Câu chuyện chuyển đổi xanh của doanh nghiệp: Người tiêu dùng là một động lực "vô cùng quan trọng"
Người tiêu dùng ngày càng có quyền lực do khả năng tiếp cận thông tin và lựa chọn mua sắm có trách nhiệm, đóng góp vào việc thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng các chiến lược bền vững và số hóa…
Khẳng định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một xu hướng tự nhiên và cần thiết, có tính sống còn, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nếu doanh nghiệp không hành động sẽ có thể bị tụt hậu và thậm chí gặp nguy cơ phá sản.
NỖ LỰC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI KÉP
Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tại sự kiện Biztech Vietnam 2024 vừa qua, bà Trung Trinh cho biết các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh có nhận thức “rất rõ ràng” về tăng trưởng xanh. Nếu không thực hiện tăng trưởng xanh và đẩy nhanh hiệu quả của công tác chuyển đổi số để hỗ trợ cho tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp sẽ mất vị thế cạnh tranh khi phát triển ra thị trường quốc tế.
“Thậm chí, trong vài năm tới, các doanh nghiệp có thể không xuất khẩu được các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam nếu không tuân thủ các tiêu chí phát triển xanh”, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh nói.
Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ đóng góp lớn vào việc giải quyết lao động tại thành phố. Do đó, các chính sách hiện nay đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp này trong công tác chuyển đổi số.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu năng lực, kể cả năng lực tài chính, để triển khai thực hiện chuyển đổi kép. Vì thế, chúng tôi phối hợp với các hiệp hội như Hội Tin học và Hội Doanh nghiệp Thành phố, đưa ra các chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này.
Khi tham gia vào sân chơi quốc tế, yêu cầu về số liệu và chứng minh rất cao, doanh nghiệp không thể tự tuyên bố mình làm ESG mà cần có bằng chứng cụ thể. Vì thế, sản phẩm của trung tâm tập trung vào việc này, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Theo thông tin được lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đưa ra, thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến cung cấp các bộ công cụ giúp doanh nghiệp tự đánh giá khả năng chống chọi và thích nghi với biến đổi khí hậu, cũng như giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc đo lường và cung cấp các số liệu cụ thể để định rõ mục tiêu hành động không hề dễ dàng.
Một kết quả rất tích cực đó là Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố Hồ Chí Minh có chỉ số về tăng trưởng xanh rất đáng khích lệ. Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 5 tỉnh, thành phố của cả nước về chỉ số này. Điều đó cho thấy những nỗ lực của chính quyền trong việc thúc đẩy các chương trình của thành phố, đặc biệt là tăng trưởng xanh mà thành phố đã triển khai gần đây. Ngoài ra, đó cũng là nỗ lực của các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện các chương trình này.
THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI XANH QUA VAI TRÒ CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG
Cuối tháng 1/2024 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi Số. Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết mục tiêu lớn nhất của Trung tâm là xây dựng Chính quyền Số cho thành phố. Ngoài ra, một phần quan trọng khác là thúc đẩy phát triển kinh tế số và tạo ra các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số. Trong lĩnh vực này, Trung tâm tập trung vào việc phát triển các hoạt động như chương trình đổi mới xanh để đảm bảo sự phát triển bền vững và thúc đẩy kinh tế số.
Theo lãnh đạo Trung tâm chuyển đổi số thành phố Hồ Chí Minh, nỗ lực của doanh nghiệp trong chuyển đổi số và xanh là rất quan trọng, nhưng không kém phần quan trọng là vai trò của người tiêu dùng. “Trong quá trình chuyển đổi xanh, chúng ta cần có người tiêu dùng xanh. Chính vì vậy, chúng ta nên sử dụng quyền lợi của người tiêu dùng để thúc đẩy chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp”, bà Võ Thị Trung Trinh nói.
“Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể tác động một cách hiệu quả đến người tiêu dùng, điều này cũng sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh. Bởi vì tôi là người tiêu dùng, tôi có thể đưa ra quyết định lựa chọn. Ví dụ, tôi có thể chọn dịch vụ taxi sử dụng năng lượng sạch thay vì sử dụng taxi sử dụng xăng. Nếu chúng ta có thể kết hợp với quan điểm cá nhân của từng người tiêu dùng như vậy, chúng ta có thể thúc đẩy được chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hồ Chí Minh nói.
Có thể nói, người tiêu dùng, với vai trò là người sử dụng cuối cùng của sản phẩm và dịch vụ, tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp thông qua hành vi mua sắm và lựa chọn tiêu dùng của họ. Khi người tiêu dùng ưu tiên chọn các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường và công nghệ số, họ không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến mà còn góp phần tạo ra áp lực cạnh tranh lành mạnh trong ngành. Ví dụ, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm hữu cơ và công nghệ thông minh đã chứng minh rằng người tiêu dùng có thể định hướng thị trường bằng cách tạo ra nhu cầu mới.
Hơn nữa, người tiêu dùng ngày nay có nhiều quyền lực hơn bao giờ hết nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Họ có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định mua sắm có ý thức hơn. Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp vì thế cũng tăng lên, buộc họ phải thực hiện các biện pháp bền vững và số hóa để duy trì uy tín và thu hút khách hàng.
Người tiêu dùng cũng có thể đóng vai trò là những người ủng hộ tích cực cho sự thay đổi bằng cách chia sẻ và lan tỏa thông tin về các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Thông qua mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, họ có thể tạo ra làn sóng ủng hộ, khuyến khích nhiều người khác cùng hành động. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các doanh nghiệp khác phải thay đổi để không bị tụt hậu.
Chính vì thế, các chiến dịch, chương trình truyền thông nâng cao nhận thức xanh của người tiêu dùng sẽ có hiệu quả thúc đẩy chiến lược xanh của doanh nghiệp bởi vì doanh nghiệp sẽ chuyển đổi theo thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Việt Nam đang trong giai đoạn vàng về dân số, lực lượng dân số trẻ. Bên cạnh đó, các chỉ số hạ tầng số, như số lượng người dân sở hữu điện thoại thông minh, đều hỗ trợ mạnh mẽ cho việc thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Sự hỗ trợ từ người tiêu dùng cũng tạo động lực cho chính phủ và các tổ chức xã hội đề ra các chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Khi người tiêu dùng đòi hỏi nhiều hơn về sản phẩm xanh và số hóa, chính phủ có thêm lý do để thúc đẩy các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ cho doanh nghiệp.