12:06 17/12/2022

CEO Crypto.com: từng nhiều lần phá sản trước khi bước chân vào thị trường tiền điện tử

Đứng giữa hàng loạt bê bối của thị trường tiền điện tử, Kris Marszalek muốn mọi người biết rằng công ty của ông, Crypto.com luôn an toàn và nằm trong tầm kiểm soát…

CEO của Crypto.com từng có một quá khứ “lộn xộn” , (Ảnh: Getty)
CEO của Crypto.com từng có một quá khứ “lộn xộn” , (Ảnh: Getty)

Trong năm nay, thị trường tiền điện tử gần như đã rơi tự do. Những tên tuổi nổi tiếng cũng đang rơi vào vòng xoáy phá sản, điển hình là sự thất bại của FTX vào tháng trước, đã khiến niềm tin trong toàn ngành “bốc hơi”.

 Kris Marszalek, Giám đốc điều hành Crypto.com, đang nỗ lực đảm bảo với khách hàng tiền của họ luôn nằm trong tầm kiểm soát và họ khác với FTX (công ty đã sử dụng tiền của khách hàng cho tất cả các loại hoạt động rủi ro). 

Để chứng minh điều này, vừa qua, Crypto.com đã công bố bằng chứng 100% tài sản khách hàng của họ hiện được hỗ trợ đầy đủ. Theo CNBC, mặc dù không có bằng chứng nào về hành vi sai trái tại Crypto.com, nhưng lịch sử kinh doanh của Marszalek có rất nhiều nguy hiểm tiềm tàng.

CNBC đã liên hệ với Crypto.com để cung cấp thông tin về quá khứ của Marszalek và yêu cầu một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, công ty đã từ chối và gửi một tuyên bố “chưa bao giờ phát hiện ra hành vi sai trái nào dưới sự lãnh đạo của Kris” tại các dự án kinh doanh trước đây của ông. 

Sau yêu cầu của CNBC, Marszalek đã đăng một bài tweet: “Sắp có thêm FUD nhắm mục tiêu vào Crypto.com, lần này là về một thất bại kinh doanh mà tôi đã gặp phải từ rất sớm trong sự nghiệp của mình. Tôi không có gì để che giấu và tự hào về những vết sẹo chiến đấu của mình”. 

FUD là viết tắt của sự sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ. Đây là một cụm từ phổ biến trong giới điều hành tiền điện tử.

Trong bài viết, Marszalek mô tả việc phá sản của ông trong quá khứ và việc đóng cửa đột ngột hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là một bài học kinh nghiệm, đồng thời nói thêm rằng “khởi nghiệp rất khó” và “bạn sẽ phải thất bại hết lần này đến lần khác”.

PHÁ SẢN VÌ NGUỒN HÀNG LỖI 

Năm 2004, Marszalek thành lập một công ty sản xuất phần cứng tên là Starline, có trụ sở tại Hồng Kông, với một nhà máy ở Trung Quốc đại lục, theo hồ sơ LinkedIn của ông. Trang LinkedIn của Marzsalek cho biết ông đã phát triển doanh nghiệp thành một công ty có 400 nhân viên với doanh thu 81 triệu USD trong vòng 3 năm.

Theo đó, Marszalek sở hữu 50% cổ phần công ty, phần còn lại thuộc về một cá nhân khác ở Hồng Kông, người đã hợp tác với Marszalek trong nhiều dự án kinh doanh.

Năm 2009, công ty của Marzsalek đã dàn xếp một thỏa thuận trị giá 5 triệu USD với một khách hàng vì lô hàng ổ đĩa flash bị lỗi. Trong đó, Starline thanh toán trước 1 triệu USD và viết một giấy báo tín dụng trị giá 4 triệu USD. Các tài liệu của tòa án không cho biết Starline có thực hiện tốt những cam kết này hay không. Tuy nhiên đến cuối năm 2009, Starline bị buộc phải làm thủ tục phá sản. 

BIẾN MẤT CÙNG SỐ TIỀN CỦA KHÁCH HÀNG

Công ty của Marszalek đã thất bại trước Alibaba, (Ảnh: Internet)   
Công ty của Marszalek đã thất bại trước Alibaba, (Ảnh: Internet)   

Phá sản không cắt đứt mối quan hệ giữa Marszalek và đối tác của ông hay khiến họ ngừng hợp tác trong các dự án kinh doanh. Cùng lúc Starline ngừng hoạt động, họ đã thành lập một công ty cổ phần có tên Middle Kingdom Capital.

Middle Kingdom được thành lập tại Quần đảo Cayman, một trung tâm khét tiếng về các trú ẩn thuế. Middle Kingdom là chủ sở hữu của Buy Together, công ty này sở hữu BeeCrazy, một liên doanh thương mại điện tử. Tương tự với Groupon (một thị trường thương mại điện tử toàn cầu của Mỹ kết nối người đăng ký với các thương gia địa phương), các nhà bán lẻ có thể sử dụng BeeCrazy để bán sản phẩm của họ với mức chiết khấu cao. 

