Khi cuộc khủng hoảng bán dẫn (chip) đang diễn ra trên toàn cầu và ảnh hưởng tới hầu hết các quốc gia trong đó có Việt Nam, đã có ý kiến đặt ra: Việt Nam có nên đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn để chủ động nguồn cung chip cho các doanh nghiệp trong nước và đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong tương lai hay không?
Vậy mở nhà máy sản xuất bán dẫn có dễ, chi phí ra sao? Việt Nam liệu có nên và có khả thi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn ở thời điểm hiện nay hay cách tiếp cận với “con đường bán dẫn” của Việt Nam có tính khả thi nhất là như thế nào?
Thực hiện: Mạnh Chung
Ba hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay và cũng là ba vùng chủ đạo của bản đồ sản xuất chip toàn cầu, gồm Intel (Mỹ), TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc), chiếm phần lớn trong số vốn đầu tư vào ngành sản xuất chip.
CUỘC CHƠI TỐN KÉM HÀNG CHỤC TỶ USD
Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav, đơn vị đang sản xuất smartphone Bphone – cho biết Bkav cũng là nhà sản xuất điện thoại nên đã tìm cách tiếp cận với hầu hết các hãng chip trên thế giới.
Theo ông Quảng, từ nhiều số liệu thống kê, hiện trên thế giới, Đài Loan và Hàn Quốc đang chiếm khoảng 70% lượng chip sản xuất trên toàn cầu, trong đó TSMC của Đài Loan chiếm thị phần lớn hơn khá nhiều so với Samsung. Còn lại, 30% là của Mỹ (Intel và một số hãng nhỏ khác) và Trung Quốc. Nhưng công nghệ chip của Trung Quốc, theo ông Quảng, kém hơn so với các hãng chip nổi tiếng trên.
Sản xuất bán dẫn được xem là một trong những ngành công nghiệp phức tạp nhất và rất khó. Toàn bộ máy móc liên quan đến quá trình làm chip phụ thuộc vào số ít các công ty trên thế giới. Giám đốc kinh doanh của một hãng chip Đài Loan tại Việt Nam (đề nghị không nêu tên) cho biết các máy móc làm chip đều phải mua của Mỹ, châu Âu, thậm chí chỉ có một vài công ty làm ra các máy đặc biệt để đúc chip nên rất đắt tiền.
Để đầu tư một nhà máy sản xuất bán dẫn trung bình mất khoảng 2-3 năm và tiêu tốn khoảng 10-20 tỷ USD, tất nhiên tùy thuộc vào quy mô và công nghệ, mức độ đầu tư còn có thể lớn hơn nhiều con số này.
Không khó để dẫn chứng, mới đây, đầu tháng 4/2021, TSMC công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong ba năm tới để tăng công suất, trong đó riêng năm 2021 số vốn đầu tư để mở rộng lên tới 28 tỷ USD. Hay trước đó, Intel cũng công bố sẽ chi 20 tỷ USD để mở rộng năng lực sản xuất chip tiên tiến của mình. Còn hãng điện tử Samsung từ năm 2019 đã công bố kế hoạch đầu tư 116 tỷ USD đến năm 2030 để xác lập ngôi vị thống lĩnh thị trường chip toàn cầu.
"Vốn đầu tư cho nhà máy này sẽ vô cùng lớn, lên tới vài chục tỷ USD, và theo cá nhân tôi, chỉ riêng số vốn thôi đã không nên đặt vấn đề mở nhà máy sản xuất bán dẫn ở thời điểm hiện tại".
Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Technology Trần Hữu Quyền.
Cũng bởi chi phí xây dựng một nhà máy chip quá tốn kém, tới hàng chục tỷ USD cùng công nghệ đi kèm, đồng thời yêu cầu độ chính xác của con chip cũng rất khắt khe, vì vậy, đến nay trên thế giới có rất ít các hãng chip với một số tên tuổi như kể trên chiếm phần lớn trong đầu tư ngành sản xuất chip thế giới.
