TikTok lên kế hoạch phát triển “Dự án S”, thử nghiệm bán sản phẩm của chính mình
ByteDance sẽ bán trực tiếp sản phẩm của mình thông qua ứng dụng TikTok, đối đầu cùng Shein và Amazon tại thị trường Trung Quốc…
Công ty mẹ của TikTok đang mở rộng các dịch vụ bán lẻ trực tuyến của mình thông qua ứng dụng video ngắn. Trong những tuần gần đây, người dùng ở Vương quốc Anh đã phát hiện một tính năng mua sắm mới trong ứng dụng TikTok có tên là “Trendy Beat”, hiển thị các sản phẩm do chính TikTok sản xuất. Theo đó, tất cả các mặt hàng này đều được vận chuyển từ Trung Quốc và được bán bởi một công ty tên là Seitu, được đăng ký tại Singapore. TikTok đã xác nhận Seitu là một công ty con thuộc sở hữu của ByteDance.
Theo hồ sơ công khai, Seitu cũng được kết nối với If Yooou, một doanh nghiệp bán lẻ thuộc sở hữu của ByteDance. Lim Wilfred Halim, người đứng đầu bộ phận bảo mật và chống gian lận thương mại điện tử toàn cầu của TikTok tại Singapore, hiện giữ vị trí giám đốc của Seitu.
Theo nguồn tin từ Financial Times, dựa trên dữ liệu bán hàng từ những nhà buôn khác, ByteDance sẽ phân tích hành vi mua sắm của người dùng và tự sản xuất những mặt hàng được cho là có nhu cầu cao. Theo thông tin nội bộ từ gã khổng lồ Trung Quốc, TikTok hiện có một mạng lưới các nhà cung cấp sản xuất các mặt hàng cho sản phẩm Trendy Beat của mình.
THAY ĐỔI TRONG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CỦA TIKTOK
Thay vì chỉ nhận hoa hồng thông qua các nhà cung cấp khác trên TikTok Shop, TikTok sẽ thu nhiều lợi nhuận hơn khi thực hiện kế hoạch này. Có được lợi thế từ chính sân nhà, Bytedance không chỉ dễ dàng phát hiện từ sớm các xu hướng mua sắm để sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn dễ dàng quảng cáo rầm rộ để sản phẩm của họ vượt mặt các nhà buôn khác.
Còn theo đánh giá của Financial Times, Bytedance thậm chí có thể “kích hoạt” xu hướng. Nếu TikTok liên tục quảng cáo các mặt hàng của công ty mẹ và đưa chúng thành sản phẩm thịnh hành trong ứng dụng, sản phẩm đó có tiềm năng sẽ thuyết phục các thương hiệu về cơ hội bán hàng trong ứng dụng và họ sẽ sản xuất hàng loạt. Mô hình này dường như tương tự cách Amazon tạo và quảng bá các mặt hàng bán chạy nhất của họ.
Về kế hoạch thử nghiệm tính năng Trendy Beat, TikTok cho biết: “Chúng tôi luôn khám phá những cách mới để nâng cao trải nghiệm của cộng đồng và chúng tôi đang ở giai đoạn đầu thử nghiệm các tính năng mua sắm mới”.
DỰ ÁN S
ByteDance, công ty đạt định giá 300 tỷ USD đang nỗ lực tìm kiếm nguồn doanh thu mới để chứng minh giá trị của công ty khởi nghiệp tư nhân được định giá cao nhất thế giới, trước đợt chào bán lần đầu ra công chúng dự kiến trong hai năm tới.
Theo thông tin nội bộ của gã khổng lồ, nỗ lực bắt đầu bán các sản phẩm của chính mình của ByteDance được gọi là “Dự án S”. Họ cho biết ByteDance đang xây dựng một đơn vị bán lẻ trực tuyến để thách thức các nhóm như thương hiệu thời trang nhanh Shein và ứng dụng chị em của Pinduoduo là Temu, một trang web bán các sản phẩm giá rẻ và nổi bật trên mạng xã hội.
Dự án S được dẫn dắt bởi Bob Kang, giám đốc thương mại điện tử của ByteDance, điều phối các văn phòng của TikTok ở London. Dự án S sử dụng dữ liệu của TikTok về các mặt hàng đang phổ biến nhất trên ứng dụng để ByteDance sản xuất các mặt hàng đó và sau đó “quảng cáo rầm rộ” các sản phẩm Trendy Beat.
Theo hai nhân viên của công ty, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình, ByteDance đã tuyển dụng nhân viên từ Shein. “Bob Kang bị ám ảnh bởi Temu và thành công của họ và anh ấy nghĩ rằng họ có thể làm được điều này bằng cách tham gia vào quá trình cung ứng và bán hàng”, một nhân viên cho biết.
ByteDance đã và đang thúc đẩy mở rộng các dịch vụ thương mại điện tử của TikTok để tái tạo thành công với Douyin, ứng dụng chị em ở Trung Quốc, đã đạt doanh số hơn 10 tỷ sản phẩm hàng năm. ByteDance đã tạo ra doanh thu 85 tỷ USD vào năm 2022, phần lớn trong số đó đến từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.
BYTEDANCE SẼ TẬP TRUNG NHIỀU HƠN VÀO THỊ TRƯỜNG HIỆN CÓ
TikTok Shop đã gặt hái được nhiều thành công ở nhiều thị trường Đông Nam Á, bao gồm Indonesia và Việt Nam, nhưng tính năng này vẫn chưa thể đạt sức hút ở Anh vì người dùng phương Tây thường do dự trong việc kết hợp trải nghiệm mua sắm và mạng xã hội của họ, họ thích mua sắm thực tế hoặc ứng dụng chuyên dụng. Nhưng TikTok khẳng định họ nhìn thấy nhiều tiềm năng ở những thị trường nước ngoài như Anh. Chính vì vậy, Bytedance sẽ điều chỉnh và sử dụng nhiều ưu đãi trong ứng dụng nhằm thu hút người dân tại quốc gia này để thay đổi dần nhận thức và hành vi của người tiêu dùng.
TikTok đã thực hiện một cuộc tái cấu trúc vào tháng trước nhằm tập trung phát triển lại các thị trường thương mại hiện có, chẳng hạn như Vương quốc Anh, thay vì nỗ lực mở rộng ở các thị trường phương Tây khác nhằm bắt chước mô hình của Shien và Temu nhưng đã thất bại. “ByteDance nhận ra rằng họ muốn xây dựng một thương hiệu do chính mình sở hữu trong ứng dụng TikTok thay vì tạo một ứng dụng độc lập như Shein và Temu”, một nhân viên cho biết.