Người dùng Twitter bỏ phiếu bãi nhiệm Elon Musk khỏi vị trí giám đốc điều hành
Trong một cuộc thăm dò, người dùng Twitter đã bỏ phiếu ủng hộ Elon Musk từ chức vị trí giám đốc điều hành của mạng xã hội này, làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn về tương lai của công ty có trụ sở tại San Francisco…
Theo Financial Times, tỷ phú Elon Musk, người đã mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD vào tháng 10, đã tiến hành một cuộc thăm dò trên Twitter về việc liệu ông có nên tiếp tục nắm quyền lãnh đạo hay không. Cũng trong tweet, ông viết: “Tôi sẽ tuân theo kết quả của cuộc thăm dò này”.
Theo đó, kết quả cuối cùng là 57,5% trong số 17,5 triệu người dùng đã trả lời bỏ phiếu ủng hộ việc Musk từ chức.
Không rõ Musk sẽ chọn ai làm người thay thế hoặc liệu ông có tôn trọng kết quả của cuộc thăm dò hay không. Nhưng trong một tweet gần đây, ông đã viết: “Không ai có thể thực sự giữ cho Twitter tồn tại. Không có người kế vị”.
Theo Financial Times, Musk trước đó đã phát đi tín hiệu ông sẽ từ bỏ vị trí CEO. Ông nói với một thẩm phán Delaware vào tháng trước rằng ông dự định sẽ “giảm thời gian làm việc tại Twitter và tìm một người sẽ điều hành Twitter”.
Với tư cách là chủ sở hữu, Musk vẫn có thể kiếm được 1 tỷ USD tiền lãi hàng năm sau khi đã trả cho công ty khoản nợ 13 tỷ USD, được dùng cho việc mua lại doanh nghiệp của ông. Elon Musk đã đấu tranh với các cổ đông để kiểm soát tài chính của nền tảng, trong khi tháng trước từng xuất hiện cảnh báo Twitter có thể phá sản.
Tuần trước, Musk đã bán một đợt cổ phiếu Tesla trị giá gần 3,6 tỷ USD, trong lần bán thứ ba kể từ khi tuyên bố vào tháng 4 rằng sẽ “không bán TSLA nữa”. Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô này đã giảm hơn 60%, kém hơn so với các tập đoàn ô tô đối thủ bao gồm Ford và General Motors. Một số nhà đầu tư của hãng ô tô đã bày tỏ sự thất vọng vì Musk đã bị phân tâm bởi Twitter và kêu gọi ông nên tập trung lại vào việc kinh doanh xe hơi.
Tuy nhiên khi cuộc thăm dò ý kiến liên quan đến Twitter có kết quả, cổ phiếu của Tesla đã tăng 3% trong giao dịch tiền thị trường.
Được biết, Musk đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng liên quan đến việc quản lý nền tảng, sau khi sa thải khoảng một nửa lực lượng lao động và đưa ra các biện pháp cắt giảm chi phí cũng như thay đổi chính sách gây tranh cãi.
Các thương hiệu và nhà tiếp thị đã rời khỏi nền tảng này vì lo ngại về chiến lược kiểm duyệt nội dung mới của ông sẽ đe dọa hoạt động kinh doanh trị giá 5 tỷ USD một năm của Twitter, trong khi phần lớn doanh thu đến từ quảng cáo.
Trong sự cố gây tranh cãi mới nhất, Musk đã công bố một chính sách mới cấm người dùng chia sẻ liên kết trên các nền tảng đối thủ, bao gồm Facebook và Instagram của Mark Zuckerberg, và đối thủ Twitter mới nổi Mastodon.
Động thái này đã gây ra phản ứng dữ dội từ những người chỉ trích ông và thậm chí từ một số người ủng hộ ông ở Thung lũng Silicon. Vài giờ sau, Twitter đã xóa một tuyên bố phác thảo chính sách khỏi trang web của mình. Trên Twitter, Musk viết: “Trong tương lai, sẽ có một cuộc bỏ phiếu cho những thay đổi chính sách lớn. Lời xin lỗi của tôi sẽ không xảy ra nữa”.