tôi nghĩ mỗi năm cũng phải tăng từ 25-30%. Tóm lại có ba nguồn thu, gồm (1) quảng cáo truyền hình, (2) quảng cáo số, (3) bán bản quyền.
Truyền hình sẽ chặn được đà suy giảm, quảng cáo số tăng, thị trường bản quyền tăng. Đấy chính là cơ hội.
Nói riêng về quảng cáo số, Viettel Media mới tham gia vào thị trường, chúng tôi nhìn thấy cơ hội rất rõ ràng, và vì thị phần đang rất nhỏ nên mình có thể tăng trưởng không giới hạn trong giai đoạn đầu, tốc độ tăng trưởng có thể tăng vài trăm %/năm.
TẤT CẢ ĐỀU ĐANG CHỜ THỜI
Như những gì phân tích ở trên, có vẻ như Viettel Media đang rất tự tin về đầu ra cho sản phẩm điện ảnh, phim truyền hình?
Một phim điện ảnh ra, mô hình cũ là phải kết hợp với rạp. Giờ tốt thì được, giờ không tốt có thể thất bại ngay. Rạp lại phụ thuộc vào Covid-19 trong bối cảnh này. Trước đây sản xuất 10 bộ thì 5 bộ hòa vốn đến lãi, còn lại 5 bộ thất bại. Giờ Covid-19 người ta ngại đi xem rạp, chỉ có phim hay mới đi xem, do vậy có những phim thành công vượt trội. Chính vì vậy, hiện chỉ 20% phim hòa vốn trở lên và nếu thành công thì vượt trội, còn 80% là thất bại.
Câu chuyện ở đây là hoàn toàn phụ thuộc vào rạp. Do vậy bài toán đặt ra là mình phải có đầu ra để giảm thiểu rủi ro đó. Viettel tiếp cận theo hướng, thứ nhất làm thế nào để giảm thiểu chi phí, không dùng những đạo diễn gạo cội, những chi phí đắt đỏ về mặt nhân sự, mà sẽ đầu tư vào dự án trẻ, có tiềm năng, đạo diễn có tài năng, có kịch bản tốt, quy mô đầu tư cũng chỉ đủ để nếu có thất bại cũng không quá lớn.
Và thứ hai đầu ra không chỉ là rạp, Viettel Media chủ động về mặt hạ tầng số, có nhiều đầu ra khác nhau. Như vậy đầu vào giảm thiểu chi phí, đầu ra phải tăng doanh thu, rủi ro như vậy sẽ giảm xuống. Nếu một dự án phim hoàn toàn phụ thuộc vào đầu ra với doanh thu giảm (rạp) thì cơ bản 80% thất bại. Mô hình sản xuất rạp truyền thống là không còn hiệu quả với thời Covid-19 nữa.
Thực tế sản xuất một bộ phim truyền hình khá tốn kém, lên tới cả trăm triệu đồng một tập phim. Điều này liệu có là áp lực lớn với Viettel Media?
Làm thế nào để sản xuất phim truyền hình sống được luôn là bài toàn được đặt ra. Sản xuất phim truyền hình ít nhất cũng 200 triệu thậm chí là 400 triệu đồng/tập. Lấy được doanh thu quảng cáo để bù đắp riêng phần đó là không thể, trừ một vài kênh truyền hình đếm trên đầu ngón tay. Do vậy phải mở ra mô hình kinh doanh mới. Nó không phải dựa trên quảng cáo truyền hình nữa, quảng cáo truyền hình chỉ là một phần, mà phải khai thác đa hạ tầng, đặc biệt là nền tảng số và bán bản quyền.
Như truyền hình OTT là có cơ hội (OTT – cung cấp nội dung trên các nền tảng Internet- PV). Thực tế truyền hình giảm nhưng các OTT số thì lên, như FPT Play, TV360, Galaxy Play, và đặc biệt là các nền tảng số của nước ngoài như Netflix, TrueID (Thái Lan).
Thứ nữa nhu cầu bản quyền đối với nội dung Việt rất lớn và các OTT sẵn sàng trả giá tốt, để lấy được những sản phẩm chất lượng cho nên cũng mở ra thị trường, cơ hội cho các nhà sản xuất các sản phẩm chất lượng cao mang tính bản địa.
Tôi nghĩ khoảng một hai năm tới, các OTT nước ngoài sẽ bỏ tiền ra đầu tư vào việc sản xuất phim Việt Nam tại Việt Nam giống như đã làm tại các thị trường đi trước như Hàn Quốc, Trung Quốc… Chính Viettel Media có thể sẽ bán một số nội dung cho OTT ngoại và họ cũng đang có kế hoạch cho những việc đó. Đấy là cơ hội cho ngành sản xuất.
Ông có nói các OTT của Hàn Quốc đã điêu đứng trước các OTT ngoại (cụ thể là Netflix) và viễn cảnh này sẽ diễn ra ở Việt Nam. Vậy Viettel Media sẽ cạnh tranh với các OTT ngoại như thế nào?
