Intel nỗ lực xoay chuyển tình thế sau khủng hoảng
Ngôi sao thung lũng Silicon - Intel chứng kiến giá trị giảm mạnh trong thời gian qua do một số thách thức và ban lãnh đạo công ty đang nỗ lực đợi ngày trở lại...
Ông Andrew Grove, nhà lãnh đạo Intel trong những thập kỷ đỉnh cao của thế kỷ 20, luôn nhắc đến triết lý mà ông thường dựa vào: "Chỉ có những kẻ hoang tưởng mới tồn tại", theo Business Insider.
Trong nhiệm kỳ của mình, CEO Grove đã biến công ty chip nhỏ bé trở thành gã khổng lồ tại Thung lũng Silicon. Khoảng những năm 1990, công ty là đối tác quan trọng hàng đầu đối với thị trường PC.
Intel đạt đỉnh với tốc độ chóng mặt sau khi ông Grove - gia nhập Intel với tư cách là nhân viên thứ ba vào năm 1968 - thể hiện sự quyết tâm sẵn sàng thay đổi để cạnh tranh với các đối thủ mới từ Nhật Bản.
Dường như, “câu thần chú” mà Intel thường sử dụng đã sẵn sàng hồi sinh công ty một lần nữa sau khủng hoảng.
HỤT HƠI SO VỚI ĐỐI THỦ
Ông Pat Gelsinger, Giám đốc Điều hành Intel từ năm 2021, đã ban hành loạt sáng kiến mới nhằm xoay chuyển tình thế hiện tại. Một số thách thức xung quanh hoạt động sản xuất và chiến lược phát triển đã khiến công ty kém xa so với thời kỳ đỉnh cao, và hụt hơi so với đối thủ.
Trong khi đó, giá trị Nvidia tăng khoảng 1,6 nghìn tỷ USD kể từ tháng 1 và TSMC, một đối thủ khác, cũng tăng gần 60% trong năm nay. Còn với Intel, giá trị công ty đạt hơn 210 tỷ USD hồi đầu năm nhưng hiện đã giảm xuống dưới 90 tỷ USD.
Theo báo cáo tài chính, doanh thu quý trước của Intel ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Mẫu chip AI Gaudi 3 của hãng, được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ nặng ký với Nvidia và AMD, dự kiến tạo ra 500 triệu USD doanh thu trong năm nay.
Tháng trước, công ty thông báo sẽ sa thải 15.000 nhân viên, tạm dừng trả cổ tức từ quý IV và cắt giảm chi tiêu vốn. Những thay đổi này khiến cổ phiếu công ty giảm hơn 25%.
Đây là kết quả tương đối thất vọng đối với công ty đã cách mạng hóa lĩnh vực điện toán thông qua chiến lược định hình ngành và xây dựng Định luật Moore. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cùng nguòi đứng đầu ông Gelsinger đã sẵn sàng để công ty 56 tuổi hồi sinh.
CHUẨN BỊ CHO SỰ TRỞ LẠI
Sau nhiều tháng chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm, CEO Gelsinger hôm 16/9 chính thức công bố "giai đoạn chuyển đổi tiếp theo của Intel".
"Không thiếu những tin đồn và suy đoán về công ty, bao gồm cả cuộc họp hội đồng quản trị tuần trước, vì vậy tôi viết thư này để đính chính một số thông tin và thông báo những gì sẽ diễn ra tiếp theo", ông Gelsinger viết trong thư gửi nhân viên.
Một trong những thông tin đầu tiên được chia sẻ là Intel mở rộng hợp tác với Amazon Web Services thông qua "khuôn khổ nhiều năm, trị giá hàng tỷ đô la" mà hai công ty cùng hợp tác để thiết kế chip tùy chỉnh.
Cụ thể, Intel Foundry chịu trách nhiệm sản xuất chip thay vì chỉ thiết kế. Bộ phận sẽ sản xuất chip thông qua quy trình mới có tên Intel 18A mà hãng chuẩn bị tung ra vào năm 2025.
Ông Patrick Moorhead, người sáng lập kiêm nhà phân tích trưởng tại công ty tư vấn Moor Insights & Strategy, cho rằng sự phát triển này là bước đi đúng hướng. Ông Moorhead viết trên X rằng tin tức của Amazon "được xem là tích cực", vì mang lại cho Intel "thỏa thuận chiến lược mà họ chưa từng có trước đây".
Trong khi đó, Alvin Nguyen, nhà phân tích cấp cao tại Forrester, đồng quan điểm nói rằng đây là chiến thắng lớn của Intel. "Sản xuất chip cho công ty siêu quy mô sử dụng các quy trình hàng đầu mang lại cho họ dòng doanh thu và cơ hội kinh doanh tiềm năng".
Thông báo quan trọng thứ hai mà CEO Gelsinger đề cập là công ty sẽ thành lập Intel Foundry như một công ty con riêng biệt, với ban điều hành mới và các Giám đốc độc lập nhằm mang lại lợi ích tài chính tốt nhất.
"Quyết định này mang lại cho chúng tôi sự linh hoạt trong tương lai để đánh giá nguồn tài trợ độc lập, tối ưu hóa cơ cấu vốn từng doanh nghiệp, tối đa hóa tăng trưởng và tạo ra giá trị cho cổ đông", vị CEO nhấn mạnh.
Thông báo thứ ba là công ty đã "tạm dừng" dự án xây dựng nhà máy mới ở Ba Lan và Đức trong khoảng hai năm để tối ưu hóa nguồn vốn.
Đồng thời, Giám đốc Điều hành Intel khẳng định "không có thay đổi" nào đối với các địa điểm sản xuất khác vì công ty vẫn cam kết đầu tư sản xuất trên khắp Hoa Kỳ, chẳng hạn như Arizona, Oregon, New Mexico và Ohio.
TÍN HIỆU LẠC QUAN
Hiện tại, nhà đầu tư đang đón nhận sự thay đổi theo hướng tích cực khi giá cổ phiếu Intel tăng hơn 6% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa hôm thứ 3.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định những thách thức vẫn còn, đặc biệt là việc giảm lực lượng lao động và lo ngại về thị trường AI. Một trong những vấn đề lớn nhất của công ty là đang vận lộn để gia nhập cuộc đua AI tạo sinh.
Theo báo cáo của Reuters vào tháng trước, công ty đã bỏ qua cơ hội đầu tư vào nhà sản xuất ChatGPT - OpenAI từ bảy năm trước. Điều đó khiến công ty hụt hơi so với đối thủ khi các mô hình ngôn ngữ lớn dần xuất hiện chỉ vài năm sau đó.
Nhiều nhà phân tích cũng ghi nhận một số khía cạnh tích cực trong kế hoạch phát triển của Giám đốc Gelsinger. Theo ghi chú nghiên cứu từ Bernstein, cho biết "Intel không quá cần tiền mặt như một số người lo sợ".