Vụ cao tốc 34.000 tỷ đồng: Lý do tiếp tục kê biên khối tài sản “khủng”
Về thiệt hại 811 tỷ đồng, tòa án không buộc các bị cáo phải bồi thường song vẫn quyết định giữ các lệnh kê biên bất động sản, phong tỏa tài khoản chứng khoán vì cho rằng trên thực tế VEC “chưa nhận được đồng nào”...
Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, sáng 1/7, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm vụ sai phạm cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam có giá trị đầu tư 34.000 tỷ đồng do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư.
Vụ án liên quan đến sai phạm xảy ra tại giai đoạn 1 dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn đường 65km. Chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác từ năm 2018, đoạn đường này xảy ra nhiều điểm hư hỏng. Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.
TIẾP TỤC KÊ BIÊN, PHONG TỎA TÀI SẢN
Theo cơ quan tố tụng, VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại.
Mặc dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các nhà thầu thi công dự án. Số tiền này được xác định là thiệt hại trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, VEC chỉ yêu cầu bồi thường với 5 gói thầu số tiền 600 tỷ đồng.
Có 36 bị cáo phải nhận án về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Tòa sơ thẩm cũng buộc các nhà thầu phải bồi thường cho VEC 600 tỷ đồng và giành quyền khởi kiện vụ án dân sự cho các đơn vị này với các cá nhân liên quan.
Sau phiên tòa tòa sơ thẩm, có 19/36 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin hưởng án treo. Ngoài ra, một số bị cáo cũng đề nghị được dỡ lệnh kê biên tài sản.
Trong vụ án này, để đảm bảo thi hành án sau này, cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên hàng loạt tài sản là bất động sản và phong tỏa, tạm dừng các giao dịch chứng khoán, ngân hàng.
Đơn cử như công an tạm dừng giao dịch tài khoản gồm bị cáo Đào Văn Hoành – cựu Giám đốc ban điều hành của Tổng công ty Sông Đà (gồm: 7.001 cổ phiếu MBB; 8.000 cổ phiếu NTL, 9.000 cổ phiếu OGC, 2.500 cổ phiếu SD5, 2.096 cổ phiếu SHB, 1.017 cổ phiếu STP, 1.000 cổ phiếu VMG, 1.000 cổ phiếu VPB) mở tại CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam. Bị cáo Lê Quang Hào - cựu Phó tổng giám đốc VEC (gồm 15.000 cổ phiếu DCS, 1.900 cổ phiếu HNM, 1.600 cổ phiếu MCG, 100 cổ phiếu SME mở tại CTCP chứng khoán FPT)...
Về biện pháp tư pháp, tòa phúc thẩm cho rằng, các bị cáo trực tiếp gây thiệt hại cho VEC nên phải liên đới bồi thường thiệt hại. Mặc dù các bị đơn (các nhà thầu) không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường nhưng đó là “lời cam kết”. Trên thực tế, vụ án dân sự chưa diễn ra. VEC chưa nhận được bồi thường nên vẫn tiếp tục kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản chứng khoán, ngân hàng. Những người liên quan đến các giao dịch sẽ được xem xét để đảm bảo đúng quyền lợi.
Xét kháng cáo xin giảm án, tòa phúc thẩm cho rằng, dự án là công trình trọng điểm quốc gia, giá trị lớn nhưng quá trình thi công, nghiệm thu của các nhà thầu thi công, nhà thầu xây lắp, không tuân thủ đầy đủ quy trình pháp luật dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo. Chủ đầu tư, nhà thầu không có phương án cụ thể để rà soát, loại bỏ vật liệu không đảm bảo.
Tại tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử đánh giá, các bị cáo là những người thi công công trình, mỗi người, mỗi bị cáo giữ vai trò ở 1 khâu, 1 giai đoạn. Việc đưa ra xét xử các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tòa án nhận định các bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, không vụ lợi, mong muốn dự án hoàn thành đúng tiến độ nên xem xét mức hình phạt tương xứng với vai trò của từng bị cáo. Một số bị cáo có ý thức phối hợp điều tra và tự nguyện khắc phục một phần hậu quả.
Do đó, tòa phúc thẩm chấp nhận giảm án cho 5 bị cáo gồm bị cáo Vũ Như Khuê (cựu giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 1) mức án 51 tháng (sơ thẩm 5 năm), Cao Hừng Đông (cựu Phó giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 1) mức án 3 năm 3 tháng (sơ thẩm 4 năm), Đỗ Tấn Nam (cựu giám đốc Ban điều hành Công ty Tuấn Lộc) mức án 3 năm (sơ thẩm 3 năm 6 tháng), Nguyễn Hồng Phước (cựu giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 7) mức án 30 tháng (sơ thẩm 3 năm), Nguyễn Mạnh Cường (cựu Phó giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 1) mức án 3 năm 3 tháng (sơ thẩm 4 năm). Các bị cáo còn lại y án sơ thẩm với mức án từ 24 tháng tù treo – 7 năm tù.
LOẠT “ÔNG LỚN” CŨNG BỊ BÁC KHÁNG CÁO
Trong vụ án này, các nhà thầu cũng đồng loạt kháng cáo gồm Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Công ty cổ phần đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 – Trico, Công ty Tuấn Lộc…
Ý kiến của các nhà thầu cho rằng cần cấn trừ các chi phí hợp lý như chi phí nhân công, nguyên vật liệu. Ngoài ra, VEC vẫn đang thu phí tính đến năm 2021 là 1.400 tỷ đồng.
Tòa phúc thẩm cho rằng số tiền thiệt hại 811 tỷ đồng là đã trừ các chi phí thực tế và là tổng thiệt hại do các bị cáo gây ra. Thiệt hại vụ án có thể lớn hơn nhưng cơ quan tố tụng đã tách một số hạng mục là xem xét có lợi cho các bị cáo.
Còn ý kiến của nhà thầu cho rằng số tiền sửa chữa hư hỏng là 115 tỷ đồng. Phản bác ý kiến trên, tòa phúc thẩm nhận định, đấy chỉ là sửa chữa tạm thời. Bộ Giao thông – Vận tải nêu quan điểm phải sửa chữa toàn diện, triệt để, yêu cầu VEC kiểm tra thực tế hiện trường để xác định và đề xuất giải pháp hợp lý để công trình đi vào hoạt động lâu dài.
Việc sửa chữa khắc phục chỉ là giải pháp tình thế trong ngắn hạn. Việc sửa chữa phải lặp đi lặp lại trong nhiều lần, không chỉ trong thời gian bảo hành. Vì vậy, tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của các nhà thầu.