Shein sẵn sàng cho đợt IPO mang tính bước ngoặt với mức định giá 64 tỷ USD
Sự thành công của đợt IPO sắp tới tại Vương quốc Anh phụ thuộc vào việc Shein có vượt qua được những thách thức về quy định và ESG (bộ tiêu chuẩn phát triển bền vững) hay không…
Gã khổng lồ bán lẻ thời trang nhanh Shein đang đứng trước cột mốc quan trọng. Theo báo cáo từ nhiều phương tiện truyền thông, công ty chuẩn bị nộp đơn xin IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại London với mục tiêu định giá khoảng 50 tỷ bảng Anh (64 tỷ USD).
Động thái diễn ra sau khi Shein phải đối mặt với rào cản pháp lý và chính trị ở Hoa Kỳ, thị trường ban đầu công ty dự định niêm yết. Sự thay đổi chiến lược của Shein sang Vương quốc Anh cũng nhấn mạnh nỗ lực không ngừng nhằm tránh căng thẳng địa chính trị và đảm bảo thị trường thuận lợi cho đợt chào bán đầu tiên.
TỪ TRUNG QUỐC VƯƠN RA THẾ GIỚI
Được thành lập bởi doanh nhân kín tiếng người Trung Quốc Sky Xu (hay còn gọi là Xu Yangtian), Shein xuất sắc chuyển mình thành ông lớn trong ngành thời trang toàn cầu nhờ những thành công vượt bậc trong đại dịch Covid-19. Hiện trụ sở chính của công ty được đặt tại Singapore.
Thành công đáng chú ý nhất của Shein là xây dựng mô hình "đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh", cho phép công ty cung cấp vô số mặt hàng quần áo giá rẻ. Mô hình được chạy trên thuật toán dự đoán nhu cầu khách hàng, giúp giảm thiểu tối đa lượng hàng tồn kho.
Cách tiếp cận này cho phép Shein nhanh chóng chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng trong những năm gần đây, đặc biệt khi thương mại điện tử phát triển mạnh sau đại dịch. Kết quả là Shein có được năm tài chính ấn tượng, đạt lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2023.
Tuy nhiên, định giá công ty cũng biến động không ngừng trong giai đoạn gần đây. Tháng 4/2022, công ty huy động thành công 1 tỷ USD tài trợ với mức định giá khổng lồ 100 tỷ USD. Một năm sau, Shein mất 1/3 giá trị trong thỏa thuận 2 tỷ USD từ Sequoia Capital, Atlantic Investments và Mubadala Investment Company hồi tháng 5/2023. Đến năm 2024, mức định giá bị cắt giảm xuống còn khoảng 45-55 tỷ USD sau khi nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu trên thị trường tư nhân.
Mặc dù định giá giảm, nhưng kế hoạch IPO với mục tiêu 64 tỷ USD của Shein vẫn có thể trở thành thương vụ lớn thứ hai trong lịch sử Sở giao dịch Chứng khoán London.
LO NGẠI VỀ ESG
Sự thay đổi trong định giá của Shein có thể liên quan đến những thách thức hiện tại mà công ty đang phải đối mặt. Công ty bị giám sát chặt chẽ một số lĩnh vực về môi trường và nhận cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức.
Nhiều cuộc điều tra cho thấy tình trạng sử dụng lao động đáng lo ngại như phải làm thêm giờ quá mức, cưỡng bức lao động người Duyghur (dân tộc Turkic), dấy lên lo ngại về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) với nhà đầu tư tiềm năng. Vấn đề này có thể cản trở thành công IPO của Shein bởi nhà đầu tư châu Âu ngày càng coi trọng chỉ số ESG.
Đáp lại, Shein cố gắng với nhiều chiến lược "giảm nâu tăng xanh". Công ty cho ra mắt nền tảng bán hàng đã qua sử dụng tại Pháp và có kế hoạch mở rộng sang Anh và Đức. Đối mặt với những nghi ngờ, Shein khẳng định họ không khoan nhượng đối với hành vi lao động cưỡng bức và nhấn mạnh cam kết tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn nhân quyền và minh bạch chuỗi cung ứng.
“NƯỚC CỜ” CHIẾN LƯỢC
Các nhà lãnh đạo Vương quốc Anh, bao gồm Thủ tướng Jeremy Hunt và một số quan chức Đảng Lao động, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến sự kiện IPO của Shein, coi đây là động lực cho Thành phố London và ngành dịch vụ tài chính nói chung.
"Xứ sở sương mù" đang nỗ lực biến đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là khi một số công ty lựa chọn Hoa Kỳ thay vì Vương quốc Anh.
