16:28 12/12/2023

Quyết không từ bỏ thị trường Indonesia, TikTok rót 1,5 tỷ USD, bắt tay GoTo để vận hành TikTok Shop

Hoàng Hà

Giao dịch sẽ được hoàn tất vào quý đầu tiên của năm 2024. Indonesia là thị trường Đông Nam Á lớn nhất của TikTok và thị trường lớn thứ hai trên toàn cầu với 125 triệu người dùng sau Mỹ...

TikTok của Trung Quốc sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD để trở thành cổ đông kiểm soát của một đơn vị thương mại điện tử thuộc GoTo Gojek Tokopedia của Indonesia. Cú đặt cược này sẽ giúp TikTok khởi động lại hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến vốn đang bị các cơ quan quản lý tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đình chỉ.

Indonesia đã cấm mua sắm trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội vào tháng 10 để bảo vệ dữ liệu của người dùng và những người bán nhỏ hơn, buộc TikTok phải đóng cửa dịch vụ thương mại điện tử TikTok Shop.

Thị trường này nằm trong số những nơi nhà điều hành ứng dụng video ngắn đã ra mắt TikTok Shop vào đầu năm nay để tận dụng cơ sở người dùng lớn và thách thức những đối thủ bán hàng trực tuyến đang phát triển nhanh như Shein và Temu.

Cổ phiếu của GoTo, công ty hoạt động kinh doanh bao gồm dịch vụ gọi xe, giao hàng và tài chính, giảm 8,3% sau thông báo này, do một số nhà đầu tư đã chốt lãi từ đợt tăng giá gần đây của cổ phiếu nhờ kỳ vọng về thỏa thuận với TikTok.

Nhà phân tích Maximilianus Nico Demus tại Pilarmas Investindo Sekuritas cho biết: “Chúng ta cần xem loại gián đoạn thị trường nào sẽ xảy ra sau mối quan hệ hợp tác này”.

Theo thỏa thuận này, TikTok sẽ mua 75,01% cổ phần Tokopedia của GoTo, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, với giá 840 triệu USD và đưa hoạt động kinh doanh tại Indonesia của TikTok Shop vào thực thể Tokopedia mở rộng.

Hai công ty cho biết trong một tuyên bố rằng: “Quan hệ đối tác chiến lược sẽ bắt đầu bằng giai đoạn thử nghiệm được thực hiện với sự tham vấn và giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý có liên quan”.

Nhiều người trong số hơn 270 triệu người Indonesia là những người sử dụng mạng xã hội tích cực.

TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc, có 124 triệu người dùng ở quốc gia Đông Nam Á này và đang tìm cách biến cơ sở người dùng lớn đó thành nguồn doanh thu thương mại điện tử lớn.

Các công ty cho biết giao dịch sẽ được hoàn tất vào quý đầu tiên của năm 2024 và Tokopedia sẽ nhận được một kỳ phiếu trị giá 1 tỷ USD từ TikTok. Khoản tiền này có thể được sử dụng để tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động.

Họ cho biết: “TikTok đã cam kết đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào tổ chức mở rộng theo thời gian để cung cấp nguồn vốn trong tương lai”.

Tokopedia cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử Indonesia với Shopee từ Sea có trụ sở tại Singapore và Lazada từ gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba (BABA). Theo báo cáo của Google, nhà đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings và công ty tư vấn Bain & Co, ngành thương mại điện tử của Indonesia dự kiến sẽ tăng lên khoảng 160 tỷ USD vào năm 2030 từ mức 62 tỷ USD trong năm nay.

Hồi cuối tháng 9, Indonesia ra quy định mới cấm bán hàng trên mạng xã hội, giáng một đòn mạnh vào tham vọng Đông Nam Á của TikTok. Giám đốc điều hành Shou Zi Chew trước đây cho biết ứng dụng này sẽ đầu tư hàng tỷ đô la vào khu vực trong bối cảnh đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trên toàn cầu khi áp lực của Mỹ leo thang.

Ngành thương mại điện tử của Indonesia dự kiến sẽ tăng lên khoảng 160 tỷ USD vào năm 2030 từ mức 62 tỷ USD trong năm nay.
Ngành thương mại điện tử của Indonesia dự kiến sẽ tăng lên khoảng 160 tỷ USD vào năm 2030 từ mức 62 tỷ USD trong năm nay.

Theo công ty, Indonesia là thị trường Đông Nam Á lớn nhất của TikTok và thị trường lớn thứ hai trên toàn cầu với 125 triệu người dùng sau Mỹ. 

Chính phủ Indonesia công bố quy định mới, cấm các công ty truyền thông xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán sản phẩm trên nền tảng của họ, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ khỏi sự cạnh tranh của thương mại điện tử, cáo buộc các ứng dụng và trang web phổ biến có hành vi định giá cắt cổ.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết lệnh cấm nhằm "ngăn chặn sự thống trị của thuật toán và ngăn chặn việc sử dụng dữ liệu cá nhân vì lợi ích kinh doanh" và "tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử công bằng, lành mạnh và có lợi".

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Teten Masduki của Indonesia, những người bán hàng tại chợ ở Jakarta đã bị mất hơn 50% lợi nhuận vì họ không thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu được bán trực tuyến với giá thấp hơn nhiều.