10:34 29/01/2024

Hoa Kỳ sắp sửa rót hàng tỷ USD vào công nghiệp bán dẫn

Thanh Minh

Hoa Kỳ dự kiến sẽ rót hàng tỷ USD cho Intel, TSMC và các công ty bán dẫn hàng đầu khác để giúp xây dựng các nhà máy mới - một động thái nhằm nêu bật sáng kiến kinh tế đặc trưng khi cuộc bầu cử sắp đến gần.

Tổng thống Biden tham quan nhà máy TSMC đang được xây dựng ở Arizona. Ảnh: WSJ
Tổng thống Biden tham quan nhà máy TSMC đang được xây dựng ở Arizona. Ảnh: WSJ

Các khoản tài trợ này là một phần của Đạo luật Chips trị giá 53 tỷ USD, nhằm mục đích khôi phục hoạt động sản xuất vi mạch tiên tiến và cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia đang phát triển nhanh ngành công nghiệp chip của riêng mình.

THÔNG BÁO TÀI TRỢ DỰ KIẾN SẼ ĐƯỢC TỔNG THỐNG BIDEN CÔNG BỐ VÀO 7/3

Theo Wall Street Journal, các giám đốc điều hành cho biết quyết định rót tiền này nhằm mục đích khởi động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, cung cấp năng lượng cho điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo và hệ thống vũ khí.

Dự kiến một số thông báo sẽ được đưa ra trước bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào ngày 7/3, Tổng thống Biden sẽ giới thiệu những thành tựu kinh tế của mình khi chiến dịch tranh cử tổng thống bắt đầu tiến triển. Cựu Tổng thống Donald Trump là ứng cử viên hàng đầu cho sự đề cử của Đảng Cộng hòa.

Một số nhà lập pháp và quan chức trong ngành lo ngại rằng, do quy trình cấp phép và những sự cố chậm trễ khác, có thể phải mất nhiều năm nữa các nhà máy được trợ cấp mới đi vào sản xuất chip tại Mỹ.

Những tập đoàn có khả năng nhận được khoản trợ cấp là Intel, do Giám đốc điều hành Pat Gelsinger lãnh đạo và có các dự án đang được tiến hành ở Arizona, Ohio, New Mexico và Oregon với chi phí hơn 43,5 tỷ USD. Một công ty khác là TSMC, có hai nhà máy chế tạo đang được xây dựng gần Phoenix với tổng vốn đầu tư 40 tỷ USD. Arizona và Ohio được coi là bang chiến trường trong cuộc đua tổng thống và quốc hội vào tháng 11.

Samsung Electronics của Hàn Quốc có dự án trị giá 17,3 tỷ USD gần Dallas. Các nhà điều hành ngành cho biết Micron Technology, Texas Instruments và GlobalFoundries nằm trong số những đối thủ hàng đầu khác.

Michael Schmidt, giám đốc Văn phòng Chương trình Chips, cho biết: “Chắc chắn, vào đầu năm nay, chúng tôi sẽ công bố những tiến bộ lớn. Chúng tôi đang đi đúng lịch trình”.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại từ chối thảo luận về từng đơn đăng ký nhận tài trợ, thời gian hoặc số tiền tài trợ. Bà nói: “Đây là một quá trình dựa trên các cuộc đàm phán thương mại khó khăn. Giải thưởng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào dự án nào sẽ thúc đẩy an ninh quốc gia và kinh tế của Hoa Kỳ”.

CHIẾN LƯỢC KINH TẾ QUAN TRỌNG TRONG CUỘC TRANH CỬ CỦA TỔNG THỐNG BIDEN

Cách thức thực thi Đạo luật Chips là một cuộc thử nghiệm sớm về khả năng của Washington trong việc thực hiện chính sách công nghiệp - sự hỗ trợ của chính phủ đối với các ngành được coi là chiến lược - nơi Trung Quốc, Nhật Bản và Đức có nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn.

Việc thực hiện các chính sách kinh tế đặc trưng - chẳng hạn như Đạo luật Chips, luật cơ sở hạ tầng năm 2021 và Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 nhằm vào năng lượng tái tạo - đều là những vấn đề cấp thiết cho nỗ lực tái tranh cử của ông Biden. 

Các yêu cầu của Đạo luật Chips về lực lượng lao động và an ninh quốc gia khiến các cuộc đàm phán tài trợ trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề cũng đang hiện rõ.

TSMC, công ty sản xuất khoảng 90% chip tiên tiến nhất thế giới, cho biết vào tuần trước rằng họ dự kiến sẽ trì hoãn việc sản xuất tại nhà máy thứ hai ở Arizona từ một đến hai năm, với lý do không chắc chắn về các biện pháp khuyến khích của Hoa Kỳ. TSMC trước đó đã hoãn việc khai trương nhà máy đầu tiên từ năm 2024 đến nửa đầu năm 2025.

Ông John VerWey, cố vấn về an ninh và công nghệ tại Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương, người đã nghiên cứu các rào cản pháp lý trong việc xây dựng nhà máy ở Mỹ, cho biết: “Lý do chính là thời gian thực hiện và các lựa chọn thay thế mà các công ty này có. Xây dựng một nhà máy ở Đài Loan hoặc Nhật Bản có thể làm nhanh hơn nhiều so với ở Mỹ”.

Các quan chức hành chính nói rằng Đạo luật Chips đã thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vượt quá 200 tỷ USD. Khoảng 12.000 người làm việc hàng ngày tại cơ sở Arizona của TSMC.

Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cầm một con chip bán dẫn trong phiên điều trần tại Thượng viện năm 2022
Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cầm một con chip bán dẫn trong phiên điều trần tại Thượng viện năm 2022

Đặc biệt, cần xây dựng kịp thời Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia, yêu cầu các dự án lớn do liên bang tài trợ phải vượt qua đánh giá về môi trường trước khi được cấp tài trợ. Theo một báo cáo của chính phủ liên bang, các đánh giá đầy đủ của NEPA mất trung bình 4,5 năm từ năm 2013 đến năm 2018. Các nhà phê bình cho rằng mỗi năm trì hoãn sẽ làm tăng thêm khoảng 5% chi phí xây dựng của một nhà máy sản xuất chip.

Dự luật được Thượng viện thông qua miễn trừ các dự án lớn theo Đạo luật Chips khỏi sự xem xét của NEPA đã không thu hút được sự chú ý của Hạ viện. Một số thành viên Đảng Cộng hòa muốn có một cuộc cải tổ cấp phép rộng hơn bao gồm năng lượng và các lĩnh vực khác. Một số đảng viên Đảng Dân chủ lại lo lắng về việc làm loãng các tiêu chuẩn môi trường.

Tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề được cho là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ tiềm tàng. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, một tổ chức thương mại, ước tính ngành công nghiệp này sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt 67.000 công nhân vào năm 2030, bao gồm các kỹ thuật viên, nhà khoa học máy tính và kỹ sư.

Jimmy Goodrich, một chuyên gia bán dẫn, tư vấn cho Rand Corp, cho biết: “Ngành công nghiệp chip thâm dụng vốn và do đó, các công ty cần có khả năng dự đoán. Họ sẽ phòng ngừa các khoản đầu tư đáng kể như mua thiết bị, vốn chiếm 80% chi phí sản xuất, cho đến khi họ chắc chắn rằng về nhu cầu thị trường và được hưởng các ưu đãi của chính phủ để cạnh tranh trên toàn cầu”.