Thách thức dân số già hóa và thiếu hụt nhân sự công nghệ khi số hóa và chuyển đổi AI
Thiếu hụt kỹ năng công nghệ và những vấn đề nhân khẩu học đang đe dọa khả năng tận dụng tối đa tiềm năng của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo…

Các CEO khu vực châu Á Thái Bình Dương đang đối mặt với một thách thức ngày càng nghiêm trọng: thiếu hụt nhân sự công nghệ trong bối cảnh số hóa nhanh chóng và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh.
Theo báo cáo KPMG 2024 CEO Outlook: Asia Pacific, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực nhận thức rõ rằng việc đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là AI tạo sinh, là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng tổ chức. Tuy nhiên, sự thiếu hụt kỹ năng công nghệ và những vấn đề nhân khẩu học đang đe dọa khả năng tận dụng tối đa tiềm năng của các công nghệ mới này.
THÁCH THỨC NHÂN KHẨU HỌC VÀ THIẾU HỤT KỸ NĂNG
Trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, việc đầu tư vào kỹ năng được xem là yếu tố then chốt đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài.
Bà Ivana Arlianto, Giám đốc Hiệu suất và Văn hóa Nhân sự của KPMG khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Chúng ta cần đảm bảo rằng việc hòa nhập lao động lớn tuổi phải song hành với sự phát triển của các thế hệ lãnh đạo tương lai. Để duy trì giá trị trong môi trường làm việc, người lao động lớn tuổi cần sẵn sàng thích nghi với công nghệ mới thông qua tái đào tạo và nâng cao kỹ năng. Các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc xác định kỹ năng hiện có và giải quyết khoảng cách kỹ năng để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi”.
Sự số hóa nhanh chóng và rộng khắp đã làm nổi bật tầm quan trọng của nhân tài trong việc giúp các công ty tạo ra giá trị mới. Tuy nhiên, tại Châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề nhân tài còn bị ảnh hưởng bởi những thách thức nhân khẩu học đặc thù của khu vực. Nhật Bản, quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới với hơn 1/10 dân số trên 80 tuổi, là một ví dụ điển hình. Các quốc gia láng giềng như Trung Quốc cũng đang nhanh chóng bắt kịp xu hướng này.
Tại Việt Nam, quá trình số hóa và áp dụng công nghệ mới, bao gồm AI tạo sinh, cũng đang diễn ra mạnh mẽ, song song với những thách thức nhân khẩu học đặc trưng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Dù Việt Nam hiện vẫn sở hữu một lực lượng lao động trẻ và năng động, quốc gia vẫn đang bắt đầu đối mặt với dấu hiệu già hóa dân số, với tỷ lệ người cao tuổi dự kiến tăng nhanh trong vài thập kỷ tới.
Dù Việt Nam hiện vẫn sở hữu một lực lượng lao động trẻ và năng động, quốc gia vẫn đang bắt đầu đối mặt với dấu hiệu già hóa dân số, với tỷ lệ người cao tuổi dự kiến tăng nhanh trong vài thập kỷ tới.
Theo dữ liệu cư dân quốc gia, Việt Nam hiện có 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm 16% dân số. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già ngắn hơn so với các nước khác. Dự báo đến năm 2038, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già.
Các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rõ rằng việc đầu tư vào công nghệ và phát triển kỹ năng nhân sự là chìa khóa để duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh này. Trong khi đó, trước viễn cảnh lực lượng lao động ngày càng già đi, các doanh nghiệp đang đối mặt với một “quả bom hẹn giờ” về nhân khẩu học mà các CEO đã bắt đầu lo ngại. Khoảng 84% CEO tại châu Á cho rằng tình trạng già hóa lực lượng lao động sẽ ảnh hưởng vừa phải hoặc nghiêm trọng đến chiến lược nhân sự tổng thể của tổ chức.
Các CEO lo lắng rằng xu hướng nhân khẩu học sẽ hạn chế khả năng thay thế kỹ năng hoặc duy trì nguồn tri thức hiện có khi thế hệ lớn tuổi nghỉ hưu. Hậu quả của vấn đề này là rất rõ ràng: thiếu hụt kỹ năng sẽ dẫn đến các vấn đề vận hành, đe dọa tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp. Tình trạng thiếu hụt kỹ năng công nghệ kéo dài càng làm trầm trọng thêm thách thức này, với phần lớn các tổ chức trong khu vực chịu ảnh hưởng.
HƠN 80% CEO TIN AI TẠO SINH KHÔNG PHẢI LÀ MỐI ĐE DỌA GÂY MẤT VIỆC LÀM
Dù đối mặt với nhiều thách thức, các nhà lãnh đạo vẫn lạc quan về tiềm năng của AI tạo sinh trong việc tạo ra cơ hội thay vì loại bỏ việc làm. Hơn 80% các CEO trong khu vực tin rằng AI tạo sinh không phải là mối đe dọa làm mất việc làm, mà ngược lại, sẽ tạo ra cơ hội, động lực và lộ trình để chuẩn bị cho nhân viên thích nghi với một tương lai công nghệ hóa.
Để đạt được điều này, 90% CEO dự kiến tăng số lượng nhân sự trong ba năm tới, với 34% kỳ vọng tăng trưởng nhân sự từ 6% trở lên, tập trung đặc biệt vào kỹ năng công nghệ. Đồng thời, 84% các tổ chức đang ưu tiên các sáng kiến đầu tư vào phát triển kỹ năng, phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Ông Jeffrey Wong, Giám đốc Tư vấn KPMG châu Á Thái Bình Dương, khuyến nghị: “Để khai thác giá trị của AI, các nhà lãnh đạo nên định hướng đầu tư một cách chiến lược và ưu tiên quản lý thay đổi nhằm xây dựng niềm tin và thúc đẩy quá trình áp dụng suôn sẻ giữa nhân viên, khách hàng và cơ quan quản lý”.
Các CEO châu Á Thái Bình Dương đang ưu tiên đầu tư vào công nghệ, với 58% tập trung vào việc mua và triển khai các công nghệ mới, trong đó AI tạo sinh nổi lên như một động lực chính. Đặc biệt tại Nhật Bản, 72% các CEO xem AI tạo sinh là công cụ thiết yếu để nâng cao năng suất, trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với mức độ già hóa dân số nghiêm trọng. Tương tự, Hàn Quốc cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư AI, đi đôi với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.
Mặc dù vậy, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân sự có kỹ năng vẫn đang là một bài toán của các CEO, bởi vì sự chuyển dịch ngân sách từ cơ sở hạ tầng số hóa sang áp dụng AI đã làm nổi bật một vấn đề: không đủ nguồn lực có kỹ năng cần thiết để triển khai và vận hành các công nghệ này.