Thủ tướng Jeremy Hunt và Chủ tịch Điều hành Shein Donald Tang, đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm thảo luận về khả năng niêm yết tại London. Một phát ngôn viên của Đảng Lao động xác nhận với BBC rằng họ "mong đợi tiêu chuẩn quản lý và kết quả thực tiễn kinh doanh tốt từ bất kỳ công ty nào. Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để đảm bảo điều này là có nhiều công ty hoạt động và tuân thủ luật pháp Vương quốc Anh".
Đáng chú ý, thay đổi chiến lược của Shein đến London diễn ra sau khi công ty phải đối mặt với nhiều trở ngại tại Hoa Kỳ. Một số nhà lập pháp tại đây bày tỏ lo ngại về mối liên hệ của Shein với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày một leo thang.
CHUỖI CUNG ỨNG VÀ MÔ HÌNH KINH DOANH
Mô hình kinh doanh đặc biệt của Shein là bí kíp thành công. Công ty sử dụng thuật toán dự đoán nhu cầu, sở thích khách hàng, sau đó ưu tiên các đơn đặt hàng nhỏ và giao hàng nhanh chóng nhằm giảm thiểu hàng tồn kho, tránh lãng phí. Gã khổng lồ ngành thời trang nhanh Trung Quốc hợp tác với hơn 5.000 nhà sản xuất, đảm bảo nhanh chóng phát hành lượng lớn mẫu mã mới mỗi ngày.
Cách tiếp cận số hoá, trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C) giúp công ty tiết kiệm đáng kể chi phí thuê mặt bằng, nhân công, kho bãi và vận chuyển. Hơn nữa, Shein tuyên bố sẽ thanh toán cho nhà cung cấp trong khoảng một tuần, nhanh hơn đáng kể so với mức trung bình của ngành là 90 ngày. Mô hình giúp Shein duy trì hiệu quả chi phí và tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp thời trang nhanh.
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG VÀ CẠNH TRANH
Bên cạnh việc mở rộng, Shein cũng mạo hiểm bước sang một số lĩnh vực khác, trở thành nền tảng thương mại điện tử dành cho người bán bên thứ ba. Điều này khiến công ty cạnh tranh trực tiếp với những gã khổng lồ như Amazon và Timu (thuộc Pinduoduo). Để thu hút các nhà bán hàng, Shein tung ra nhiều ưu đãi như không tính phí hoa hồng và phí quảng cáo trong ba tháng đầu tiên.
Mô hình mới này đặt Shein trực tiếp cạnh tranh với Temu, nền tảng cũng sử dụng người bán bên thứ ba Trung Quốc để bán sản phẩm giá cực thấp trên toàn thế giới. Cuộc cạnh tranh giữa Shein và Temu đã tiến triển thành trận chiến pháp lý. Cả hai công ty kiện nhau tại Hoa Kỳ, Temu cáo buộc Shein ép buộc nhà cung cấp ký kết hợp đồng độc quyền để hạ giá, trong khi Shein cáo buộc Temu chỉ đạo những người có tầm ảnh hưởng đưa ra phát ngôn sai sự thật về công ty.
Vụ kiện bị hủy bỏ vào tháng 10/2023 nhưng sau đó nhanh chóng bùng phát trở lại vào tháng 12 khi Temu kiện Shein một lần nữa, cáo buộc Shein cố gắng đe dọa thương nhân để "đánh cắp bí mật kinh doanh của Temu và ép buộc thương nhân rời Temu".
Thị trường ngày càng đông đúc với sự tham gia của TikTok, Amazon, AliExpress của Alibaba và Shopee đều tận dụng chuỗi cung ứng rộng lớn tại Trung Quốc để thu hút người tiêu dùng toàn cầu.
TƯƠNG LAI CỦA SHEIN
Hành trình IPO tiềm năng của Shein ở Vương quốc Anh là câu chuyện tiêu biểu của nhà bán lẻ có tốc độ phát triển nhanh chóng, phải vật lộn với nhiều vấn đề quốc tế, rào cản pháp lý, nhu cầu thực tiễn kinh doanh bền vững và đạo đức. Khả năng duy trì đà tăng trưởng của Shein đồng thời giải quyết các vấn đề ESG và thách thức pháp lý.
Mặc dù IPO là cột mốc quan trọng đối với Shein và thành phố London, nhưng con đường phía trước của công ty có khá nhiều thách thức. Khả năng thích ứng và tuân thủ quy định sẽ giúp Shein vượt qua khó khăn và thành công trên thị trường toàn cầu.