Các OTT Việt sẽ gặp rất nhiều áp lực trong cạnh tranh với OTT ngoại, tuy nhiên ngành sản xuất nội dung trong nước lại có cơ hội sản xuất để bán cho các OTT trong nước lẫn OTT nước ngoài. Trong bối cảnh nào thì vẫn phải tiêu dùng nội dung.
Hiện tại thị trường sản xuất nội dung chất lượng cao đang đi xuống vì thị trường quảng cáo truyền hình đi xuống, rạp cũng đi xuống và OTT sinh ra doanh thu chưa bù đắp được cho nên tạm thời các nhà sản xuất đang chờ thời. Một hai năm nữa, nền sản xuất nội dung chất lượng cao sẽ gia tăng, xã hội trở lại trạng thái bình thường, rạp sẽ mở cửa, các OTT sẽ cạnh tranh quyết liệt giành lấy nội dung nội địa để thu hút các khách hàng tại Việt Nam.
Khi OTT ngoại nở ra, và sẽ tạo sức ép cho các OTT nội địa nhưng lại tạo cơ hội cho những người sản xuất nội dung. Lúc đó OTT nào cũng những sản phẩm đủ chất lượng, mang tính tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng phục vụ chủ yếu cho khách hàng địa phương. Họ sẽ đặt hàng mình. Những “ông lớn” sẽ đầu tư cho mình nhiều hơn là vào tự xây dựng bộ máy. Do vậy ai sản xuất tốt sẽ có nhiều cơ hội.
CHƯA BAO GIỜ VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI XUẤT KHẨU VĂN HÓA NHƯ BÂY GIỜ
Đâu là đích đến của Viettel Media khi đặt chân vào lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, thưa ông?
Viettel đã nhìn thấy cơ hội thì đầu tư bài bản, dĩ nhiên nó khác lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Lĩnh vực kinh doanh viễn thông là cho toàn thị trường, như di động cho nhiều chục triệu người. Còn với các không gian mới sau này (ví dụ điện ảnh/truyền hình) thì có rất nhiều dịch vụ và mỗi dịch vụ lại có một thị trường ở quy mô vừa phải. Nó không phải thị trường kiểu một dịch vụ tạo ra doanh thu hàng trăm nghìn tỷ, mà Viettel phải khai phá những tập khách hàng nhỏ hơn, nhiều dịch vụ hơn.
Đối với những lĩnh vực mới chẳng hạn như sản xuất phim thì các nhà đài làm tới 50 năm, mở lối khai hoang từ rất lâu rồi, nên giờ mình phải có cách tiếp cận không phải là truyền thống, phải tạo ra làn sóng mới, cách tiếp cận mới. Cụ thể kinh doanh đa hạ tầng, lõi của phim truyền hình không phải là kênh truyền hình, lõi doanh thu của phim điện ảnh không phải là rạp nữa, mà là đa hạ tầng, đa nguồn doanh thu và tạo lập một luật chơi mới, một cách chơi mới, thì Viettel đặt mục tiêu số 1 trên hạ tầng số. Viettel không đặt số 1 trên nền tảng truyền hình mà số 1 doanh thu trên nền tảng số.
Ở các đơn vị truyền hình, 95% doanh thu ở trên truyền hình, 5% doanh thu trên hạ tầng số. Viettel Media thì ngược lại, doanh thu trên truyền hình chỉ chiếm 20%, còn 80% là từ hạ tầng số.
Định vị của chúng tôi khi đặt chân vào lĩnh vực truyền hình là sẽ sản xuất những nội dung có chất lượng cao theo tiêu chuẩn toàn cầu. Như các seri phim của Netflix chất lượng hình ảnh 4K, kịch bản hay, hấp dẫn và mục tiêu bán được cho toàn cầu.
Thế còn xuất khẩu văn hóa, thứ mà Việt Nam gần như vẫn đang ở điểm xuất phát thì sao?
Chưa bao giờ phim Việt Nam hoặc phim của các nước nhỏ có cơ hội để xuất hiện toàn cầu như bây giờ. Cơ hội để có một hệ thống rạp nào đó ở Mỹ chủ động mua phim Việt Nam để phát hành là không có. Nhưng khi phim Việt Nam được sản xuất nói bằng tiếng Anh, đẩy lên các OTT quốc tế, thì văn hóa Việt Nam được phổ cập toàn cầu ngay lập tức. Đó là cơ hội lớn để xuất khẩu văn hóa Việt.
Viettel Media có dự án sẽ sản xuất phim Việt nói tiếng Anh, thoại tiếng Anh và đẩy lên toàn cầu, chứ không phải nói tiếng Việt phụ đề tiếng Anh. Đây rõ ràng là cơ hội để đẩy văn hóa Việt Nam ra toàn cầu một cách nhanh chóng. Để làm được điều đó, quan trọng bây giờ là phải có nền tảng, bộ máy để phản ứng nhanh với thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh rất tích cực.
VnEconomy 05/02/2022 07:00
07:00 05/02/2022