06:00 11/07/2025

Các quy định cụ thể về tài sản mã hóa sẽ giúp hàng triệu người thoát "vùng xám" về pháp lý

Bảo Bình

Luật Công nghiệp Công nghệ số với quy định cụ thể về tài sản mã hóa sẽ giúp 21 triệu người dân đang sở hữu loại hình tài sản này ra khỏi vùng xám về pháp lý. Về lâu dài, các quy định này sẽ tạo thành một hệ sinh thái pháp lý hoàn chỉnh cho nền kinh tế số...

Khi tài sản số được quy định, các hoạt động kêu gọi vốn sẽ trở thành công khai, được bảo vệ pháp lý,  giảm thiểu rủi ro và hệ lụy cho nhà đầu tư. Ảnh  minh họa
Khi tài sản số được quy định, các hoạt động kêu gọi vốn sẽ trở thành công khai, được bảo vệ pháp lý,  giảm thiểu rủi ro và hệ lụy cho nhà đầu tư. Ảnh minh họa

Không gian số sẽ mở ra những cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như fintech, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo và blockchain. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tài sản số và tài sản mã hóa – những thành tố đang định hình lại hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC TĂNG TRƯỞNG 2 CON SỐ, PHẢI CÓ KHÔNG GIAN MỚI CHO SỰ PHÁT TRIỂN

Hiện nay, nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc hay UAE đã chủ động xây dựng “sandbox” pháp lý, cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trong môi trường kiểm soát – vừa tạo điều kiện đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo an toàn hệ thống tài chính. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần coi việc phát triển không gian số và tài sản số như một chiến lược quốc gia. 

Phát biểu tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 diễn ra ngày 9/7 ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Việt Nam đang quyết liệt triển khai các biện pháp đổi mới để thúc đẩy kinh tế, hiện thực hóa khát vọng vươn mình. Nền tảng cho sự bứt phá này là các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị về hỗ trợ kinh tế tư nhân, thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo, xây dựng thể chế như Nghị Quyết 57-NQ/TW, Nghị Quyết 68-NQ/TW.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, các nghị quyết này tạo thành nền tảng quan trọng và là kim chỉ nam cho bứt phá, thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ về các chính sách thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực công nghệ, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số như kỳ vọng, Việt Nam cần một không gian mới cho sự phát triển.

“Không gian mới đó là không gian số, được tạo lập từ công nghệ số, thiết bị số, chuyển đổi số với các quy định cởi mở và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ”, ông Nguyễn Khắc Lịch nói.

Theo ông Lịch, các chính sách này bao gồm các biện pháp cụ thể như miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập cá nhân, cho phép thử nghiệm mô hình mới trong không gian sandbox hay thậm chí là cấp ngân sách hỗ trợ đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

 
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ

“Quan điểm của Chính phủ hiện tại là khuyến khích đổi mới sáng tạo trên cơ sở quy định pháp luật. Sẽ có khoảng 10 luật quy định về các vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo, công nghệ, tài chính số.

Trong đó, một số luật đã được thông qua như Luật Công nghiệp Công nghệ số, Luật Dữ liệu, Luật Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo…. Ngoài ra còn có các luật đang được xem xét, triển khai như Luật giao dịch điện tử, Luật Chuyển đổi số.

Trước mắt, Luật Công nghiệp Công nghệ số với quy định cụ thể về tài sản mã hóa sẽ giúp 21 triệu người dân đang sở hữu loại hình tài sản này ra khỏi vùng xám về pháp lý. Về lâu dài, các quy định này sẽ tạo thành một hệ sinh thái pháp lý hoàn chỉnh cho nền kinh tế số”.

“Quan điểm của Chính phủ hiện tại là khuyến khích đổi mới sáng tạo trên cơ sở quy định pháp luật”, ông Lịch nói và cho biết sẽ có khoảng 10 luật quy định về các vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo, công nghệ, tài chính số. Trong đó, các luật đã được thông qua như Luật Công nghiệp Công nghệ số, Luật Dữ liệu, Luật Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo…. Ngoài ra còn có các luật đang được xem xét, triển khai như Luật giao dịch điện tử, Luật Chuyển đổi số.

"Trước mắt, Luật Công nghiệp Công nghệ số với quy định cụ thể về tài sản mã hóa sẽ giúp 21 triệu người dân đang sở hữu loại hình tài sản này ra khỏi vùng xám về pháp lý. Về lâu dài, các quy định này sẽ tạo thành một hệ sinh thái pháp lý hoàn chỉnh cho nền kinh tế số”, ông Lịch nhấn mạnh.

KHI TÀI SẢN SỐ ĐƯỢC QUY ĐỊNH, CÁC HOẠT ĐỘNG KÊU GỌI VỐN SẼ CÔNG KHAI, ĐƯỢC BẢO VỆ PHÁP LÝ

Sự cởi mở của hành lang pháp lý sẽ tạo ra những cơ hội mới. Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Công ty 1Matrix, nhận định không gian đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực tài sản mã hóa đang rất rộng mở và không còn là sân chơi của riêng các startup công nghệ nhỏ.

"Sự tham gia tích cực của các tập đoàn lớn như Techcombank, Techcom Securities, VinGroup, Masan, HD Bank,... có thể sẽ giúp kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh mẽ", ông Trung chia sẻ.

 

"Khi tài sản số được quy định, các hoạt động kêu gọi vốn sẽ trở thành hoạt động công khai, được bảo vệ pháp lý,  giúp giảm thiểu rủi ro và hệ lụy cho các nhà đầu tư đồng thời tạo ra những cơ hội hoàn toàn mới cho các startup chân chính”, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Công ty 1Matrix, nói.

Theo ông Trung, trước khi Luật Công nghiệp Công nghệ số được thông qua, thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và hoạt động gọi vốn thường diễn ra trong các hội nhóm kín, thiếu minh bạch. 

"Khi tài sản số được quy định, các hoạt động kêu gọi vốn sẽ trở thành hoạt động công khai, được bảo vệ pháp lý,  giúp giảm thiểu rủi ro và hệ lụy cho các nhà đầu tư đồng thời tạo ra những cơ hội hoàn toàn mới cho các startup chân chính”, ông Trung nhận định. Luật Công nghiệp Công nghệ số sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Techcom Securities (TCBS), cho rằng các công nghệ mới sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường. Công nghệ giúp giảm chi phí đầu tư, tăng khả năng tiếp cận cho công chúng. “Các sản phẩm tài chính không chỉ dành cho 1-2 triệu khách hàng mà sẽ mở rộng cho 10-20 triệu người dân, với các loại hình đa dạng từ cổ phiếu, trái phiếu sang crypto, vàng số, hay huy động vốn cộng đồng (crowdfunding)”, ông Minh nói.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang có chỉ số chấp nhận crypto top đầu thế giới (17% theo báo cáo của Chainalysis), cao gấp 3-4 lần tỷ lệ trung bình toàn cầu, với dòng vốn đổ vào hàng năm đạt trên 100 tỷ USD. Việc tạo ra một "không gian mới" rõ ràng về pháp lý chính là bước đi quan trọng để khai thác tiềm năng to lớn này, thúc đẩy sự bứt phá của nền kinh tế số Việt Nam.