Tọa đàm: “Nguy cơ xung đột kỹ thuật số toàn cầu – Giải pháp đảm bảo an ninh mạng cho Việt Nam”
Toạ đàm “Nguy cơ xung đột kỹ thuật số toàn cầu – Giải pháp đảm bảo an ninh mạng cho Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức vào lúc 9h00 ngày 25/4/2022, phát trực tuyến trên VnEconomy.vn và FanPage VnEconomy...
Bảo đảm an toàn an ninh mạng ngày càng có vị trí đặc biệt quan trọng của mỗi quốc gia. Thời gian qua, nhiều cuộc tấn công mạng vào các tổ chức, cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp ở nhiều nước trên thế giới và đã gây ra những thiệt hại to lớn, qua đó dấy lên những nguy cơ các cuộc xung đột kỹ thuật số trên toàn cầu (hay chiến tranh mạng).
Đầu năm nay, vào tháng 2, khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine nổ ra, kéo theo đó là hàng loạt các cuộc tấn công mạng. Nhiều chuyên gia an ninh mạng thế giới bắt đầu lo ngại một viễn cảnh nhiều cuộc tấn công sẽ nhắm vào Nga từ nhiều địa điểm khác trên toàn cầu. Hay hacker Nga có thể tiến hành trả đũa khi các lệnh trừng phạt được áp đặt.
Tiếp đến là hàng loạt các cảnh báo về an ninh mạng, như Cơ quan an ninh mạng của Đức (BSI) cảnh báo người dùng đang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Kaspersky (Nga) có nguy cơ trở thành nạn nhân của cuộc tấn công mạng; Nhóm tin tặc Anonymous tuyên bố đã vô hiệu hóa hoạt động của nhiều trang web thuộc Chính phủ Nga, và sau đó hacker Nga "phản công", đánh sập trang web của Anonymous; hay Ukraine chiêu mộ hơn 200 hãng công nghệ, 300.000 hacker để sẵn sàng chiến đấu với Nga…
Tất cả đã tạo nên một mối lo ngại về nguy cơ bùng lên một cuộc xung đột kỹ thuật số hay chiến tranh mạng trên khắp thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng 4.0 hiện nay, khó có một quốc gia nào có thể tách rời hay đứng riêng biệt trên không gian mạng. Vậy Việt Nam trong bối cảnh nguy cơ về cuộc xung đột kỹ thuật số trên toàn cầu hiện nay như thế nào, và sức đề kháng của Việt Nam ra sao?
Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả, để có góc nhìn cụ thể, chi tiết về những nguy cơ những cuộc tấn công mạng trên toàn cầu cũng như những hệ lụy mà các cuộc tấn công này để lại, đồng thời qua đó đưa ra những hiến kế, giải pháp để Việt Nam sớm trở thành cường quốc về an ninh mạng, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Nguy cơ xung đột kỹ thuật số toàn cầu – Giải pháp đảm bảo an ninh mạng cho Việt Nam”.
Tọa đàm tập trung bàn thảo 2 phần nội dung chính sau:
Phần 1: Nguy cơ cuộc xung đột kỹ thuật số toàn cầu và “sức đề kháng” của Việt Nam
Các nội dung đề cập và thảo luận bao gồm:
- Nhận diện nguy cơ cuộc xung đột kỹ thuật số toàn cầu (chiến tranh mạng toàn cầu);
- Tính chất, mức độ, quy mô, phương thức tấn công và thiệt hại từ các cuộc tấn công mạng;
- “Sức đề kháng” của an ninh mạng Việt Nam trước các nguy cơ cuộc xung đột kỹ thuật số toàn cầu.
Phần 2: Giải pháp đảm bảo an ninh mạng cho Việt Nam
Các nội dung đề cập và thảo luận bao gồm:
- Việt Nam đang ở đâu trên hành trình thành cường quốc về an ninh mạng;
- Đánh giá, phân tích các yếu tố để đảm bảo Việt Nam thành cường quốc về an ninh mạng: Thị trường phát triển, nguồn nhân lực, và làm chủ công nghệ;
- Cơ chế, chính sách phát triển nền công nghiệp an ninh mạng hiện nay;
- Đề xuất để phát triển sản phẩm an ninh mạng Make in Vietnam và hiến kế, giải pháp để Việt Nam sớm thành cường quốc về an ninh mạng.
Khách mời của Tọa đàm trực tuyến bao gồm:
- Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav;
- Ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC);
- Ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS);
- TS. Trịnh Ngọc Minh, Uỷ viên Ban chấp hành Chi hội An toàn thông tin VNISA phía Nam;
- Nhà báo Hoàng Thu, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy điều hành Tọa đàm.
Nội dung tọa đàm sẽ được phát trực tuyến vào 9h00, thứ 2, ngày 25/4/2022 trên nền tảng VnEconomy.vn và Fanpage VnEconomy.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!