VN-Index liên tục thử thách mốc 1250 điểm, cổ phiếu chứng khoán bất ngờ mạnh
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tiếp tục “phá đáy” khi chỉ đạt khoảng 4.159 tỷ đồng, giảm 12% so với sáng hôm qua. HoSE lần đầu tiên trong vòng 12 tháng chứng kiến một phiên sáng khớp lệnh dưới 4.000 tỷ. Cổ phiếu vẫn đang giảm giá áp đảo nhưng biên độ điều chỉnh rất nhẹ, cho thấy sức ép từ phía bán không phải là nguyên nhân chính...
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tiếp tục “phá đáy” khi chỉ đạt khoảng 4.159 tỷ đồng, giảm 12% so với sáng hôm qua. HoSE lần đầu tiên trong vòng 12 tháng chứng kiến một phiên sáng khớp lệnh dưới 4.000 tỷ. Cổ phiếu vẫn đang giảm giá áp đảo nhưng biên độ điều chỉnh rất nhẹ, cho thấy sức ép từ phía bán không phải là nguyên nhân chính.
VN-Index giảm chạm đáy lúc 9h50 để mất xấp xỉ 7 điểm, xuống mức 1.249,38 điểm. Mức giảm sâu nhất ở nhịp điều chỉnh hiện tại xuất hiện trong phiên ngày 11/9 là 1.244,79 điểm. Như vậy đây là lần thứ hai trong tuần chỉ số thử thách ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm. Cho đến cuối phiên sáng nay, VN-Index đã hồi lên 1252,04 điểm, còn giảm 4,31 điểm (-0,34%) so với tham chiếu.
Thời điểm VN-Index chạm đáy, độ rộng ghi nhận 87 mã tăng/195 mã giảm. Cuối phiên sàn HoSE có 125 mã tăng/207 mã giảm. Trọn phiên sáng độ rộng áp đảo hoàn toàn ở phía giảm nhưng biên độ điều chỉnh ở cổ phiếu không mạnh. Cụ thể, trong 207 mã đang đỏ chỉ có 44 mã giảm quá 1%, đồng thời chỉ 4 mã trong số này giao dịch được quá 10 tỷ đồng là VNM giảm 1,34% khớp 154,2 tỷ; GAS giảm 1,97% khớp 87 tỷ; PVD giảm 1,14% với 47,4 tỷ; FRT giảm 1,01% với 19,6 tỷ. Tính chung toàn bộ 44 mã giảm sâu nhất này chỉ chiếm 9,2% tổng giao dịch sàn HoSE.
Thanh khoản rất thấp và ít cổ phiếu giảm sâu đồng nghĩa với lực bán không tạo được sức ép rõ rệt. Lý do khiến giá cổ phiếu giảm chủ yếu là do bên mua lùi giá chào xuống sâu. Một bộ phần nhỏ người bán chấp nhận hạ giá và hình thành giá khớp nhưng lượng bán này được phản ánh lên mức thanh khoản rất nhỏ sáng nay.
Phía tăng giá cũng không nhiều cổ phiếu mạnh. Trong 125 mã xanh, có 42 mã tăng trên 1%, trong đó 11 mã thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Dẫn đầu đang là một số cổ phiếu nhóm chứng khoán: HCM tăng 2,25% khớp 260,6 tỷ; SSI tăng 1,24% khớp 196,2 tỷ; FTS tăng 2,91% với 116,8 tỷ; VIX tăng 1,33% với 66,6 tỷ. Nhóm chứng khoán khá nhiều cổ phiếu tăng tốt nhưng thanh khoản thấp hơn như BVS tăng 2,3%, MBS tăng 2,24%, TCI tăng 1,91%, CTS tăng 1,58%, VFS tăng 1,54%, VDS tăng 1,47%, AGR tăng 1,42%, BSI tăng 1,28%..
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đi ngược dòng trong bối cảnh thanh khoản thị trường xuống rất thấp là điều khá bất ngờ. Nhóm này cũng đã có nhịp điều chỉnh khá rõ từ giữa tháng 8 đến nay và xuống tới các mức hỗ trợ kỹ thuật mạnh.
Đại đa số cổ phiếu hiện đang dao động tăng giảm trong biên độ rất hẹp và thanh khoản nhỏ. Điều này tương tự diễn biến hôm qua và các mức giá đang có chưa được xác nhận bằng thanh khoản đủ tin cậy. Dòng tiền bắt đáy cũng tương tự, hoạt động thụ động chờ giá cũng là yếu tố khiến thanh khoản xuống thấp. Dư mua còn khá dày nhưng không có lượng cổ phiếu bán xuống.
Nhóm blue-chips sáng nay có vai trò lớn, dù mức độ ảnh hưởng điểm số vẫn có. VCB tăng quá nhẹ 0,34%, BID tăng 0,1%, HPG tăng 0,2% và FPT tăng 0,68% là 4 mã xanh trong top 10 vốn hóa. Phía giảm cũng chỉ có GAS mất 1,97% và VNM giảm 1,34% là đáng kể. VN30-Index chỉ có 9 mã tăng và 16 mã giảm nhưng chỉ số chỉ giảm 0,12%. Thanh khoản rổ này có phiên sáng thứ 2 liên tiếp duy trì dưới ngưỡng 2.000 tỷ đồng cho thấy các nhà đầu tư lớn cũng chậm nhịp lại.
Khối ngoại cũng mờ nhạt tương tự, mức bán ròng ở HoSE là 71,7 tỷ đồng và tổng giá trị mua lẫn bán đều thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây. FPT được mua ròng lớn nhất với 92,7 tỷ, STB +38,2 tỷ, TPB +23,9 tỷ, FTS +23,4 tỷ. Phía bán tập trung vào MWG -75,8 tỷ, VCI -65,6 tỷ.