06:00 20/04/2023

Đông Nam Á đang “cách mạng hóa” lĩnh vực giao thông, thúc đẩy mục tiêu bền vững

Ngô Huyền

Những đổi mới trong công cuộc cách mạng xanh của Đông Nam Á đã phá vỡ giới hạn suy nghĩ của nhiều người, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải…

Đông Nam Á thực hiện cách mạng giao thông thúc đẩy bởi các mục tiêu xanh
Đông Nam Á thực hiện cách mạng giao thông thúc đẩy bởi các mục tiêu xanh

Hiện nay, giao thông của Đông Nam Á không chỉ hướng đến ứng dụng những công nghệ tiên tiến để thúc đẩy khu vực thực hiện cam kết bền vững với môi trường mà còn để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

CÁC CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY MỤC TIÊU XANH CỦA ĐÔNG NAM Á 

Một trong những xu hướng quan trọng nhất thúc đẩy giao thông Đông Nam Á thay đổi là nỗ lực khuyến khích người dân sử dụng xe điện (EV) của các chính phủ Đông Nam Á nhằm đáp ứng mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu. 

Theo đó, Thái Lan hiện đặt mục tiêu có 1,2 triệu xe điện lưu thông trên đường vào năm 2036. Được biết, quốc gia này đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng cần thiết, bao gồm các trạm sạc và cơ sở sản xuất pin để thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu này. Trong khi đó, Indonesia đặt mục tiêu có 2 triệu xe máy điện lưu thông trên đường vào năm 2025, điều này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn cung cấp phương thức di chuyển thuận tiện và giá cả phải chăng cho nhiều người dân ở Indonesia.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng giao thông ở Đông Nam Á không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xe điện. Singapore là thành phố tiên phong trong thử nghiệm và triển khai các phương tiện tự hành trong môi trường đô thị của mình. Trước khi bắt đầu tích hợp xe buýt và taxi tự lái vào mạng lưới giao thông của mình, Singapore đã mất một thời gian dài thử nghiệm các phương tiện này nhằm mục đích đánh giá hiệu suất và độ an toàn tại một khu vực thử nghiệm chuyên dụng. Trong khi đó, Malaysia cũng đang thử nghiệm ô tô tự lái trên đường cao tốc được hỗ trợ bởi mạng 5G nhằm đảm bảo những phương tiện này hoạt động an toàn và hiệu quả trước khi cho phép lưu hành trong điều kiện thực tế.

Mặc dù dịch vụ xe công cộng và xe điện đã cho thấy những hiệu quả thực tế trong giải quyết các vấn đề như tắc nghẽn giao thông trên toàn khu vực, nhưng những thử nghiệm của taxi bay trong thời gian gần đây được đánh giá là giàu tiềm năng trong việc định hình lại toàn bộ ngành giao thông vận tải khu vực.

Taxi bay hay còn gọi là máy bay điện cất cánh hạ cánh thẳng đứng (VTOL) sẽ là động lực to lớn để tăng cường giao thông vận tải tại Đông Nam Á, đặc biệt là ở những địa điểm xa xôi hoặc khó tiếp cận như hải đảo, vùng núi hoặc cộng đồng nông thôn. Bằng cách cung cấp một giải pháp thay thế nhanh hơn và hiệu quả hơn cho phương tiện di chuyển thay vì thuyền hay máy bay trực thăng vốn thường đòi hỏi chi phí cao và sự phức tạp về hậu cần, taxi bay có thể mở ra một kỷ nguyên mới về khả năng tiếp cận và sự tiện lợi trong khu vực.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG VÀ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 

Đô thị hóa ngày càng tăng và những thách thức về giao thông phải mà người dân phải đối mặt ngày càng phức tạp. Chính vì vậy, những đổi mới trong giao thông ở Đông Nam Á sẽ nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống trong khu vực bằng cách giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và cung cấp các phương tiện giao thông an toàn và hiệu quả hơn cho người dân.

Theo đó, EDF Energy từng nêu bật tác động của xe điện với môi trường là mỗi năm, một chiếc xe điện chạy trên đường có thể hạn chế xả thải trung bình 1,5 triệu gam khí thải CO2. Con số này tương đương với lượng khí thải carbon của bốn chuyến bay khứ hồi giữa Singapore và Manila. 

Ngoài ra, chuyển đổi sử dụng xe điện và ô tô tự lái có khả năng sẽ tạo ra chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra cơ hội việc làm mới trong lĩnh vực ô tô. Một nghiên cứu của Báo cáo Người tiêu dùng năm 2020 cho thấy, chủ sở hữu xe điện có xu hướng chi ít hơn khoảng 50% cho việc bảo trì so với những người sở hữu xe chạy bằng xăng. Khi tính đến khoản tiết kiệm đáng kể cho chi phí nhiên liệu trong suốt một năm, việc đầu tư vào một chiếc xe điện ngày càng trở nên hợp lý và có lợi về mặt kinh tế.

NHỮNG THÁCH THỨC VỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ MÔI TRƯỜNG

Những thách thức phía trước trong việc hiện thực hóa tầm nhìn điện khí hóa   
Những thách thức phía trước trong việc hiện thực hóa tầm nhìn điện khí hóa   

Mặc dù các xu hướng giao thông mới nổi như xe điện và ô tô tự hành sẽ cải thiện môi trường đáng kể song cũng đặt ra vô số thách thức phức tạp với môi trường. Một trong những mối quan tâm cấp bách nhất để các quốc gia trong khu vực cách mạng hóa thành công lĩnh vực giao thông là thiết lập cơ sở hạ tầng phù hợp để đáp ứng những đổi mới. Điều này không chỉ bao gồm việc lắp đặt rộng rãi các trạm sạc cho xe điện trong toàn khu vực mà còn phát triển các hệ thống quản lý giao thông thông minh để đảm bảo hoạt động an toàn của các phương tiện tự trị.

Hơn nữa, mặc dù xe điện tự hào không có khí thải từ ống xả, nhưng tác động đến môi trường của chúng không hoàn toàn lành tính. Trên thực tế, việc sản xuất điện để cung cấp năng lượng cho các xe có thể tác động không tốt đến môi trường. Để sản xuất pin cho xe điện, nhu cầu khai thác và xử lý các khoáng chất thiết yếu như lithium, coban và niken cho các loại pin đòi hỏi phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch để khai thác và nung nóng các vật liệu này ở nhiệt độ cao. Chính vì vậy, quy trình sản xuất xe điện và pin nếu không được thực hiện với cam kết bền vững, sẽ còn góp phần làm suy thoái môi trường trầm trọng hơn. 

Tuy nhiên, nếu các quốc gia tại Đông Nam Á đồng thời ưu tiên đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng và thúc đẩy cam kết bền vững, tương lai của giao thông vận tải trong khu vực sẽ thực sự trở nên an toàn và thân thiện với môi trường.