Người bán và người mua đổ xô đến trang web BeeCrazy vì bị thu hút bởi những đợt giảm giá cho mọi thứ, từ thẻ spa cho đến sạc dự phòng USB. Buy Together khi ấy đã thu hút sự chú ý từ một tập đoàn của Úc có tên iBuy, tập đoàn sắp IPO và theo đuổi việc mua lại BeeCrazy như một phần trong kế hoạch xây dựng đế chế thương mại điện tử châu Á.

Hồ sơ tòa án và tiết lộ của Úc cho thấy để ký kết thỏa thuận, Marszalek và đối tác của ông phải tiếp tục làm việc cho iBuy trong 3 năm và xóa các vụ phá sản cá nhân của họ tại tòa án Hồng Kông. Vài tháng sau, vào tháng 10/2013, BeeCrazy được mua bởi iBuy với giá 21 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu, theo S&P Capital IQ.

Một tháng rưỡi sau khi mua BeeCrazy, iBuy lên sàn. Marszalek được yêu cầu ở lại cho đến năm 2016. Công ty đã gặp khó khăn sau khi IPO do sự cạnh tranh gia tăng từ những gã khổng lồ như Alibaba. Tháng 8/2014, Marszalek được thăng chức Giám đốc điều hành của iBuy. Ông đã đổi tên iBuy thành Ensogo. Năm 2015 công ty lỗ hơn 50 triệu USD.Vào tháng 6/2016, Ensogo ngừng hoạt động. Cùng ngày, Marszalek từ chức.

Thời điểm Ensogo đột ngột đóng cửa, những người bán hàng trên trang web nói với South China Morning Press rằng họ không nhận được tiền từ các mặt hàng mà họ đã bán, nó đã biến mất hoàn toàn cùng với nền tảng mua sắm trực tuyến.  

Một người bán nói với tờ The Standard của Hồng Kông rằng bà đã mất hơn 25.000 USD thời điểm ấy: “Dường như họ muốn kiếm một khoản kinh doanh lớn từ chúng tôi lần cuối trước khi họ đóng cửa”.

BƯỚC CHÂN VÀO THỊ TRƯỜNG TIỀN ĐIỆN TỬ 

Cùng tháng từ chức tại Ensogo, ông thành lập Foris Limited, đánh dấu sự gia nhập vào thị trường tiền điện tử. Bước đột phá đầu tiên của Foris vào tiền điện tử là hợp tác với Monaco, một sàn giao dịch tiền điện tử. 

Với đội ngũ lãnh đạo hoàn toàn gồm các cựu nhân viên của Ensogo, Monaco nói với các nhà đầu tư tiềm năng rằng họ có thể đạt 3 triệu khách hàng với doanh thu 169 triệu USD trong vòng 5 năm. Năm 2018, Monaco tiếp tục đổi tên thành Crypto.com.

Đến năm 2021, công ty đã phá vỡ các mục tiêu của chính mình, vượt mốc 10 triệu người dùng. Doanh thu trong năm đạt 1,2 tỷ USD, theo Financial Times. Đó là thời điểm tiền điện tử tăng vọt, bitcoin tăng giá từ khoảng 7.300 USD vào đầu năm 2020 lên mức cao nhất hơn 68.000 USD vào tháng 11/2021.

Tuy nhiên, trước những bê bối của thị trường trong năm nay, Crypto.com đã sa thải hàng trăm nhân viên. Trong tháng 11, Crypto.com đã gửi hơn 80% lượng ether, tương đương khoảng 400 triệu USD tiền điện tử, tới Gate.io, một sàn giao dịch tiền điện tử khác. Công ty chỉ thừa nhận sai lầm sau khi giao dịch bị lộ. Sau đó, Crypto.com cho biết số tiền đã được thu hồi.

Sau thất bại của FTX, Marszalek đã lên CNBC để cố gắng trấn an khách hàng và công chúng rằng công ty vẫn rất an toàn, họ không sử dụng đòn bẩy và giao dịch rút tiền đã bình thường hóa. 

Tuy nhiên, vốn hóa thị trường của Cronos, mã thông báo gốc của Crypto.com đang có dấu hiệu giảm giá trong những ngày gần đây phản ánh sự mất niềm tin của một nhóm nhà đầu tư quan trọng. Trong cơn sốt tiền điện tử vào thời điểm này năm ngoái, Cronos từng đạt trị giá hơn 22 tỷ USD.

Tóm lại, Marszalek muốn khẳng định trên Tweet về những bài học mà ông đã học được từ những sai lầm trong quá khứ và những thất bại ban đầu đã giúp ông trở thành con người của ngày hôm nay. “Tôi tự hào về vết sẹo của mình và cách tôi kiên trì đối mặt với nghịch cảnh. Thất bại đã dạy tôi sự khiêm tốn, cách không làm việc quá sức và cách lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất”, Marszalek viết trên Tweet.