20:51 03/01/2025

Hà Nội thúc đẩy phổ biến, giáo dục pháp luật qua sách nói, sách điện tử

Bảo Bình

Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố, Hà Nội đã xây dựng 05 cuốn sách nói và 01 sách điện tử chuyên về một số quy định pháp luật…

Các tài liệu sách nói, sách điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin pháp luật một cách dễ dàng, hiện đại và hiệu quả hơn.
Các tài liệu sách nói, sách điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin pháp luật một cách dễ dàng, hiện đại và hiệu quả hơn.

Thực hiện Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 01/3/2023 của UBND thành phố Hà Nội về Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022, Sở Tư pháp Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Bên cạnh đó, Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 21/12/2022 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cùng với Kế hoạch số 325/KH-UBND ngày 29/12/2023 về phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 cũng được đưa vào thực hiện đồng bộ.

Trong khuôn khổ các kế hoạch này, Sở Tư pháp – cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội – đã xây dựng 05 cuốn sách nói và 01 sách điện tử. Những tài liệu này nhằm nâng cao nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin pháp luật một cách dễ dàng, hiện đại và hiệu quả hơn.

Trong đó, năm cuốn sách nói có các nội dung về:

Sách Tìm hiểu một số quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Link: https://sachdientu.nxbhanoi.com.vn/thong-tin-tuyen-truyen/ha-noi/so-tu-phap/luat-thuc-hien-dan-chu-co-so/);

Sách Tìm hiểu một số quy định của Luật Căn cước (Link: https://sachdientu.nxbhanoi.com.vn/thong-tin-tuyen-truyen/ha-noi/so-tu-phap/luat-can-cuoc/);

Sách Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (Link: https://sachdientu.nxbhanoi.com.vn/thong-tin-tuyen-truyen/ha-noi/so-tu-phap/luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh/);

Sách Sổ tay pháp luật dành cho cư dân sống tại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội (Link: https://sachdientu.nxbhanoi.com.vn/thong-tin-tuyen-truyen/ha-noi/so-tu-phap/so-tay-pl-danh-cho-cu-dan-nha-chung-cu/);

Sách Sổ tay nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở (Link: https://sachdientu.nxbhanoi.com.vn/thong-tin-tuyen-truyen/ha-noi/so-tu-phap/so-tay-nghiep-vu-hoa-giai-o-co-so/).

Ngoài ra, một sách điện tử về Sổ tay pháp luật dành cho thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố Hà Nội (Link: https://sachdientu.nxbhanoi.com.vn/thong-tin-tuyen-truyen/ha-noi/so-tu-phap/so-tay-pl-danh-cho-thanh-thieu-nien/).

Được biết, nội dung 05 sách nói và 01 sách điện tử được đăng tải trên Trang Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Thành phố tại địa chỉ: https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/.

Trong thời đại công nghệ số, sách nói và sách điện tử ngày càng trở nên phổ biến, mở ra một cách tiếp cận mới mẻ và thuận tiện đối với việc tiếp cận tri thức và giải trí. Với ưu điểm vượt trội về tính linh hoạt, người dùng có thể đọc sách ở bất kỳ đâu và bất kỳ thời điểm nào thông qua các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, hoặc các thiết bị hỗ trợ đọc chuyên dụng.

Sách nói hiện đang thu hút lượng lớn người dùng nhờ khả năng tối ưu hóa thời gian. Thay vì cần ngồi đọc, người nghe có thể tận dụng thời gian rảnh như khi lái xe, tập thể dục, hoặc làm việc nhà để tiếp nhận nội dung, do đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Trong khi đó, sách điện tử (e-book) mang đến sự tiện lợi và thân thiện với môi trường. 

Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đặc biệt là về các văn bản pháp luật mới ban hành và những vấn đề xã hội đang được quan tâm, Sở Tư pháp đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã; cùng các cơ quan báo chí và đài phát thanh - truyền hình triển khai công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật đến các đối tượng nêu trên. 

Việc này cần được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng như cổng hoặc trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, màn hình LED, mô hình “Cầu thang pháp luật”, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và sự lan tỏa rộng rãi.