Phát triển nhân lực bán dẫn: Cần thay đổi quan niệm làm việc trong nhà máy là “kém sang”
Có đến 75% nhân lực bán dẫn là những kỹ thuật viên trực tiếp làm việc trong các nhà máy. Tuy nhiên, hiện vẫn có những quan niệm cho rằng làm việc trong các nhà máy sẽ ít cơ hội hơn so với các công việc nghiên cứu, thiết kế...

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn quốc tế (SEMI), tính đến 2030, ngành bán dẫn có thể thiếu hụt hơn 1 triệu nhân lực toàn cầu, trong đó phần lớn là lao động kỹ thuật và kỹ sư. Một số báo cáo về cơ cấu lao động ngành bán dẫn tại Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc xác nhận, sẽ có khoảng 75% là nhân lực kỹ thuật trực tiếp – những người làm việc tại nhà máy ở các khâu như vận hành thiết bị, kiểm thử sản phẩm, bảo trì hệ thống.
VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA CÁC “TRƯỜNG NHÓM HAI” TRONG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC BÁN DẪN VIỆT NAM
Trong bối cảnh đó, ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Thư ký Dự án đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn (INVEST), Giám đốc công ty ECOFES, cho rằng các trường cao đẳng và cơ sở đào tạo nghề tại Việt Nam – thường được gọi là “trường nhóm hai” – có thể đóng vai trò then chốt trong việc đáp ứng tới 2/3 nhu cầu nhân lực kỹ thuật viên ở cấp độ trung và cao đẳng.
Đây là nhóm lao động được yêu cầu trình độ thực hành cao, vì vậy trong 2 năm hay 3 năm các học sinh sẽ trải qua quá trình đào tạo và huấn luyện với bộ giáo trình kết hợp thực hành chất lượng cao, thiết kế giáo trình tiên tiến, phát huy tối đa các thiết bị đào tạo và các công nghệ đào tạo hiện đại.
“Với đặc điểm chương trình đào tạo linh hoạt, thực tiễn và thời gian ra nghề nhanh, hệ thống cao đẳng – dạy nghề tại Việt Nam có khả năng tham gia mạnh mẽ và hiệu quả vào chuỗi cung ứng nhân lực kỹ thuật cho ngành bán dẫn”, ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy nói.
TS. Trần Trọng An, Khoa Vật liệu điện tử và linh kiện, Trường Vật liệu, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng nhấn mạnh về vai trò của các trường cao đẳng nghề trong đào tạo nhân lực bán dẫn.
“Hiện nay, theo chính sách của Chính phủ và chuẩn đầu ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chương trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn chủ yếu tập trung vào trình độ kỹ sư và sau đại học. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu nhân lực trong ngành bán dẫn quốc tế, có thể thấy lực lượng kỹ thuật viên chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động”, TS. Trần Trọng An nói.
Điều này cho thấy đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong việc cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật cho các công đoạn như vận hành máy móc, kiểm định chất lượng và bảo trì thiết bị – những vị trí thiết yếu trong các nhà máy FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
“Các bạn học cao đẳng không phải là những người kém cơ hội, mà là những nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật, phù hợp với các công việc đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo ngay thực tiễn. Trong khi đó, các bạn học đại học thường phù hợp với nghiên cứu và phát triển. Cả hai nhóm đều quan trọng và cần được định vị rõ ràng”.
ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Thư ký Dự án đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn (INVEST), Giám đốc công ty ECOFES.
Các chuyên gia cho rằng thời gian đào tạo tại cấp độ cao đẳng chỉ kéo dài 2-3 năm sẽ giúp nhanh chóng đáp ứng nhu cầu nhân lực. Hơn nữa, việc gắn đào tạo với thực tập tại doanh nghiệp giúp sinh viên có kỹ năng thực hành thực tế, từ đó tạo cơ hội việc làm với thu nhập cao, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ, thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghệ cao.
ThS Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết theo khung trình độ quốc gia, trình độ trung cấp và cao đẳng tập trung vào các kỹ năng thực hành, giám sát, xử lý công việc phức tạp tại nhà máy.
"Các kỹ năng cụ thể cho kỹ thuật viên bán dẫn sẽ bao gồm vận hành trong phòng sạch, sử dụng thiết bị hiển vi, đảm bảo an toàn điện, thực hiện các công đoạn đóng gói như cắt chip, hàn lên lead frame, hàn dây, đổ nhựa. Những kỹ năng này liên quan nhiều đến cơ khí, điện tử, vật liệu, phù hợp với năng lực đào tạo của các trường cao đẳng", ThS Thủy nói.
