15:23 26/07/2022

Hơn 20% startup ở châu Á Thái Bình Dương thuộc mảng blockchain, tiền điện tử

Hoàng Hà

Nhà phát triển trò chơi NFT của Việt Nam Sky Mavis cũng được nhắc đến trong mảng startup liên quan đến blockchain ...

Sky Mavis là công ty đứng sau trò chơi nổi tiếng Axie Infinity
Sky Mavis là công ty đứng sau trò chơi nổi tiếng Axie Infinity

Bất chấp thị trường tiền điện tử liên tục có những biến động, các công ty khởi nghiệp Châu Á Thái Bình Dương vẫn tìm thấy mảnh đất màu mỡ trong mảng này.

Nghiên cứu do tập đoàn tài chính KPMG và ngân hàng quốc tế HSBC thực hiện với tiêu đề “Những người khổng lồ mới nổi ở Châu Á Thái Bình Dương” (Emerging Giants in Asia Pacific) cho thấy có đến ¼ các doanh nghiệp trong khu vực liên quan đến tiền điện tử. Nguyên nhân là lĩnh vực fintech đang phát triển nhanh chóng và mối quan tâm đối với tiền điện tử cũng ngày càng gia tăng.

Trong số 20 phân ngành hàng đầu, các công ty blockchain là những công ty mạnh nhất về số lượng, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp về mã thông báo không thể thay thế (NFT) và tài chính phi tập trung (DeFi). Trong số 6.472 doanh nghiệp, nghiên cứu đã xác định có tới 1.130 doanh nghiệp NFT mới nổi và 650 doanh nghiệp DeFi mới nổi.

Nhà phát triển trò chơi NFT của Việt Nam Sky Mavis cũng được nhắc đến trong mảng startup liên quan đến blockchain, cùng với chủ sở hữu sàn giao dịch tiền điện tử Dunamu của Hàn Quốc và công ty sổ cái phân tán Hyperchain của Trung Quốc. Sky Mavis của Việt Nam là công ty đứng sau trò chơi Axie Infinity, game NFT nổi tiếng nhất hiện nay với hơn hai triệu người dùng mỗi ngày. 

Giám đốc điều hành (CEO) của Sky Mavis là ông Nguyễn Thành Trung, chưa đầy 30 tuổi, từng là một trong những nhà sáng lập và giám đốc công nghệ (CTO) của Lozi. Đồng sáng lập Sky Mavis còn có Aleksander Leonard Larsen, hiện đang đảm nhiệm vai trò giám đốc vận hành. 

Với những kết quả này, phân ngành NFT và DeFi đã chiếm ưu thế mạnh mẽ, thu hút một phần lớn các startup, vượt qua cả các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng sạc xe điện (EV), điện toán lượng tử, tự động hóa quy trình robot, vệ tinh nhỏ, bảo mật Internet of Things (IoT) và các lĩnh vực khác.

Đặc biệt, nghiên cứu đã phân tích 6.472 công ty khởi nghiệp tập trung vào công nghệ với mức định giá lên đến 500 triệu USD, tại các thị trường khu vực trọng điểm là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan. 

Trong xu thế này, báo cáo cũng ghi nhận sự chấp nhận ngày càng mạnh mẽ của khu vực Châu Á Thái Bình Dương đối với các tài sản kỹ thuật số.

“Mặc dù giao dịch tiền điện tử hiện bị cho là trái phép tại Trung Quốc, nhưng việc áp dụng tiền điện tử lại tăng mạnh ở Hồng Kông và Singapore, cũng như một số thị trường mới nổi, bao gồm cả Ấn Độ và Việt Nam”.

Đề cập đến 'Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu Chainalysis năm 2021', báo cáo cho biết rằng các giao dịch tiền điện tử đã tăng gấp tám lần so với năm trước, chiếm 14% số lượng giao dịch toàn cầu.

Xu hướng này đã dẫn đến sự ra đời của hai kỳ lân tiền điện tử, đó là Amber Group ở Hồng Kông và Matrixport của Singapore, cả hai đều là nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiền điện tử.

Trong số các công ty khởi nghiệp được nghiên cứu, báo cáo đã xác định 10 công ty mới nổi hàng đầu tại mỗi thị trường, cũng như 5 công ty có tiềm năng trở thành kỳ lân hoặc các công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị trên 1 tỷ USD.

Trong số 6.472 công ty khởi nghiệp tại châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 32,8%, tiếp theo là Ấn Độ với 30,1% và vị trí thứ ba là Nhật Bản, với 12,7% startup. Việt Nam chỉ chiếm 0,5%.

Trong số 6.472 startup mới nổi tại châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam chiếm 0,5%
Trong số 6.472 startup mới nổi tại châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam chiếm 0,5%