12:25 12/12/2022

4 giai đoạn chính trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp

Ngô Huyền

Từ cải thiện trải nghiệm khách hàng đến tạo ra các nguồn doanh thu mới, có nhiều lý do để các doanh nghiệp nên bắt tay vào hành trình chuyển đổi kỹ thuật số…

Chuyển đổi số thành công đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, (Ảnh: Internet)
Chuyển đổi số thành công đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, (Ảnh: Internet)

Trước hết, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã có nhiều đổi mới khi ứng dụng số hóa trong hồ sơ bệnh nhân, khám bệnh từ xa, in 3D... Các tổ chức chăm sóc sức khỏe đang sử dụng các phân tích nâng cao để hiểu rõ hành vi và xu hướng của bệnh nhân. Họ cũng sử dụng các phân tích dự đoán để xác định những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nhằm sớm can thiệp và ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó, bán lẻ truyền thống cũng đang chịu những áp lực từ cạnh tranh trực tuyến và sự phát triển của thương mại điện tử. Để cạnh tranh với những gã khổng lồ như Amazon, các nhà bán lẻ đều chuyển sang sử dụng các công nghệ số như đặt hàng và giao hàng đa kênh hay sử dụng chatbot. Ngoài ra, họ cũng phân tích dữ liệu để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho khách hàng và cải thiện quản lý hàng tồn kho.

Theo Business News, ngân hàng là một trong những ngành được quản lý chặt chẽ nhất trong không gian kỹ thuật số. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản các ngân hàng số hóa hoạt động của họ. Các ngân hàng đang sử dụng các giải pháp ngân hàng di động và fintech nhằm cho phép khách hàng giao dịch mọi lúc, mọi nơi đồng thời sử dụng phân tích dữ liệu để phát hiện hành vi gian lận và rửa tiền. Ngoài ra, các ngân hàng đang bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo cho các nhiệm vụ như các dịch vụ khách hàng và quy trình phê duyệt khoản vay.

Được biết, các công ty sản xuất cũng đang tăng cường sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như in 3D, robot và thực tế ảo để phát triển và tạo mẫu sản phẩm. Họ cũng sử dụng các cảm biến IoT để theo dõi tài sản trong thời gian thực và các máy hỗ trợ AI cho các nhiệm vụ của dây chuyền lắp ráp. Hơn nữa, các nhà sản xuất đang bắt đầu sử dụng dữ liệu lớn để quản lý chuỗi cung ứng và dự báo nhu cầu.

Khi công nghệ số được tích hợp vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh, đưa đến những thay đổi cơ bản trong cách thức hoạt động của doanh nghiệp và cách thức mang lại giá trị cho khách hàng. Đó cũng là lúc các doanh nghiệp cần thực hiện hành trình chuyển đổi kỹ thuật số để không bị bỏ lại phía sau. Trên con đường đó, có bốn giai đoạn chính mà doanh nghiệp cần phải trải qua:

XÁC ĐỊNH TƯƠNG LAI KỸ THUẬT SỐ 

Số hóa doanh nghiệp cần có sự đồng lòng của toàn bộ nhân sự, (Ảnh: Internet)   
Số hóa doanh nghiệp cần có sự đồng lòng của toàn bộ nhân sự, (Ảnh: Internet)   

Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp nên xác định những mục tiêu muốn đạt được khi chuyển đổi số đồng thời phát triển một lộ trình rõ ràng về cách đạt được điều đó. Điều quan trọng là cần tạo ra sự ủng hộ từ tất cả các cấp của tổ chức, từ C-suite (nhân sự cấp cao) đến những nhân viên tuyến đầu. Vì nếu không có sự ủng hộ của toàn thể doanh nghiệp, các sáng kiến số hóa sẽ rất dễ gặp thất bại. 

XEM XÉT LẠI MÔ HÌNH KINH DOANH 

Giai đoạn thứ hai của số hóa doanh nghiệp là suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh. Điều này có nghĩa là cách công nghệ sẽ tác động thế nào để tạo ra nguồn doanh thu mới, tiếp cận thị trường mới và cải thiện trải nghiệm của khách hàng trong tương lai. Một điều quan trọng nữa là phải xem xét những thay đổi mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mô hình kinh doanh hiện tại. Ví dụ: một công ty chuyển sang bán hàng trực tuyến cần suy nghĩ lại về các cửa hàng truyền thống hoặc khách hàng của mình hay một công ty đang số hóa dữ liệu có thể cần xem xét lại chính sách bảo mật của mình.

TRIỂN KHAI CÔNG NGHỆ MỚI 

Sau khi doanh nghiệp biết mình muốn đạt được điều gì và xây dựng kế hoạch số hóa để đạt được điều đó, đây cũng là lúc bắt đầu triển khai công nghệ mới. Điều này thường đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, cả về tiền bạc và nguồn lực. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là công nghệ chỉ là một phần của phương trình—chuyển đổi số đòi hỏi rất nhiều những thay đổi về quy trình và con người.

Một ví dụ là một công ty áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào các chiến dịch tiếp thị của mình. AI có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu khách hàng, dữ liệu này sẽ được phân tích để xác định thông điệp tiếp thị nào hiệu quả nhất. Nhưng để điều này hoạt động, công ty cũng cần phải chuyển đổi các quy trình tiếp thị của mình và trao quyền cho đội ngũ tiếp thị những kỹ năng họ cần để sử dụng AI một cách hiệu quả.

ĐO LƯỜNG HIỆU SUẤT 

Bước cuối cùng của số hóa doanh nghiệp là đo lường hiệu suất. Điều này bao gồm theo dõi các chỉ số hiệu suất chính (KPI) và xác định xem sáng kiến có thực sự hữu ích trong việc đạt được mục tiêu hay không đồng thời phải tiếp tục phát triển những thay đổi công nghệ để luôn đi trước các đối thủ cạnh tranh.

Một ví dụ về điều này là một công ty sử dụng phân tích để theo dõi KPI lưu lượng truy cập trang web, tỷ lệ chuyển đổi hoặc mức độ tương tác trên mạng xã hội. Nếu các KPI này tăng lên, thì đó là dấu hiệu tốt cho thấy sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số đang thực sự hoạt động hiệu quả. Nếu chúng đang đi xuống, có lẽ đã đến lúc thực hiện một số điều chỉnh.

Đổi mới liên tục là chìa khóa thành công trong thế giới công nghệ kỹ thuật số luôn thay đổi. Và số hóa là quá trình không hề dễ dàng, điều này đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong cách thức hoạt động của các doanh nghiệp ở mọi cấp độ.

Khi được thực hiện đúng cách, chuyển đổi kỹ thuật số sẽ có những tác động không nhỏ đến tăng trưởng của các doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy hiệu suất và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số thành công đòi hỏi phải lập kế hoạch và thực hiện cẩn thận, nhưng không có giải pháp nào là phù hợp cho tất cả.