11:29 29/07/2024

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt chậm chân trong ứng dụng AI vào sản xuất

Bảo Bình

Quá trình ứng dụng AI vào sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt đang chậm hơn so với thế giới. Sự chậm trễ này diễn ra ở cả các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, ứng dụng AI...

Việc ứng dụng AI vào sản xuất là một giải pháp không thể thiếu để doanh nghiệp có thể tối ưu quy trình, tiết kiệm chi phí, hướng tới phát triển bền vững. Ảnh minh họa
Việc ứng dụng AI vào sản xuất là một giải pháp không thể thiếu để doanh nghiệp có thể tối ưu quy trình, tiết kiệm chi phí, hướng tới phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Nghiên cứu của McKinsey gần đây đã nhấn mạnh sự cần thiết của các nhà sản xuất trong việc áp dụng AI nhanh chóng và ở quy mô lớn để duy trì tính cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

DOANH NGHIỆP VIỆT CHẬM CHÂN SO VỚI THẾ GIỚI

Hãng nghiên cứu đã đề cập đến tiềm năng biến đổi của AI trong sản xuất, trong quá trình này sẽ có những điểm chính như tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ, triển khai chiến lược AI và sự sẵn sàng tận dụng AI để nâng cao năng suất và đổi mới. Vai trò của AI trong sản xuất hiện đại là then chốt để thúc đẩy hiệu quả, đổi mới và duy trì lợi thế cạnh tranh.

Trao đổi bên lề Hội thảo “Diễn Đàn AIoT: Giải Pháp Và Dịch Vụ Điện Toán Biên Thông Minh” diễn ra sáng 26/7, ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam, đã chia sẻ một thực tế đáng chú ý. Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng trở thành một công cụ không thể thiếu trong các nhà máy sản xuất. Trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đang tích cực áp dụng AI vào quy trình sản xuất và kinh doanh. 

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đã quan tâm và tích cực phát triển, ứng dụng AI vào sản xuất. Điều này phù hợp với xu thế của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, theo nhận định của ông Hậu, quá trình ứng dụng AI vào sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt vẫn có phần chậm hơn so với thế giới. Sự chậm trễ này diễn ra ở cả các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, ứng dụng AI. 

“Bài toán đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào để đưa AI vào quá trình sản xuất, kinh doanh, để nâng cao hiệu quả vận hành”, ông Đỗ Đức Hậu nói. “Mặc dù đã có những doanh nghiệp Việt phát triển và ứng dụng AI vào sản xuất, song kết quả vẫn chưa cao. Hiện tại, các giải pháp AI trong sản xuất phần lớn đang đến từ các nhà cung cấp nước ngoài”.

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng AI vào sản xuất là một giải pháp không thể thiếu để doanh nghiệp có thể tối ưu quy trình, tiết kiệm chi phí, hướng tới phát triển bền vững.

Trả lời câu hỏi vì sao các doanh nghiệp Việt chậm chân hơn so với thế giới trong việc ứng dụng AI vào sản xuất, kinh doanh cũng như những thách thức chính trong quá trình này, ông Đỗ Đức Hậu đã đưa ra những khó khăn chính.

Đầu tiên là về vấn đề dữ liệu. Do việc đào tạo các mô hình AI cần nhiều dữ liệu song hiện nay vấn đề số hóa dữ liệu của các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, nhiều dữ liệu từ trước đó được lưu thủ công trên giấy tờ. Thiếu dữ liệu số đang là rào cản lớn cản trở việc ứng dụng AI trong sản xuất tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, dù AI có tiềm năng ứng dụng lớn song nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá e dè trong việc ứng dụng công nghệ này. Sự thiếu hiểu biết về AI và cách thức hoạt động của công nghệ, cùng với tâm lý lo ngại về chi phí và rủi ro, đã khiến việc chuyển đổi số trong sản xuất diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng.

DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT HÃY RA "ĐỀ BÀI" CHO AI

Để giải quyết những bài toán này của doanh nghiệp sản xuất, ông Đỗ Đức Hậu cho rằng vai trò của các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Kinh nghiệm tại Singapore cho thấy các chính sách hỗ trợ của chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ mới. Chính phủ Singapore tạo ra quỹ hỗ trợ tài chính, giúp các doanh nghiệp địa phương chuyển đổi số và áp dụng AI vào sản xuất. Chính sách hỗ trợ của chính phủ Singapore đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.

Một giải pháp nữa được Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam đưa ra là môi trường hợp tác sâu rộng giữa các đối tác kinh doanh, bao gồm các đơn vị cung cấp phần cứng, các đơn vị cung cấp nền tảng phần mềm, và các doanh nghiệp sản xuất. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất cần cởi mở hơn để các nhà phát triển có cơ hội tiếp cận và đưa ra các giải pháp tối ưu, bởi vì, để AI có thể giải quyết hiệu quả các bài toán cho doanh nghiệp thì đòi hỏi doanh nghiệp ứng dụng phải đưa ra các đề bài cụ thể, cung cấp dữ liệu cần thiết và phối hợp với nhà phát triển phần cứng, phần mềm. 

Khu vực Châu Á Thái Bình Dương được dự đoán sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thị trường sản xuất.
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương được dự đoán sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thị trường sản xuất.

Theo Báo cáo của Grand View Research, khu vực Châu Á Thái Bình Dương được dự đoán sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thị trường sản xuất. Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đã tập trung tận dụng các công nghệ dựa trên AI để số hóa và nâng cao quy trình sản xuất.

Doanh nghiệp tại các quốc gia này chú trọng tích hợp các thiết bị IoT, phân tích AI và hệ thống vật lý không gian mạng, mục tiêu là thiết lập các nhà máy phức tạp có khả năng sản xuất thích ứng, phân tích dự đoán và ra quyết định ngay lập tức dựa trên dữ liệu. Động thái chiến lược này đã định vị khu vực này là nơi dẫn đầu về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực sản xuất.

Grand View Research dự đoán thị trường ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 44,2% từ năm 2024 đến năm 2030. Sự tiến bộ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất đang được thúc đẩy thông qua nhiều yếu tố.

Quá trình chuyển đổi số trong sản xuất dự kiến sẽ áp dụng mạnh mẽ các nền tảng AI. Quá trình phục hồi của các công ty sản xuất sau đại dịch COVID-19 và nhu cầu ngày càng tăng của họ về các giải pháp bền vững đóng vai trò là chất xúc tác then chốt thúc đẩy việc mở rộng áp dụng AI trong ngành sản xuất.