13:44 30/06/2023

Lithuania: Quốc gia nhỏ bé nuôi tham vọng xây dựng đế chế công nghệ lớn nhất Châu Âu

Bảo Ngọc

Lithuania đang lên kế hoạch xây dựng khuôn viên công nghệ lớn nhất châu Âu tại thủ đô Vilnius. Trong tương lai, đây có thể trở thành thủ đô công nghệ mới của vùng Baltic…

Cơ sở hạ tầng được lấy cảm hứng từ các dự án kiến trúc của Anh như nhà máy điện Battersea và phòng trưng bày nghệ thuật Tate Modern.
Cơ sở hạ tầng được lấy cảm hứng từ các dự án kiến trúc của Anh như nhà máy điện Battersea và phòng trưng bày nghệ thuật Tate Modern.

Được xây dựng bởi Tech Zity, khuôn viên tại Lithuania là một dự án phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ trị giá 100 triệu EUR (tương đương 109,6 triệu USD), trải rộng 55.000m2 và có sức chứa khoảng 5.000 người lao động. Điều đó chứng minh dự án này sẽ lớn hơn cả Station F tại Paris, hiện là khuôn viên khởi nghiệp lớn nhất châu Âu, theo CNBC.

Cơ sở được lấy cảm hứng từ các dự án cải tạo của Vương Quốc Anh như nhà máy điện Battersea, một số nhà máy may trong khu công nghiệp bỏ hoang ở New Town, các tầng văn phòng được thiết kế giống như nhà máy với chiều cao trần ít nhất 7m.

Dự án nhằm khuyến khích nhân viên công nghệ tại Vilnius quay trở lại văn phòng sau đại dịch. Theo đó, nhiều công ty công nghệ đang thúc đẩy văn hóa làm việc tại văn phòng, đảo ngược xu hướng làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch.

BỐI CẢNH CÔNG NGHỆ ĐANG PHÁT TRIỂN TẠI LITHUANIA

Ông Darius Zakaitis, nhà sáng lập Tech Zity, chia sẻ với CNBC rằng hệ sinh thái công nghệ của Lithuania đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua, "Khi tôi bắt đầu sự nghiệp vào 30 năm trước, chỉ có 200 người trong hệ sinh thái công nghệ Lithuania, nhưng bây giờ con số đã  là 18.000 người".

"Đó là thành tựu 10 năm mà những người trẻ cùng nhau cố gắng mỗi ngày. Một số người trong số họ đã rất thành công", ông nói thêm, "Người Lithuania rất năng suất, có tay nghề cao, tích cực xây dựng công ty của riêng mình và luôn hướng đến kết quả tốt đẹp nhất".

Vilnius là thành phố lớn thứ hai ở các nước Baltic, nơi có ngành công nghiệp công nghệ đang phát triển, bao gồm nhiều kỳ lân lớn như nhà bán lẻ quần áo secondhand Vinted và công ty an ninh mạng Nord.

Nord có khuôn viên riêng rộng 300m2 ở Vilnius cách Tech Zity's chỉ khoảng 300m, trong khi trụ sở chính của Vinted cách đó khoảng 200m. Khuôn viên mới của Tech Zity bao gồm không gian chung, nhà hàng, quán bar, và các cơ sở văn hóa, giáo dục.

Ông Valdas Benkunskas, Thị trưởng Vilnius, cho biết trong một tuyên bố: "Vilnius đang duy trì một vị thế vững chắc trong ngành công nghệ châu Âu nhờ chiến lược đổi mới và các doanh nghiệp có tầm nhìn xa".

"Với đội ngũ doanh nhân đa quốc gia, các nhà đầu tư đầy tham vọng, thủ đô Vilnius đã phát triển bùng nổ trở thành trung tâm công nghệ hiện đại, tăng cường hợp tác và các giải pháp tập trung vào con người", ông khẳng định.

Các công ty công nghệ Lithuania kiếm được khoảng 99% doanh thu từ nước ngoài, thị trưởng Valdas nói. Ông nói thêm rằng bối cảnh công nghệ của đất nước đang mô phỏng gần giống Israel, nơi đã tạo ra nhiều thành công công nghệ toàn cầu, bao gồm công ty công nghệ tự lái Mobileye và ứng dụng bản đồ Waze.

Tech Zity quản lý 3 cơ sở công nghệ ở Vilnius bao gồm Tech Park, Tech Loft và Tech Spa, nơi đặt trụ sở nhiều công ty như Google, Bored Panda và Kilo Health.

Vừa qua, nền tảng phát trực tuyến của Hoa Kỳ, Netflix, đã sử dụng địa điểm tại Tech Zity để quay phim, điển hình như loạt phim tài liệu "The Playlist" tập trung vào người sáng lập Spotify Daniel Ek. Hiện, Tech Zity đang có kế hoạch tăng quy mô cơ sở hạ tầng từ 20.000 lên 80.000m2 thông qua các khuôn viên mới, địa điểm hiện có và một số dự án khác.

CHẶNG ĐƯỜNG DÀI PHÍA TRƯỚC

Bất chấp những thành công gần đây, nhiều chuyên gia nhận định Lithuania còn khá lâu mới trở thành một trung tâm công nghệ lớn cạnh tranh với Anh, Pháp hay Đức.

Quốc gia này đã thu hút 222 triệu EUR (khoảng 242 triệu USD) vốn đầu tư mạo hiểm vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với các nước Tây Âu. Ngược lại, các công ty khởi nghiệp công nghệ của Anh đã huy động được 30 tỷ USD, trong khi nhiều startup tại Pháp đã huy động được gần 15 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo các nhà sáng lập địa phương, quốc gia này đã thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các tổ chức đầu tư mạo hiểm trong một vài năm qua.

Ông Tom Okman, Giám đốc Điều hành và Đồng Sáng lập Nord Security, tuyên bố với CNBC bên lề Hội nghị Công nghệ Web Summit được tổ chức tại Bồ Đào Nha vào tháng 11 năm ngoái: "Tất cả các công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu hiện đang nhắm đến Lithuania, đàm phán với các công ty khởi nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào khác".

"Lần gọi vốn gần nhất cho một công ty khởi nghiệp ở Lithuania là cho Vineted, có sự tham gia của Insight Parnters, EQT và nhiều công ty khác", ông khẳng định.