10:00 24/08/2024

Ứng viên sử dụng AI “gian lận” trong các cuộc phỏng vấn: Nỗi lo của nhà tuyển dụng

Bảo Ngọc

Ngày càng nhiều người tìm việc sử dụng AI để gian lận trong các cuộc phỏng vấn, dẫn đến vô số sai sót trong quá trình tuyển dụng…

Ngày càng nhiều ứng viên xin việc sử dụng AI nhằm “qua mắt” nhà tuyển dụng.
Ngày càng nhiều ứng viên xin việc sử dụng AI nhằm “qua mắt” nhà tuyển dụng.

Hiện nay, phương pháp tuyển dụng online đang đối mặt với thách thức lớn: người phỏng vấn đặt câu hỏi, ứng viên có thể nhanh chóng sao chép câu trả lời do trí tuệ nhân tạo nghĩ ra từ màn hình bên cạnh — thậm chí sử dụng một số ứng dụng khác làm cho ánh mắt trông như đang nhìn vào camera.

Thực tế, ứng viên có vô số cách qua mặt nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn xin việc — đặc biệt khi không cần gặp gỡ ngoài đời thực. Tất cả đều chỉ ra quy trình tuyển dụng đang ngày một kém chất lượng.

Một số Giám đốc Điều hành chia sẻ với Business Insider (BI) rằng nỗ lực cải thiện quy trình tuyển dụng đòi hỏi nhiều cuộc thảo luận hơn về những yếu tố cấu thành gian lận. Nhà tuyển dụng cũng cần giải thích rõ về cách thức và quy trình ứng tuyển để người tìm việc ít bị cám dỗ gian lận hơn.

"Nhiều gian lận xuất phát từ thực tế là quá trình tuyển dụng tồn tại lỗ hổng. Ứng viên thường loay hoay trong việc trả lời các câu hỏi như 'Làm sao vượt qua bài phỏng vấn? Làm sao để được chú ý? Kết quả có được đánh giá công bằng không?'", bà Lindsey Zuloaga, nhà khoa học dữ liệu chính tại HireVue, nhận định.

CHƯA CÓ ĐỊNH NGHĨA CỤ THỂ VỀ GIAN LẬN AI TRONG QUÁ TRÌNH ỨNG TUYỂN

Không phải ai cũng đồng ý về các chuẩn mực đạo đức trong sử dụng AI. Nhà tuyển dụng thường nảy sinh nghi ngờ khi có ứng viên nào đó dễ dàng trả lời câu hỏi phỏng vấn. Nhưng đôi khi, ứng viên ấy chỉ đơn giản là đã nghiên cứu về các câu hỏi thường gặp kỹ càng trên internet trước đó. Hoặc ứng viên có thể nhập bản mô tả công việc vào chatbot AI và mô hình đã đề xuất bộ câu hỏi có thể xuất hiện trong cuộc phỏng vấn.

Bà Zuloaga cho biết: "Các tổ chức có quan điểm khác nhau về việc liệu sử dụng ChatGPT có phải là gian lận hay không", đồng thời nói thêm rằng "hiện tại đây chỉ là một phần trong bộ công cụ".

Vị chuyên gia đề nghị nhà tuyển dụng nên giải quyết vấn đề từ những bước đơn giản như xác định phạm vi gian lận, nói cách khác là quy định hành vi như thế nào được gọi là gian lận trong tuyển dụng.

"Nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể thẳng thắn trao đổi với ứng viên rằng 'Chúng tôi muốn lắng nghe con người thật của bạn. Mặc dù các công cụ như ChatGPT thực sự hữu ích trong việc chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, nhưng không gì tuyệt vời hơn khi bạn có thể chia sẻ từ kinh nghiệm của chính bản thân mình'", bà Zuloaga nhấn mạnh.

Nhà khoa học chính tại HireVue bày tỏ hiện không có phương thức đáng tin cậy nào giúp phát hiện trường hợp ứng viên sử dụng AI nhưng dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất chính là khi câu trả lời của người tìm việc thiếu thông tin cụ thể. Câu trả lời chân thực thường liên quan đến kinh nghiệm, thành tựu hay kỹ năng thực tế của ứng viên.

