Từ TSMC đến Samsung, các hãng chip toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng thiếu nhân lực
Xây dựng nhà máy sản xuất chip đòi hỏi nhân lực có tay nghề cao, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, không dễ như nhà máy lắp ráp điện thoại. Vì thế, các hãng chip đang đối mặt cuộc khủng hoảng nhân lực ...
Khi nào thì trí tuệ nhân tạo sẽ bắt đầu thay thế con người một cách đáng kể hơn? Đến lúc đó, hẳn là nhân lực lao động là con người sẽ dư thừa? Đây là câu hỏi đã trở thành chủ đề được bàn tán nhiều trong bối cảnh bùng nổ AI. Nhưng rất lâu trước khi chúng ta phải lo lắng về điều đó, tình trạng thiếu nhân lực có thể đã trở thành trở ngại lớn nhất đối với ngành AI.
CUỘC KHỦNG HOẢNG THIẾU KỸ SƯ VÀ KỸ THUẬT VIÊN ĐANG RÌNH RẬP CÁC NHÀ SẢN XUẤT CHIP
Doanh thu của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và cũng là nhà sản xuất chip đang hỗ trợ mạnh mẽ cho cuộc cách mạng AI, công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), đã tăng 45% trong tháng 7 lên 7,9 tỷ USD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng trong quý Hai. Nhu cầu về chip AI vẫn cao do hoạt động kinh doanh điện toán hiệu năng cao chiếm hơn một nửa doanh thu của TSMC trong quý trước
Theo Financial Times, bất chấp những con số xuất sắc này, các cổ phiếu liên quan đến AI vẫn biến động trong những tháng gần đây, khiến các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác với rủi ro tại các công ty như TSMC – từ trận động đất ở Đài Loan đến căng thẳng Trung Quốc-Đài Loan và những căng thẳng địa chính trị rộng lớn hơn. Ít được thảo luận hơn, nhưng cũng quan trọng không kém, là cuộc khủng hoảng đang rình rập về tình trạng thiếu kỹ sư và kỹ thuật viên.
Cho đến nay, niềm tin chủ yếu vẫn là việc tăng năng lực sản xuất chip chỉ đơn giản là vấn đề tiền bạc. Tình trạng thiếu chip toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 đã được giải quyết bằng cách các chính phủ ném hàng tỷ USD vào các nhà sản xuất chip để họ tăng công suất. TSMC đã và đang mở rộng các nhà máy bán dẫn của mình ở Mỹ, Đức và Nhật Bản.
Mỹ là một trong những quốc gia tích cực nhất thế giới trong việc tăng cường năng lực, với khoản đầu tư vào ngành công nghiệp chip dự kiến sẽ đạt hơn 250 tỷ USD trong thời gian 5 năm. Nhưng hóa ra tiền chỉ là một phần trong lĩnh vực sản xuất chip.
Vấn đề là việc tạo ra một nhà máy sản xuất chip không đơn giản như việc thành lập một nhà máy mới lắp ráp điện thoại thông minh ở một quốc gia khác, nơi công nhân địa phương có thể được tuyển dụng và đào tạo nhanh chóng. Các nhà máy sản xuất chip đòi hỏi những nhân viên có tay nghề cao, có bằng thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật để vận hành chúng. Ngay cả việc xây dựng một nhà máy chế tạo chip cũng cần đến những công nhân có chuyên môn.
THIẾU NHÂN LỰC CHO NGÀNH CHIP ĐANG TRỞ THÀNH MỘT CUỘC KHỦNG HOẢNG
Theo phân tích của McKinsey, khoản đầu tư lớn và sự phát triển tiếp theo từ lĩnh vực chip của Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc tạo ra hơn 160.000 cơ hội việc làm mới trong lĩnh vực hỗ trợ kỹ thuật cùng với các cơ hội bổ sung trong các công việc thủ công xây dựng có liên quan.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1.500 kỹ sư tham gia ngành công nghiệp chip mỗi năm. Đối với kỹ thuật viên chip, con số đó thậm chí còn thấp hơn khi chỉ có khoảng 1.000 kỹ thuật viên mới gia nhập mỗi năm. Trong 5 năm tới, nhu cầu về lực lượng lao động này dự báo sẽ lên tới 75.000 người.
Trong khi đó, lực lượng lao động sản xuất chip của Mỹ đã giảm 43% so với mức đỉnh điểm vào năm 2000, theo McKinsey. Với tốc độ hiện tại, tình trạng thiếu kỹ sư và kỹ thuật viên có thể lên tới 146.000 công nhân vào năm 2029.
Tại Hàn Quốc, quê hương của nhà sản xuất chip Samsung Electronics, ngành công nghiệp chip đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt kể từ năm 2022 và dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động là 56.000 người vào năm 2031, theo ước tính của ngành.
Xu hướng nhân khẩu học là một vấn đề khác. Cả Đài Loan và Hàn Quốc, nơi TSMC và Samsung có hầu hết công nhân làm việc, đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm. Số lượng sinh viên đăng ký học đại học đã giảm hàng năm kể từ năm 2012. Hai quốc gia này chiếm hơn 80% sản lượng chip theo hợp đồng toàn cầu.
Tình trạng thiếu công nhân đã đẩy lùi ngày khởi công xây dựng nhà máy ở Arizona của TSMC và được cho là đã đưa khoảng một nửa trong số 2.200 công nhân tại nhà máy đến từ Đài Loan. Sự khác biệt về văn hóa càng làm phức tạp thêm việc tuyển dụng.
Vì mỗi nhà máy mới tiêu tốn gần 30 tỷ USD để xây dựng nên các nhà máy cần phải hoạt động không ngừng nghỉ 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần để có thể biện minh cho mức giá đó về mặt thương mại.
Người sáng lập TSMC Morris Chang đã chỉ ra rằng nếu một chiếc máy bị hỏng lúc 1 giờ sáng ở Mỹ thì nó sẽ được sửa vào sáng hôm sau nhưng ở Đài Loan, nó sẽ được sửa vào lúc 2 giờ sáng. Việc nhân rộng văn hóa làm việc của Đài Loan này có thể là thách thức ở các nước khác.
Nhiều người nói rằng AI sẽ thay thế lực lượng lao động, vậy còn trong lĩnh vực sản xuất chip thì sao? Đúng là AI đang giúp thiết kế, thử nghiệm và xác minh các thiết kế mới cũng như tăng tốc độ phát triển chip mới. Nhưng việc tạo ra những con chip vật lý từ những thiết kế đó vẫn là một câu chuyện khác. Nhu cầu về các kỹ sư có kinh nghiệm để vận hành máy móc khó có thể được giải quyết sớm bằng AI.
Việc các công ty gặp khó khăn trong tuyển dụng những công việc đòi hỏi trình độ và kỹ năng cao là điều đương nhiên. Nhưng đối với lĩnh vực chip, khoảng cách việc cần người và người cần việc đang ngày càng trở nên rộng lớn một cách nguy hiểm. Financial Times cho rằng các đại gia sản xuất chip như TSMC hay Samsung đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân lực trầm trọng.