Chip được ví như “bộ não” của tất cả các hệ thống tự động hóa và thông minh, là “linh hồn” của cuộc cách mạng 4.0. Mặc dù các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế thành công chip, nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trong quy mô phòng thí nghiệm, chưa có nhà máy sản xuất ở quy mô lớn.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng để phát triển thành công trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải quan tâm đến thiết kế, sản xuất chip và các phần mềm điều khiển chip.
Muốn vậy, trước hết Việt Nam phải quan tâm thúc đẩy phát triển ngành vật liệu điện tử là nguồn đầu vào cho sản xuất chip.
Vi mạch là một trong những ngành công nghiệp nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0, nền móng cho phát triển công nghệ cao. Ông đánh giá thế nào về thực trạng ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam hiện nay?
Có thể nói ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam hiện nay mới đang ở giai đoạn bắt đầu và còn rất bé nhỏ. Trong khi đó, nhu cầu cũng như trình độ phát triển về vi mạch trên thế giới đã rất cao.
Từ cách đây hơn 10 năm, Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vi mạch. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình sản phẩm quốc gia và một trong sáu sản phẩm đầu tiên được phê duyệt chính là vi mạch. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phải có các dự án về vi mạch.
Do công nghiệp vật liệu của Việt Nam chưa phát triển, chưa tự chủ được vật liệu nên Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi động bằng dự án thiết kế chip. Dự án được giao cho Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm vi mạch) để thiết kế những vi mạch đầu tiên của Việt Nam. Ở thời điểm đó, dự án của Trung tâm vi mạch đã thiết kế thành công chip 8 bit và sau đó là chip 32 bit.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ký chương trình phối hợp phát triển ngành công nghiệp vi mạch của thành phố. Thành phố đã giao cho Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn nghiên cứu dự án đầu tư nhà máy sản xuất vi mạch với số vốn khoảng 100 triệu USD, nhưng vì nhiều lý do mà đến nay dự án này đã không thực hiện được.
Ngay cả với dự án thiết kế vi mạch của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dù đã thử nghiệm thành công trong quy mô phòng thí nghiệm và hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tế, nhưng Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất các chip vi mạch nên phải thuê chế tạo thử ở nước ngoài. Đến nay dự án đã kết thúc nhưng các thiết kế chip 8 bit và 32 bit vẫn chỉ ở trong quy mô phòng thí nghiệm.
Các kết quả từ dự án nghiên cứu đã chứng minh người Việt Nam có thể nghiên cứu và thiết kế được chip nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm mà không đưa vào sản xuất được. Điều này có lãng phí không, thưa ông?
Chúng ta đã nghiên cứu, thiết kế thành công chip 8 bit và 32 bit. Tuy nhiên, thực tế hiện nay yêu cầu với các hệ thống công nghệ tự động đã cao hơn rất nhiều nên nhiều hãng sản xuất chỉ làm những chip 32 bit và 64 bit mà không làm chip 8 bit... Nếu Việt Nam tiếp tục làm chip 8 bit thì sẽ không thương mại hóa được và ngay cả chip 32 bit thì trong vài năm tới cũng trở thành lạc hậu.
Do đó, mặc dù qua các nghiên cứu thiết kế thành công chip 8 bít và 32 bit đã khẳng định năng lực, chất xám của người Việt hoàn toàn có thể làm được chip, đồng thời tích lũy kinh nghiệm, trình độ để làm những chip khác nhanh hơn. Nhưng vì không được đưa vào ứng dụng thực tế sản xuất ở quy mô lớn nên rất lãng phí kết quả nghiên cứu cũng như nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế.
Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, thưa ông?
Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất chính là do ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam còn non kém, chưa sản xuất được các vật liệu điện tử, các vật liệu cần thiết cho ngành công nghiệp vi mạch. Ngành vật liệu điện tử Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là con số 0. Ngay cả khi có nhà máy sản xuất chip thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu toàn bộ vật liệu điện tử. Thực tế ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản thì nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp sản xuất chip cũng là một vấn đề khó khăn thách thức rất lớn.
Chính vì thế trước đây, khi cơ cấu lại Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn giữ lại chương trình khoa học công nghệ vật liệu KC-03. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam mới chỉ làm được những loại vật liệu thông thường. Còn những loại vật liệu cơ bản, trọng yếu đóng vai trò chiến lược cho nền kinh tế như: vật liệu điện tử, vật liệu quang, vật liệu hợp kim cao cấp, vật liệu polymer... vẫn chưa làm được.