NHÀ TUYỂN DỤNG CỐ GẮNG CHỐNG GIAN LẬN 

Bà Kirthiga Reddy là CEO Virtualness, công ty khởi nghiệp sử dụng công nghệ blockchain nhằm xác thực chứng chỉ mà người lao động đạt được thông qua hệ thống giáo dục chính quy hoặc các khóa huấn luyện khác nhau.

Bà Reddy nhận thấy đa số ứng viên thường xuyên chia sẻ trong cuộc phỏng vấn về việc đã hoàn thành khóa học hoặc chương trình đào tạo kỹ năng, thậm chí có trường hợp còn “thêm thắt” một số thành tích giả vào sơ yếu lý lịch.

Bà Reddy trước đây từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Điều hành Facebook khu vực Ấn Độ và Nam Á, nhận định chi phí xác minh thông tin người lao động tương đối cao, cho cả người sử dụng lao động và người ứng tuyển.

Virtualness ra mắt vào cuối năm 2023 với hy vọng giúp nhà tuyển dụng sử dụng công nghệ để xác minh thông tin người lao động, từ đó giảm bớt lo lắng về rủi ro ứng viên không thực sự có kỹ năng như đã ghi trong sơ yếu lý lịch hoặc tệ hơn là gia nhập công ty nhằm mục đích xấu. Công nghệ cũng giúp nhóm người lao động có năng lực thực sự trở nên nổi bật hơn.

Bà Reddy cho biết: "Nhà tuyển dụng có thể đã bỏ lỡ những ứng viên tuyệt vời hoặc đưa họ vào nhóm không được đánh giá cao trong toàn bộ quá trình chọn lựa".

NHIỀU ỨNG VIÊN VẪN LỰA CHỌN GIAN LẬN 

Chuyên gia Zuloaga cho biết một phần động lực gian lận xuất phát từ tâm lý khó chịu của người tìm việc về những cuộc phỏng vấn không hồi kết.

Nhà làm phim Octavius ​​A. Newman trước đây từng chia sẻ với BI rằng ông phải trải qua hàng chục buổi phỏng vấn cho vị trí trưởng nhóm sáng tạo nhưng không được nhận vào bất kỳ công ty nào.

Theo bà Jennifer Schielke, CEO công ty cung cấp nhân sự Summit Group Solutions đồng thời là tác giả cuốn sách "Leading for Impact", quá trình tuyển dụng kéo dài chưa chắc có lợi cho cả đôi bên.

Bà Schielke thường dành lời khuyên cho đối tác nên sẵn sàng tuyển dụng ngay khi cần tìm vị trí mới. Vị CEO đưa ra tuyên bố trước đó rằng việc sa thải và tuyển chọn ứng viên kéo dài đã khiến nhiều người tìm việc không còn cảm giác an toàn.

Ông Ravin Jesuthasan, đồng tác giả cuốn sách "The Skills-Powered Organization" kiêm nhà lãnh đạo toàn cầu về dịch vụ chuyển đổi tại công ty tư vấn Mercer, nhận định rằng thách thức lớn nhất xung quanh vấn đề tuyển dụng là cả hai bên đều đang sử dụng AI thường xuyên hơn.

Cả nhà tuyển dụng và ứng viên đều đang sử dụng AI thường xuyên hơn trong quá trình tuyển chọn. 
Cả nhà tuyển dụng và ứng viên đều đang sử dụng AI thường xuyên hơn trong quá trình tuyển chọn. 

Nhà tuyển dụng sử dụng công nghệ trong quá trình duyệt hồ sơ và phỏng vấn, còn ứng viên sử dụng AI nhằm tăng cường mức độ uy tín của hồ sơ cũng như hỗ trợ chuẩn bị phỏng vấn. Và tất nhiên, một số ít người đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để gian lận.

"Cảm giác như đây là cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng tốc", ông Jesuthasan nói. "Tôi không chắc liệu cuộc chiến AI trong tuyển dụng bao giờ mới có hồi kết".