4 cơ hội kinh doanh trong công nghệ đổi mới giáo dục
Theo Forbes, một trong những ngành có nhiều đột phá nhất trong hai thập kỷ qua là giáo dục. Theo đó, Edtech (công nghệ giáo dục) đang dần phát triển và thay thế các phương pháp dạy và học truyền thông. Vậy các startup trong thị trường này đã và đang làm thế nào để mở ra cơ hội kinh doanh cho mình?
Hiện nay, công nghệ AI kết hợp với các công nghệ giáo dục kỹ thuật số khác đang thực sự mang đến những đột phá trong việc dạy và học. Hãy cùng xem xét bốn khía cạnh đang định hình lại nền giáo dục và cơ hội cho những nhà sáng lập mới tham gia vào thị trường edtech.
NỀN TẢNG HỌC TẬP ĐƯỢC CÁ NHÂN HÓA
Trong thời đại số nhộn nhịp, một nền giáo dục phù hợp với tất cả mọi người không còn là đích đến của toàn ngành. Giống như Google và Facebook đã cách mạng hóa ngành quảng cáo bằng cách phát triển quảng cáo cá nhân hóa tự động, nguồn dữ liệu giáo dục được cá nhân bởi AI chính là xu hướng hàng đầu trong thời đại này.
Về mặt lý thuyết, các nền tảng cá nhân hóa được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo có thể đánh giá phong cách học, sở thích và tiến độ của từng người học để cung cấp một chương trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu, sở thích và khả năng riêng của mỗi cá nhân.
Một ví dụ điển hình là Duolingo. Ứng dụng học ngôn ngữ này sử dụng thuật toán AI để cá nhân hóa bài học cho người dùng, mức độ khó và tối ưu hóa nội dung dựa trên hiệu suất của từng tài khoản người học. Cách tiếp cận này của ứng dụng sẽ giúp người dùng tăng tương tác và có động lực học hơn, từ đó tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.
NỀN TẢNG DẠY KÈM ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI AI
Các công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục mới có thể khởi đầu bằng cách tận dụng API của các mô hình ngôn ngữ lớn hơn như Chat GPT để xây dựng một chatbot đóng vai như một gia sư cá nhân, cung cấp phản hồi, hỗ trợ cá nhân hóa cũng như thích ứng với tốc độ và phong cách học tập của học sinh.
Việc kết hợp chatbot với tài liệu giáo dục số tiêu chuẩn từ các chuyên gia có thể là sự kết hợp hoàn hảo để tạo ra một gia sư ảo có trình độ chuyên môn cao nhưng giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, hơn hết có khả năng cung cấp phản hồi cá nhân hóa cho học sinh.
Hai ví dụ minh họa là Scribbens và Grammarly – nền tảng được hỗ trợ bởi AI cung cấp phản hồi bằng văn bản trong thời gian thực. Những nền tảng này không chỉ sửa lỗi ngữ pháp mà còn đề xuất những cải tiến, mô phỏng vai trò của một giáo viên con người.
Cũng như vậy, phát triển gia sư toán AI cho trẻ em là một ý tưởng đáng để xem xét, theo Forbes. Một chatbot AI thân thiện giúp trẻ giải các bài toán, đưa ra lời giải thích từng bước và điều chỉnh phương pháp giảng dạy dựa trên sự hiểu biết của trẻ.
ỨNG DỤNG HUẤN LUYỆN KỸ NĂNG
Yêu cầu công việc đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi những người lao động phải phát triển kỹ năng liên tục. Khi nhu cầu được cấp các chứng chỉ kỹ năng ngày càng tăng, điều này đang mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều công ty. Các công ty khởi nghiệp như Udacity đã nắm bắt xu hướng này bằng cách cung cấp các chương trình cấp bằng trong các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và tiếp thị kỹ thuật số. Các chương trình này cung cấp các dự án thực tế. Trong quá trình học, ứng dụng còn cung cấp cố vấn để đảm bảo người học có được các kỹ năng thực tế đang có nhu cầu cao.
Để tăng trải nghiệm cho người học, những ai đã, đang và sẽ phát triển mô hình này có thể tích hợp công cụ VR vào nền tảng để người học thực sự được chìm đắm trong môi trường ảo, đồng thời cho phép người dùng thực hành và hoàn thiện kỹ thuật của mình.
HỌC TẬP CỘNG TÁC
Mặc dù hoạt động đội nhóm là yêu cầu quan trọng trong công việc và các giải pháp dựa trên đám mây như Google Docs, Notion là những công cụ không còn xa lạ. Thế nhưng trong học tập, cần có những công cụ hữu hiệu hơn, cho phép bất kỳ sinh viên đến từ các khu vực địa lý khác nhau tập hợp lại tại một không gian, để thúc đẩy một cộng đồng người học cùng phát triển
Trong số những công ty làm được sứ mệnh này, có lẽ Coursera là cái tên nổi bật nhất. Hợp tác với các trường đại học trên khắp thế giới, Coursera cung cấp các khóa học về nhiều chủ đề khác nhau, cho phép người học tương tác với những người khác đến từ các nền văn hóa khác nhau và tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao mà không có rào cản về địa lý.
Tuy nhiên, nhìn chung, mô hình này chưa thực sự phổ biến rộng rãi để chứng minh những giá trị. Điều đó nói lên rằng, học tập cộng tác còn một chặng đường dài phía trước và một nền tảng đổi mới tích hợp giảng dạy đầy đủ các kỹ năng và kiến thức với một không gian kết nối rộng lớn có thể tạo ra giá trị to lớn và thúc đẩy thành công trong ngành công nghệ giáo dục.