20:52 03/07/2024

Các hãng thu âm phản đối chiến lược sử dụng âm nhạc đào tạo AI của Google

Sơn Trần

Tiếp nối cơn sốt AI, Google đang cố gắng thỏa thuận với các hãng thu âm, cải thiện khả năng sáng tác mọi thể loại nhạc. Tuy nhiên, nỗ lực gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là trong giới nghệ sĩ…

Một buổi preshow sản xuất âm nhạc AI tại Google I/O 2024.
Một buổi preshow sản xuất âm nhạc AI tại Google I/O 2024.

YouTube xác nhận công ty đang đàm phán với các hãng thu âm về việc trả tiền để truy cập vào kho âm nhạc, từ đó thực hiện "nhiều thử nghiệm" với AI. Bên cạnh đó, Google ra mắt một vài ứng dụng AI trong sản xuất âm nhạc tại sự kiện Google I/O hồi tháng 5/2024, theo Yahoo Tech.

Trí tuệ nhân tạo đang nhanh chóng thâm nhập vào tất cả ngành nghề, lĩnh vực sáng tạo. AI tạo sinh có khả năng cho ra văn bản, ảnh, video và thậm chí là cả âm nhạc. Google, một ông lớn trong cuộc đua AI, đang tìm mọi cách để đào tạo mô hình có thể thực hiện đa dạng nhiệm vụ, trong đó có sản xuất âm nhạc. 

Để làm được điều này, Google cần nguồn tài nguyên để đào tạo mô hình AI và YouTube đã lên kế hoạch hợp tác với một số hãng thu âm.

THAM VỌNG CỦA GOOGLE

Mới đây, YouTube cho ra mắt tính năng Dream Track (tự động tạo video âm nhạc dài khoảng 30 giây theo phong cách nghệ sĩ nổi tiếng) dựa trên tác phẩm của chín nghệ sĩ. Financial Times đưa tin, YouTube đang đàm phán với một số hãng thu âm như Universal Music Group (UMG), Sony Music Entertainment và Warner Records. 

Thỏa thuận xoay quanh việc YouTube đề nghị trả "một khoản tiền lớn" để có quyền sử dụng kho bài hát và đào tạo âm nhạc AI. Trong tuyên bố gần đây, YouTube nói rằng công ty đang "thảo luận với các hãng, hướng đến thực hiện thử nghiệm khác nhau" và không tiết lộ kế hoạch phát triển Dream Track trong tương lai.

Chưa rõ, tài liệu bản quyền có được sử dụng để đào tạo mô hình AI hay không, ít nhất là từ quan điểm pháp lý. Năm ngoái, tờ New York Times đệ đơn kiện OpenAI vì vi phạm bản quyền, sử dụng bài báo của Times để đào tạo mô hình AI.

Hiện tại, các công ty đào tạo mô hình AI phải đối mặt với nhiều kịch bản rủi ro nhưng đi kèm với đó là lợi nhuận khổng lồ. Sử dụng tài liệu có bản quyền đào tạo mô hình AI có thể giúp công ty phát triển thần tốc, nhưng cũng có thể khiến công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu tòa án phán quyết có lợi cho chủ sở hữu.

Giờ đây, lựa chọn an toàn với các công ty là ký kết trực tiếp với chủ sở hữu bản quyền trước khi đào tạo mô hình AI, đó chính xác là những gì Google đang thực hiện. 

NÉ TRÁNH RỦI RO PHÁP LÝ

Bằng cách ký thỏa thuận với một số hãng thu âm, YouTube có thể sử dụng các bản nhạc, album hoặc danh mục được chọn, bất cứ thứ gì có trong thỏa thuận, để đào tạo mô hình AI, cung cấp tính năng mới mà không gặp rủi ro pháp lý.

Điều này rất quan trọng bởi hậu quả pháp lý là rất lớn. Trong một vụ kiện, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) đã kiện Suno và Udio, hai công cụ tạo nhạc AI, vì vi phạm bản quyền và yêu cầu bồi thường thiệt hại 150.000 USD cho mỗi vi phạm. RIAA là cơ quan quyền lực trong ngành âm nhạc, đại diện cho nhiều hãng thu âm lớn. Trong đó, họ quản lý UMG, đối tác mà YouTube đang đàm phán.

Vẫn chưa rõ những tính năng cụ thể nào của YouTube cần đào tạo âm nhạc AI. Tuy nhiên, sản xuất âm nhạc thông qua trí tuệ nhân tạo có ý nghĩa lớn đối với công ty. Ứng dụng video trực tuyến lớn nhất thế giới luôn kiểm soát chặt chẽ nhạc bản quyền trên nền tảng. Những video sử dụng trái phép tài liệu bản quyền có thể bị gỡ bỏ và mất khả năng kiếm tiền.

Có nhiều cách để người dùng sử dụng nhạc trong video YouTube và cách dễ nhất là tìm nhạc không bản quyền. Tuy nhiên, việc an toàn sử dụng nhạc do người khác sáng tạo trên YouTube là khá khó khăn.

Tính năng tạo nhạc bằng AI có thể khắc phục điều đó, người dùng có thể thoải mái tạo nhạc nền gốc cho video trên YouTube mà không sợ vi phạm bản quyền. Do đó, cũng dễ hiểu tại sao YouTube lại nỗ lực hợp tác với các hãng thu âm lớn.

YouTube Premium trên điện thoại thông minh.
YouTube Premium trên điện thoại thông minh.

Rõ ràng, YouTube muốn trả tiền cho các hãng thu âm với mục đích đào tạo AI. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các hãng thu âm nên từ chối lời đề nghị, nói thêm số tiền YouTube đề nghị tra là bao nhiêu không quan trọng, ngay cả khi YouTube đưa cho nghệ sĩ hoặc hãng thu âm tấm séc trắng, họ vẫn nên từ chối.

Hiện tại, không thể định giá sự sáng tạo. Các công cụ không thể sánh với nhạc sĩ chuyên nghiệp. Hầu hết sản phẩm tạo ra đều có sẵn hoặc dựa trên giọng hát của ca sĩ nổi tiếng và khá mờ nhạt so với những gì con người thực hiện.

Việc nhận một khoản tiền lớn trong thời gian ngắn có thể rất hấp dẫn, đặc biệt khi ngành công nghiệp âm nhạc đang vật lộn để thích nghi với các nền tảng streaming, nhưng về lâu dài thì không. Một khi “cánh cửa” đào tạo nhạc AI mở ra thì sẽ không thể đóng lại. Ngày nay, kiếm tiền từ stream nhạc gặp phải một số thách thức nhất định, nhưng sẽ còn khó khăn hơn khi AI sản xuất nhạc và con người không nhận được bất kỳ khoản tiền bản quyền nào.

Mặc dù đã có tiền lệ việc hãng thu âm hợp tác với Google, cung cấp tính năng AI tổng hợp - đó là cách Dream Track được tạo ra. Nhưng đa số ý kiến vẫn phản đối các hãng thu âm không nên để AI thoải mái sử dụng âm nhạc thay vì chiến đấu hết mình.