Với chi phí rất lớn như trên, ngay như những doanh nghiệp giàu có nhất Việt Nam, việc phải bỏ khoản tiền lên tới vài chục tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip và mới chỉ để đảm bảo đầu vào mà chưa biết đầu ra cho sản phẩm có tiêu thụ được hay không, thì chắc chắn đó là việc gần như không bao giờ xảy ra.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Technology Trần Hữu Quyền cho rằng có ba khó khăn lớn với việc đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn. Thứ nhất vốn đầu tư cho nhà máy này sẽ vô cùng lớn, lên tới vài chục tỷ USD, và theo ông, chỉ riêng số vốn thôi đã không nên đặt vấn đề mở nhà máy sản xuất bán dẫn ở thời điểm hiện tại.
Khó khăn thứ hai là mua máy móc sản xuất/đúc chip cũng không dễ vì trên thế giới chỉ có vài công ty làm, là “nồi cơm” của họ nên có tiền cũng chưa chắc đã mua được.
Và khó khăn, thách thức thứ ba, rất lớn và có yếu tố quyết định, đó là làm ra sản phẩm chip rồi nhưng có ai mua, có thị trường tiêu thụ, có cạnh tranh được hay không. “Khi anh sản xuất bán dẫn với quy mô lớn, sản phẩm phải đạt “đẳng” công nghệ tương đương với một số ít hãng sản xuất chip lớn nhất hiện có trên thế giới, đồng thời giá không được cao hơn thì mới hy vọng bán được. Rất khó. Vì không khó thì thế giới đã có rất nhiều tập đoàn, nhiều quốc gia làm chip rồi”, ông Quyền phân tích và cho biết “Ngay như ngành sản xuất chip của Trung Quốc vẫn còn đang lật đật và hoàn toàn chưa có “đẳng” như các thương hiệu lớn trên”.
Ngoài ra, một loạt các yếu tố khác, như tiêu chuẩn môi trường làm chip, kỹ sư, nhân công... cũng là những khó khăn cho việc gia nhập ngành sản xuất.
CÁCH TIẾP CẬN "CON ĐƯỜNG BÁN DẪN" CỦA VIỆT NAM
Vậy “con đường bán dẫn” của Việt Nam ở thời điểm hiện tại nên được tiếp cận như thế nào? Nhiều chuyên gia trong ngành điện tử - cơ khí cho rằng Việt Nam dù cũng đã có những ý tưởng về đầu tư xây dựng công nghiệp sản xuất chip với mục đích chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp, tuy nhiên với rất nhiều khó khăn và rào cản nên gần như là “không thể đặt chân vào ngành sản xuất bán dẫn”, do vậy, theo các chuyên gia có chăng Việt Nam chỉ nên sản xuất các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ gia tăng của sản phẩm chip.
"Việt Nam có rất nhiều đội thiết kế chip thuê giỏi, có nền tảng khoa học tốt, nên người Việt hoàn toàn có thể thiết kế ra chip nếu có tiền đầu tư".
Giám đốc kinh doanh chip Đài Loan với thâm niên hơn 10 năm trong nghề.
Vị giám đốc kinh doanh chip Đài Loan nói trên với thâm niên hơn 10 năm trong nghề đúc rút: “Gần như đứng sau mỗi nhà sản xuất chip trên thế giới đều là hình bóng chính phủ ở quốc gia của nhà sản xuất chip đó”. Và theo ông, chính phủ phải giàu có, rất nhiều tiền, mới có thể theo đuổi lĩnh vực vô cùng tốn kém nhưng lại không dễ tham gia như ngành sản xuất bán dẫn này.