Theo tôi, nếu Việt Nam phát triển ngành công nghiệp vi mạch thì việc đầu tiên phải làm chính là xây dựng được một số cơ sở sản xuất các vật liệu điện tử chủ yếu. Việt Nam phải tự chủ được những vật liệu mang tính chiến lược để chủ động, không bị ngưng trệ sản xuất nếu khi xảy ra những tình huống xấu như chiến tranh thương mại hoặc dịch bệnh Covid-19... Tất nhiên, nếu tự sản xuất giá thành cao trong lúc giá thị trường thế giới rẻ hơn thì Việt Nam có thể nhập khẩu.
Hiện nay, hầu hết chip phục vụ nhu cầu trong nước đều phải nhập khẩu. Vì vậy, tôi cho rằng Việt Nam phải cân nhắc và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới nếu muốn phát triển một ngành công nghiệp vi mạch nói riêng cũng như công nghiệp điện tử nói chung.
Mấu chốt để giải quyết vấn đề này, để Việt Nam có thể phát triển được ngành công nghiệp vật liệu cũng như ngành công nghiệp vi mạch, đang nằm ở điểm nào, thưa ông?
Theo tôi, chúng ta làm từ gốc ban đầu, trước hết phải thăm dò trữ lượng và đánh giá chất lượng các nguồn tài nguyên, mỏ khoáng sản vật liệu liên quan như đất hiếm, kim loại màu, các nguồn vật liệu polymer. Cùng với đó phải đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khai thác, chế biến, tinh luyện và sản xuất ở quy mô công nghiệp đối với các loại vật liệu chiến lược.
Trên cơ sở đó đầu tư để sớm hình thành một ngành công nghiệp vật liệu chiến lược như vật liệu điện tử, vật liệu quang, vật liệu tinh khiết, hợp kim...; những loại vật liệu phục vụ làm các linh kiện chi tiết cho công nghiệp điện tử. Khi có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp thì Việt Nam mới hình thành được ngành công nghiệp vật liệu trong đó có vật liệu điện tử.
Khi tự chủ được công nghệ và một phần vật liệu thì các nhà máy sản xuất chip mới có thể vận hành, hoạt động ổn định, cung cấp chip, đáp ứng nhu cầu sản xuất từ các thiết bị điện tử dân dụng đến cao cấp trong nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trình độ cao thì các chip điều khiển giữ vai trò đặc biệt quan trọng được ví như “bộ não”, “linh hồn” của tất cả các hệ thống tự động hóa và thông minh.
Việc tự chủ được chip sẽ có ý nghĩa, vai trò thế nào trong bối cảnh Việt Nam hiện đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng các công nghệ tự động hóa, Internet vạn vật (IoT) và các công nghệ của cách mạng 4.0, thưa ông?
Chắc chắn rằng nếu Việt Nam không sản xuất được chip, phải nhập khẩu thì sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài từ sản phẩm cuối cùng là chip cho tới những công nghệ, kể cả các phần mềm điều khiển chip. Mặc dù Việt Nam có thể nhập chip để tự cài đặt phần mềm bằng công nghệ của mình nhưng rất khó loại trừ những tình huống bị cài đặt sẵn các phần mềm ẩn.
Khi tự sản xuất được chip thì Việt Nam hoàn toàn an tâm về bảo mật an toàn thông tin dữ liệu và có thể sản xuất, thiết kế các thiết bị công nghệ theo mục tiêu của chúng ta mà không bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải có vật liệu điện tử thì mới có thể làm được chip đồng bộ đến sản phẩm cuối cùng. Nếu phải nhập khẩu vật liệu thì Việt Nam vẫn có thể phát triển và duy trì được ngành công nghiệp điện tử nhưng vẫn phải phụ thuộc vào nhà cung cấp vật liệu nước ngoài mà không tự chủ động được.
Nếu không tự chủ được ngành sản xuất chip thì Việt Nam sẽ không thể thực hiện được rất nhiều nội dung của chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chip sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các hệ thống thông tin của chuyển đổi số và cuộc cách mạng này.