THU NHẬP CAO VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN LỚN
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng ngành bán dẫn ngày nay không còn giới hạn trong lĩnh vực điện tử truyền thống, mà đang mở rộng mạnh mẽ sang nhiều lĩnh vực công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học (bio), kỹ thuật năng lượng và sản xuất thông minh. Chẳng hạn, các vật liệu bán dẫn tiên tiến hiện đã được ứng dụng trong y học, như chip cấy dưới da để theo dõi nhịp tim – minh chứng rõ ràng cho sự giao thoa giữa bán dẫn và công nghệ sinh học.
Theo ThS Nguyễn Thị Bích Thủy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng mang tính liên ngành này, công tác đào tạo nhân lực cần chuyển từ tư duy chuyên ngành sang tư duy tích hợp. Sinh viên không chỉ cần nền tảng vững về điện tử, mà còn phải tiếp cận các lĩnh vực liên quan như hóa học, vật lý, công nghệ thông tin và đặc biệt là AI. Các khóa học ngắn hạn về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data) và sản xuất thông minh là cần thiết – không chỉ cho sinh viên, mà cả đội ngũ giảng viên – nhằm bắt kịp tốc độ phát triển và xu hướng công nghệ toàn cầu trong ngành bán dẫn.
Ngoài ra, một vấn đề đáng chú ý đó là công tác truyền thông. Thực tế cho thấy hiện nay nhiều người vẫn quan niệm rằng làm việc trong các nhà máy sản xuất “kém sang” hơn, ít cơ hội hơn. “Quan niệm này cần được thay đổi”, ThS Nguyễn Thị Bích Thủy nói. “Các bạn học cao đẳng không phải là những người kém cơ hội, mà là những nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật, phù hợp với các công việc đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo ngay thực tiễn. Trong khi đó, các bạn học đại học thường phù hợp với nghiên cứu và phát triển. Cả hai nhóm đều quan trọng và cần được định vị rõ ràng”.
Hơn nữa, làm việc trong ngành bán dẫn, đặc biệt là sản xuất thông minh, mang lại thu nhập cao và cơ hội phát triển lớn. Học sinh tốt nghiệp cấp ba có thể tham gia ngay vào các nhà máy nếu được trang bị tốt nền tảng kiến thức STEM, tích lũy kinh nghiệm và đóng góp vào nguồn nhân lực quốc gia.
THAY ĐỔI CÁCH TRUYỀN THÔNG VỀ VAI TRÒ CỦA CÁC KỸ THUẬT VIÊN TRONG CÁC NHÀ MÁY THÔNG MINH
Về chiến lược, chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng nguồn nhân lực để đối ứng với các tập đoàn quốc tế. “Các nhà máy của Đài Loan tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng công suất mạnh mẽ trong 3-5 năm tới và để đáp ứng, các trường cao đẳng và dạy nghề cần được đầu tư mạnh mẽ, với các chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu doanh nghiệp chỉ kéo dài 2 năm cung cấp nhân lực ngay lập tức”, ThS Nguyễn Thị Bích Thủy nói.
Cần thay đổi cách truyền thông về vai trò của các kỹ thuật viên trong các nhà máy thông minh của ngành bán dẫn, ngành hóa chất và các nhà máy cơ khí sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Đây là ngành có môi trường làm việc tốt, trí tuệ, mang lại cơ hội việc làm bền vững và thu nhập cao.
“Các tập đoàn quốc tế sẵn sàng cung cấp giáo trình và hỗ trợ, tuy nhiên bản thân chúng ta phải cam kết đáp ứng nhu cầu nhân lực có năng lực toán và khoa học công nghệ. Đây là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để các trường cao đẳng và dạy nghề đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp nhân lực kỹ thuật”.
ThS Nguyễn Thị Bích Thủy đã đề xuất một số giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, cần xây dựng các chương trình đào tạo STEM từ cấp mầm non đến đại học, với lộ trình rõ ràng để phát triển kỹ năng số, kỹ năng kỹ thuật, chuyên môn và tư duy phản biện.
Thứ hai, cần thay đổi cách truyền thông về vai trò của các kỹ thuật viên trong các nhà máy thông minh của ngành bán dẫn, ngành hóa chất và các nhà máy cơ khí sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Đây là ngành có môi trường làm việc tốt, trí tuệ, mang lại cơ hội việc làm bền vững và thu nhập cao.
Thứ ba, chính phủ cần đầu tư quyết liệt vào các trường cao đẳng và dạy nghề, đặc biệt là các trường cấp ba, để học sinh có thể tham gia vào thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.
Thứ tư, cần xây dựng các bản đồ nhân lực chi tiết, xác định rõ vai trò của từng cấp học – từ trung học cơ sở, trung học phổ thông, đến cao đẳng và đại học – trong chuỗi cung ứng nhân lực bán dẫn.