Ngoài việc phải là “chính phủ giàu” đễ hỗ trợ và đầu tư trực tiếp vào ngành bán dẫn, đồng thời còn phải đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, để sản phẩm có thị trường tiêu thụ, từ đó, theo thời gian, ngành công nghiệp bán dẫn có tích lũy kinh nghiệm, cải tiến sản phẩm và gia tăng cạnh tranh trên thị trường, khi đó ngành sản xuất bán dẫn của quốc gia mới định hình. Ở góc độ tiếp cận này, theo vị Giám đốc kinh doanh chip Đài Loan, thời điểm hiện tại với Việt Nam có lẽ cũng chưa phù hợp và khó thành hiện thực.
Cách thức thứ hai là tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư quốc tế - tương tự theo mô hình trước đây của TSMC – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay. Tức là trở thành nhà gia công, đúc chip theo những đơn hàng của các đơn vị thiết kế chip. Đối với cách tiếp cận này, theo vị kinh doanh chip Đài Loan, tất nhiên Việt Nam phải có chiến lược hấp thụ sản phẩm, không chỉ cho thị trường trong nước mà trên toàn cầu hoặc chí ít ở các quốc gia có thị trường tiêu thụ rất lớn.
“Con đường tiếp cận này, Việt Nam cũng không thể thực hiện được”, vị này khẳng định.
Cách tiếp cận thứ ba là đầu tư vào thiết kế chip với một chiến lược dài hơi. Bởi, theo vị Giám đốc kinh doanh chip Đài Loan, Việt Nam có rất nhiều đội thiết kế chip thuê giỏi, có nền tảng khoa học tốt, nên người Việt hoàn toàn có thể thiết kế ra chip nếu có tiền đầu tư. Ông lấy ví dụ, ông có người bạn thiết kế chip tại Singapore, là tiến sĩ về thiết kế chip ở Mỹ, và là người nằm ở đầu mũi kim công nghệ, thiết kế ra cao tần và chip 5G, cũng được xem thuộc hàng... siêu đẳng.
Tổng giám đốc Công ty VNPT Technology
Trần Hữu Quyền.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Technology Trần Hữu Quyền nói: phải khẳng định người Việt có tiềm năng để làm bán dẫn. Thực tế, theo ông Quyền, có rất nhiều người Việt từng giữ những vị trí quan trọng của nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới, trong đó có các công ty trong ngành bán dẫn. Hay thậm chí có người Việt dựng ra doanh nghiệp về chip như SigmaDesign (tại Mỹ)– cũng từng một thời tạo tiếng vang trên thế giới. Hoặc sáng tạo ra công nghệ truyền sóng vô tuyến trong nhà cũng là người Việt (tại Mỹ).
“Cốt lõi để tham gia vào bán dẫn là phải xây dựng con người, chứ không phải “bê” nhà máy về. “Bê” nhà máy về cũng được nhưng thị trường ở đâu”, ông Hữu Quyền nói. Đồng thời ông cũng cho rằng, tất nhiên việc xây dựng con người làm chip không có nghĩa tuần tự thế giới làm thế nào mình làm y như thế, mà giống như ngành viễn thông trước đây mình không đầu tư analog mà “nhảy thẳng” lên digital – một chiến lược đúng đắn.
Theo Chủ tịch VNPT Technology, hiện nay đang là thời thịnh hành của bán dẫn – công nghệ vật liệu, công nghệ bán dẫn. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, ông Quyền đặt câu hỏi tại sao mình không nghĩ đến một công nghệ gì đó khác đi. Chẳng hạn hiện nay, vấn đề truyền số liệu, công nghệ quang (truyền sóng ánh sáng) còn là một công nghệ mới đưa vào truyền dẫn thay vì truyền sóng bình thường (cáp đồng), và thế giới hiện đang nghĩ đến chuyện không phải làm linh kiện điện tử mà là linh kiện quang (tất nhiên chưa nói đến việc chọn đúng hay sai).
“Điều đó cần có một chiến lược quốc gia cụ thể thì mới có thể hy vọng 20, 30 năm nữa mới tạo ra một thứ bán dẫn “phẩy” gì đó để phục vụ cho làm sản phẩm cuối cùng”, ông Trần Hữu Quyền nhìn nhận về “con đường bán dẫn” của Việt Nam.