08:00 05/10/2022

Bill Gates: “Không thể chống biến đổi khí hậu bằng cách yêu cầu thế giới … ăn ít hơn”

Bảo Ngọc

Các nhà hoạt động môi trường thường kêu gọi mọi người sử dụng và tiêu thụ ít hơn nhằm khắc phục biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên, tỷ phú Bill Gates cho rằng: "Tôi không nghĩ người ta sẽ sẵn sàng thay đổi lối sống của mình bởi những lo ngại khí hậu". Bởi vì, rõ ràng, hầu hết chúng ta sẽ không hy sinh những thú vui của mình để thay đổi hành vi cá nhân vì lợi ích của một vấn đề toàn cầu. Bill Gates là nhà sáng lập quỹ đầu tư cho công nghệ khí hậu và đổi mới Breakthrough Energy vào năm 2015 và tác giả cuốn sách "Làm thế nào để tránh thảm họa khí hậu".

Ngay cả những quốc gia và các cá nhân được cho là “dư dả” trong cuộc sống và có thể cắt giảm phần nào hoạt động sản xuất và tiêu thụ, điều đó vẫn sẽ không đủ để giảm lượng khí thải nhà kính và ngăn chặn thực trạng biến đổi khí hậu. Chính tỷ phú Bill Gates phải chi trả tới 9 triệu USD mỗi năm để bù đắp lượng khí thải nhà kính đến từ hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp của ông.

"Một vài quốc gia giàu có, một vài công ty hay một vài cá nhân giàu có sẵn sàng chi trả để khí thải nhà kính không trở thành “gánh nặng” của doanh nghiệp, nhưng rõ ràng điều đó không liên quan gì đến việc giải quyết vấn đề môi trường".

Vậy, giải pháp của cựu CEO Microsoft là tạo ra các lựa chọn thay thế công nghệ tốt hơn, có cùng mức giá hoặc rẻ hơn, hiểu rõ ý thức trách nhiệm về khí hậu. Bên cạnh đó, để tạo ra sự thay đổi lớn về biến đổi khí hậu, phí môi trường phải từ từ giảm dần và sau đó được loại bỏ trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Bill Gates tiết lộ Breakthrough Energy Ventures sẽ huy động gây quỹ vào năm tới để tiếp tục đầu tư và đẩy nhanh sự phát triển của các công ty khởi nghiệp clean tech. "Ngay cả khi sự thu hút trong việc đầu tư vào các công ty công nghệ và khí hậu đã giảm đi một chút, tôi vẫn nghĩ rằng chúng tôi có thể huy động được nhiều tiền".

Bill Gates cũng thẳng thắn nhận định, việc khử cacbon không hẳn là con đường nhanh nhất loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Cuộc chiến ở Ukraine và nỗ lực của châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga đã cho thấy những thất bại tạm thời trong các mục tiêu khử cacbon. Trong vài năm tới, Liên minh châu Âu vẫn cần sử dụng đến nhiên liệu hóa thạch. 

Tuy nhiên về lâu dài, việc tìm ra những cách thức mới trong sản xuất là giải pháp khả thi và bền vững nhất.