Ngoài việc đầu tư kinh phí cho các viện, trường đại học, để nghiên cứu vi mạch thì hiện nay cũng có những doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực đã chủ động đầu tư nghiên cứu và sản xuất chip. Ông nhìn nhận thế nào về sự vào cuộc của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc đầu tư cho nghiên cứu thiết kế chip của các doanh nghiệp. Bởi để thiết kế và sản xuất chip cần phải có nguồn vốn đầu tư rất lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế. Đầu tư của Nhà nước cho các viện nghiên cứu, trường đại học cũng rất khó khăn vì bên cạnh nguồn lực không đủ lớn thì cơ chế tài chính phải tuân thủ quy định của Luật Ngân sách rất chặt chẽ và phức tạp nên không dễ để giải ngân.
Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vốn để nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip là một tín hiệu rất đáng mừng.
Người Việt Nam hoàn toàn có năng lực nghiên cứu thiết kế chip. Khâu sản xuất chip cũng không quá khó khi chúng ta nhập khẩu các dây chuyền sản xuất giống như với ngành sản xuất ôtô hoặc điện thoại di động... Các doanh nghiệp có thể đầu tư nguồn vốn rất lớn cho nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip nhưng nếu không tự chủ được nguồn vật liệu điện tử thì sẽ vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài.
Khi các nước dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu vật liệu thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Vì thế nên khuyến khích một số doanh nghiệp nghiên cứu và làm dự án sản xuất vật liệu điện tử như doanh nghiệp phụ trợ cung cấp vật liệu đầu vào cho ngành công nghiệp điện tử.
Với những chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như những kết quả từ các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ của các chuyên gia và sự vào cuộc đầu tư của các doanh nghiệp, theo ông, Việt Nam có cơ sở nền tảng, đủ điều kiện để xây dựng một ngành công nghiệp chip hay không?
Tôi cho rằng khi Việt Nam đã có thể nghiên cứu công nghệ, thiết kế được chip, thì hoàn toàn có thể sản xuất được chip. Công nghiệp sản xuất chip hiện đã rất phát triển ở một số nước trên thế giới. Việt Nam có thể nhập khẩu hoặc mua lại nhà máy, dây chuyền sản xuất chip từ một số nước phát triển.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn đầu vào vật liệu điện tử hiện nay chúng ta chưa phát triển. Nếu nguồn đầu vào vật liệu điện tử bị phụ thuộc nước ngoài thì khi xảy ra những tình huống xấu, sẽ tác động tới sự phát triển của ngành công nghiệp này và thậm chí sụp đổ.
Chính vì vậy, tôi cho rằng Việt Nam vẫn phải chủ động và tự đảm bảo được một số vật liệu mang tính chiến lược để tự chủ sản xuất khi cần thiết.
Với thực trạng phát triển như hiện nay, ông có nhận định thế nào về các cơ hội và tương lai của ngành chip Việt Nam trong thời gian tới?
Ngành chip Việt Nam sẽ phải phát triển nhưng vấn đề là phát triển như thế nào. Nếu không có những quyết sách đột phá để thay đổi tình hình mà vẫn như hiện nay thì Việt Nam vẫn chỉ là người sử dụng chip ở quy mô lớn. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới vào đầu tư sản xuất nên sẽ tiêu thụ một lượng chip rất lớn.
Theo tôi, việc trở thành một cường quốc chip hoàn toàn khác với cường quốc sử dụng chip. Vì vậy, để hoàn toàn chủ động về chip, không bị phụ thuộc vào những biến động của thế giới thì Việt Nam vẫn phải tự chủ từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng.
Tất nhiên, tôi phải nhắc lại, trong bối cảnh thuận lợi chúng ta không cần thiết phải sản xuất chip với chi phí giá thành rất đắt khi quy mô chưa đủ lớn, nhưng trong những tình huống khủng hoảng hoặc để đảm bảo an ninh an toàn thông tin thì phải tự chủ được nguồn cung cấp. Cũng không loại trừ trường hợp khi nhu cầu ứng dụng cao, quy mô đủ lớn thì việc sản xuất chip sẽ rẻ hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu.
Hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những quyết sách quan trọng để phát triển nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất các vật liệu điện tử phục vụ cho ngành công nghiệp chip. Theo tôi, cả hai đối tượng là nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này cần phải được hưởng chính sách ưu đãi cao để khuyến khích.
Đầu tư cho sản xuất vật liệu điện tử và sản xuất chip là lĩnh vực khó, rất tốn kém, có độ mạo hiểm rủi ro rất cao và thời gian hoàn vốn cũng như lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp rất chậm. Do đó, nếu không có các chính sách ưu đãi lớn của Nhà nước thì các doanh nghiệp sẽ rất ngại đầu tư vào lĩnh vực rất quan trọng này của nền kinh tế.
06:00 30/05/2021