Chi tiêu cho công nghệ thông tin để xây dựng chính phủ số sẽ tăng cao
Dự đoán sẽ có thêm 900 triệu người dùng Internet mới tại khu vực bao gồm các quốc gia Úc, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2025...
Nghiên cứu “Digital Smart: Thúc đẩy chính phủ số cho người dân ở Châu Á - Thái Bình Dương” của Deloitte thực hiện và được nhà cung cấp phần mềm doanh nghiệp VMware công bố cho thấy 86% người dân Ấn Độ đồng ý rằng chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Với dự đoán sẽ có thêm 900 triệu người dùng Internet mới tại khu vực bao gồm các quốc gia Úc, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2025, nhu cầu đầu tư vào các dịch vụ số của các chính phủ sẽ tiếp tục tăng. Chi tiêu vào công nghệ thông tin của các chính phủ dự đoán sẽ tăng lên 151 tỷ USD vào năm 2025.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người dân đến trực tiếp các cơ quan hành chính để thực hiện các thủ tục, dịch vụ công đã giảm một nửa ở các quốc gia APAC trong hai năm qua. Có 77% công dân hiện chủ yếu sử dụng các nền tảng số để truy cập các dịch vụ của chính phủ.
Hơn nữa, 67% số người được hỏi mong đợi chất lượng dịch vụ của chính phủ sẽ ngang bằng với chất lượng của khu vực tư nhân. Ngoài ra, phát hiện đáng lưu ý nữa là 41% số người được hỏi gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chính phủ số vì thiếu kỹ năng số cơ bản cũng như thiếu các cơ sở hạ tầng hỗ trợ chính phủ điện tử.
Pradeep Nair, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tại VMware Ấn Độ, cho biết: “Theo nghiên cứu của Deloitte, 81% người Ấn Độ được hỏi đồng ý rằng các dịch vụ của chính phủ đã trở nên dễ sử dụng hơn và 78% cho biết chất lượng dịch vụ đã được cải thiện. Nghiên cứu cũng đưa ra những kỳ vọng như dịch vụ truy cập dễ dàng hơn, minh bạch hơn và tăng cường bảo mật dữ liệu”.
Sylvain Cazard, Phó chủ tịch và Tổng giám đốc cấp cao, VMware, khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, cho biết “Qua nghiên cứu của Deloitte, rõ ràng người dân mong đợi các dịch vụ công của chính phủ được cung cấp một cách chất lượng và nhanh chóng như những dịch vụ của các công ty hoặc tổ chức tư nhân. Cung cấp dịch vụ dựa trên cơ sở hạ tầng đa đám mây cũng như các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại sẽ là xu hướng, vì vậy các chính phủ cần điều chỉnh tư duy và nguồn lực theo những xu hướng chính này để đáp ứng nhu cầu của công dân".
Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của các chính phủ trong việc đón nhận xu hướng số hóa rất khác nhau giữa các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nhìn chung, các chính phủ đang phải đối mặt với một nhiệm vụ thách thức là đáp ứng kỳ vọng cao của người dân về việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Song nhiều chính phủ chỉ có ngân sách hạn hẹp.
Tại Ấn Độ, những người được hỏi cho rằng những trải nghiệm tích cực khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến sẽ cải thiện lòng tin của họ đối với chính phủ. 89% người dân sẵn sàng học các kỹ năng số mới hoặc sử dụng nền tảng mới.
Tại Singapore, 84% số người được hỏi mong đợi được tiếp cận các dịch vụ của chính phủ một cách thường xuyên hơn trong 5 năm tới và 76% đồng ý hoặc đồng ý mạnh mẽ rằng chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Úc, quốc gia cũng đang tăng cường áp dụng các dịch vụ kỹ thuật số vào chính phủ, có 82% người được hỏi mong đợi các dịch vụ công được thực hiện trực tuyến trong 5 năm tới để có trải nghiệm tích hợp hơn. 55% người Úc sẵn sàng cung cấp dữ liệu cá nhân nếu điều đó giúp việc truy cập dịch vụ dễ dàng hơn. Bảo mật dữ liệu cũng được người Úc quan tâm hàng đầu khi truy cập các dịch vụ của chính phủ.
Mặt khác, 90% người Hàn Quốc được hỏi mong đợi được tiếp cận các dịch vụ của chính phủ thường xuyên hơn trong vòng 5 năm tới. Báo cáo cho thấy Hàn Quốc được xếp hạng đầu tiên trên toàn cầu trên chỉ số GTMI (GovTech Maturity Index) của Ngân hàng Thế giới và được công nhận là GovTech hàng đầu thế giới với số điểm 98/100.