09:09 29/07/2023

Chân dung tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2023: Bắt đầu khởi nghiệp trong một nhà để xe

Ngay từ khi mới 17 tuổi, Austin Russell đã thành lập Luminar Technologies, công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Orlando, Florida chuyên sản xuất các cảm biến laser giúp các xe tự lái phát hiện vật thể ở gần…

Chân dung tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2023: Bắt đầu khởi nghiệp trong một nhà để xe
Chân dung tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2023: Bắt đầu khởi nghiệp trong một nhà để xe

Tỷ phú trẻ nhất thế giới trong bảng xếp hạng năm nay của Forbes chia sẻ với CNBC: “Tôi bắt đầu khởi nghiệp  từ rất sớm. Khi còn ở tuổi thiếu niên, tôi đã biến nhà để xe của bố mẹ tôi thành phòng thí nghiệm quang học và điện tử... Tôi đã nhận thấy cơ hội nếu xây dựng thành công các loại hệ thống quang học mới từ sớm”. 

Theo Forbes, Russell trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới 2023 ở tuổi 28. Và công ty của ông, Luminar hiện đang cạnh tranh với các công ty sản xuất xe lớn như Tesla và Waymo của Alphabet.

Giá trị tài sản ròng của Russell ước tính đạt 1,6 tỷ USD và công ty của ông hiện có mức vốn hóa thị trường là 2,59 tỷ USD. Luminar báo cáo doanh thu năm 2022 là 40,7 triệu USD. Được biết, công ty của Russel hiện có quan hệ đối tác với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Mercedes-Benz và Volvo.

Giống như nhiều “Tỷ phú bỏ học” khác của nước Mỹ, Russell cũng nghỉ học tại Stanford vào năm ông 18 tuổi và thành công giành được học bổng trị giá 100.000 USD của Peter Thiel tạo ra thông qua Quỹ Thiel, học bổng hỗ trợ sinh viên tập trung toàn thời gian vào công việc khởi nghiệp. Russel cho biết ngay cả khi không có học bổng, anh vẫn sẽ nghỉ học để xây dựng đế chế Luminar của mình: “Dù sao thì điều đó cũng sẽ xảy ra”.  

Có một thực tế là hiện nay, ô tô tự lái không thực sự phổ biến tại Mỹ, vì vậy dù Luminar được định giá cao, vẫn còn nhiều khó khăn đang chờ họ phía trước. 

TIA LASER DÀNH CHO Ô TÔ TỰ LÁI CỦA LUMINAR HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO? 

Luminar sử dụng công nghệ lidar viết tắt của “light detect and range” chạy bằng tia laser, để tạo bản đồ 3D về môi trường xung quanh ô tô trong thời gian thực. Một khi ô tô có thể phát hiện các vật thể ở gần, về mặt lý thuyết, nó có thể tránh va phải chúng.

“Nó phát ra các xung laze và chúng tôi đã thực hiện công việc này hàng triệu lần để đo chính xác khoảng cách của mọi thứ, với độ chính xác đến từng centimet”, Russell nói.

Theo đó, công nghệ này nhằm giúp ô tô tự động phanh trước những hành động bất ngờ của những người tham gia giao thông khác, chẳng hạn như người đi bộ bất ngờ qua đường hoặc tránh các phương tiện đột nhiên đi vào làn đường của chúng một cách an toàn. Luminar lưu ý công nghệ của họ không phải để thay thế hoàn toàn người lái xe. Ông cho biết thêm, không thể loại bỏ hoàn toàn các vụ tai nạn có thể xảy ra, nhưng nếu công nghệ này được áp dụng rộng rãi trên các phương tiện, công nghệ này có thể “cứu mạng sống hàng triệu người”.

CÔNG NGHỆ CỦA LUMINAR KHÁC VỚI TESLA NHƯ THẾ NÀO?

Tesla của Elon Musk cũng đang tìm cách đưa ô tô tự lái trở nên phổ biến trên các con đường và cách tiếp cận công nghệ của vị tỷ phú giàu nhất thế giới này có phần khác biệt so với tỷ phú trẻ nhất thế giới.

Tác giả kiêm chuyên gia trí tuệ nhân tạo Mario Herger cho biết trong số tất cả các công ty đang cố gắng làm cho xe tự lái trở nên an toàn, chỉ có Tesla sử dụng công nghệ camera. “Tesla chỉ sử dụng thiết bị máy ảnh”, Herger nói. “Cụ thể mỗi xe của Tesla có tám camera”. Theo thông tin mô tả sản phẩm tại chính trang web của Tesla, các camera có thể lập bản đồ môi trường xung quanh cho ô tô của họ với phạm vi lên tới 250 mét. Điều này sẽ giúp các ô tô tự động chuyển làn đường hoặc tìm thấy chủ nhân trong bãi đậu xe.

Tuy nhiên, tính năng “lái tự động” của Tesla trên thực tế đã gây ra 736 vụ tai nạn ở Mỹ, khiến ít nhất 17 người chết người và 5 người bị thương tích nghiêm trọng kể từ năm 2019, theo thông tin từ tờ Washington Post.

Khi được CNBC hỏi về thông tin này, Russel cho biết lidar có thể thay đổi điều đó, “máy ảnh có thể hữu ích trong một số trường hợp sử dụng nhất định, nhưng Lidar là một bước tiến lớn”.

CÁC PHƯƠNG TIỆN TỰ TRỊ CHƯA THỂ THỐNG TRỊ HỆ THỐNG GIAO THÔNG 

Số lượng ô tô tự lái còn ít cho thấy chưa có phương tiện nào đảm bảo đạt được độ an toàn.   
Số lượng ô tô tự lái còn ít cho thấy chưa có phương tiện nào đảm bảo đạt được độ an toàn.   

Để đảm bảo an toàn, Russel cho rằng: “Sử dụng đồng thời nhiều công nghệ và “tạo thuật toán” để xử lý thông tin nhanh hơn có thể làm giảm các vụ tai nạn ô tô, cho dù do lỗi của con người hay do phương tiện gây ra, các phương tiện tự hành sẽ an toàn hơn một khi tất cả các camera, tia laser và cảm biến đều có thể được kết hợp với nhau”.

Herger nói thêm: “Có thể có những trường hợp bạn cần một cảm biến khác vì camera không thể nhìn xuyên qua ánh sáng hoặc chúng không thể nhìn xuyên qua sương mù”. 

Nhưng sự an toàn có thể không thành vấn đề nếu không ai đủ khả năng mua xe. Phiên bản beta tự lái đầy đủ của Tesla có giá lên tới 15.000 đô la. Công nghệ Lidar có thể tiêu tốn “hàng chục hoặc hàng trăm nghìn đô la” để phát triển và sản xuất, Russell nói.

Russell cho biết thêm, các cảm biến của Luminar hiện có giá từ 500 đến 1.000 USD. Với việc sản xuất hàng loạt, anh hy vọng có thể giảm chi phí cho các cảm biến, xuống mức thấp nhất là 100 USD cho mỗi thiết bị. 

Ông cho biết: “Khi tôi quyết tâm làm một điều gì đó, tôi không có lựa chọn gì khác ngoài biến nó thành hiện thực. Thất bại không phải là một lựa chọn. Và tôi biết nó chắc chắn sẽ không bao giờ dành cho Luminar”.