11:00 28/08/2023

Hàng nghìn giáo viên và học sinh Mỹ sắp thử nghiệm gia sư AI

Bảo Ngọc

Khả năng của trí tuệ nhân tạo đã được chứng minh và không thể bàn cãi. Thế nhưng, một số tác động của AI đối với gian lận thi cử hay sai kiến thức cơ bản đã khiến nhiều chuyên gia không khuyến khích áp dụng công cụ này trong trường học…

Hơn 8.000 giáo viên và học sinh sẽ được thử nghiệm gia sư AI đến từ tổ chức phi lợi nhuận Khan Academy trong năm học tới. Giáo viên, học sinh có thể trải nghiệm các tính năng và phản hồi cho Khan Academy nếu AI không đưa ra câu trả lời, theo CNN Business.

Chatbot mang tên Khanmigo, cung cấp hướng dẫn chi tiết cho học sinh về các lĩnh vực như toán học, khoa học và ngữ văn. Công cụ có thể tranh luận về một số chủ đề được đề xuất hay trở thành gia sư giúp học sinh viết tiểu luận, cùng nhiều tính năng khác.

Lần đầu tiên ra mắt vào tháng 3/2022, Khanmigo cho phép học sinh trò chuyện với các nhân vật lịch sử được hỗ trợ bởi AI, từ cố Tổng thống George Washington đến Nữ hoàng Cleopatra, nhà hoạt động Martin Luther King Jr hay các nhân vật văn học như Winnie the Pooh và Hamlet.

Giám đốc Học thuật Học viện Khan, bà Kristen DiCerbo chia sẻ rằng Khanmigo giúp giải quyết vấn đề mà bà đã tận mắt chứng kiến khi quan sát một lớp học ở Arizona. Khi học sinh tiếp cận kiến thức mới, chúng cần sự giúp đỡ nhiều hơn khả năng một giáo viên có thể làm với cả lớp học.

"Ở một thế giới rộng lớn ngoài kia, mọi người có thể nhận được các gợi ý cho bài tập về nhà và những bài luận được viết mang tính cá nhân", bà DiCerbo nói. "Chúng tôi đang cố gắng tập trung vào lợi ích xã hội, chúng tôi cần nhận thức được các mối đe dọa và rủi ro để tìm cách giảm thiểu chúng".

BỘ NÃO CỦA AI-EINSTEIN

Tổ chức đã chọn Albert Einstein (Anh-xtanh) từ danh sách các nhân vật lịch sử được AI hỗ trợ để trò chuyện. Nhân vật AI Anh-xtanh đã khẳng định rằng thành tựu lớn nhất trong đời chính là thuyết tương đối và  cách truyền cảm hứng tìm tòi học hỏi cho người khác.

Những nhà phát triển Khanmigo đã lập trình để nhân vật lịch sử không bình luận về các sự kiện sau cuộc đời của họ. Ví dụ, Anh-xtanh sẽ không bình luận về tính chính xác đối vời vai diễn của chính ông trong bộ phim "Oppenheimer" phát hành năm 2023, mặc dù được hỏi.

Mục đích của công cụ là thu hút sinh viên thông qua trò chuyện, mang lại trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với đọc thụ động về tiểu sử của một nhân vật nào đó trên Wikipedia. "Internet có thể là nơi khá đáng sợ, nhưng cũng có thể là nơi hữu ích. Tôi nghĩ rằng AI cũng vậy", bà DiCerbo chia sẻ. "Có thể đôi khi AI bị sử dụng sai mục đích, nhưng vẫn là một công cụ học tập hữu ích".

Sau khi có quyền truy cập vào GPT-4, Khan Academy đã đào tạo GPT-4 về nội dung học tập của tổ chức. Khan cũng triển khai biện pháp bảo vệ để giữ cho giọng điệu của Khanmigo mang tính khuyến khích và không trả lời những câu hỏi tiêu cực.

Đối với giáo viên, Khanmigo hỗ trợ tạo kế hoạch giảng dạy và phiếu đánh giá, xác định học sinh đang gặp khó khăn và cho phép giáo viên truy cập vào lịch sử trò chuyện của học sinh.

"Tôi cũng đang học những phương pháp mới để giải quyết vấn đề", ông Leo Lin, giáo viên khoa học tại Khan Lab School (California), đã thử nghiệm Khanmigo và nhận xét. Khan Lab School là một tổ chức phi lợi nhuận riêng biệt được thành lập bởi Giám đốc điều hành Khan Academy Sal Khan.

Theo cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu EdWeek hồi tháng 6, có 72% giáo viên K-12 (từ mẫu giáo đến lớp 12), hiệu trưởng và lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục trả lời rằng việc dạy học sinh cách sử dụng công cụ AI là "khá quan trọng". Trong số đó, 87% cho biết họ không được hướng dẫn ứng dụng AI vào công việc một cách bài bản.

Mặc dù Khanmigo vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, thế nhưng chatbot này hiện đang được sử dụng bởi hơn 10.000 người dùng trên khắp Hoa Kỳ. Tất cả người dùng đều đồng ý đóng góp ý kiến cho Khan Academy để thử nghiệm dịch vụ.

KHÔNG HOÀN HẢO, NHƯNG SẴN SÀNG CẢI THIỆN

Một "gia sư" AI như Khanmigo sẽ không tránh khỏi vấn đề mà tất cả các mô hình ngôn ngữ lớn phải đối mặt: đó là ảo giác.

Theo bà DiCerbo, Khanmigo được sử dụng phổ biến nhất để dạy kèm toán học. Khanmigo phát huy tốt nhất khả năng của mình khi hướng dẫn học sinh cách giải quyết vấn đề, đưa ra gợi ý, khuyến khích và đặt câu hỏi giúp học sinh rèn luyện tư duy phản biện. Nhưng hiện tại, ứng dụng đôi khi vẫn gặp khó khăn khi thực hiện phép tính.

Trong hoạt động "Gia sư Toán và Khoa học" dành cho học sinh, Khanmigo đã trả lời sai ba lần câu hỏi 10.332 chia 4. Ở một nhiệm vụ khác, Khanmigo viết: "Khi bạn nhân 5479,94173 với 0,557680043, kết quả là 33,0663". Thế nhưng câu trả lời đúng phải là 3.056.

Mặc dù chưa thử nghiệm Khanmigo, nhiều nhà phân tích cho rằng lỗi toán học này đã được dự đoán từ trước với mô hình ngôn ngữ lớn như GPT-4, rõ ràng chúng không được đào tạo để làm toán. Thay vào đó, mô hình được đào tạo trên vô số dữ liệu văn bản có sẵn.

Giám đốc DiCerbo cho biết thêm, Khanmigo vẫn mắc lỗi toán học: "Đây là lý do tại sao chúng tôi dán nhãn Khanmigo là sản phẩm thử nghiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện khả năng của chatbot này".

CÓ NÊN ỨNG DỤNG AI TRONG LỚP HỌC?

Giáo sư Rama Ramakrishnan đến từ MIT cho biết khái niệm ngăn chặn học sinh sử dụng AI là "thiển cận", đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của giáo viên là trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết khi sử dụng công nghệ mới.

Ông cũng đề xuất các nhà giáo dục cần sáng tạo trong việc thiết kế bài giảng. Ví dụ, giáo viên có thể triển khai ChatGPT vào các bài học bằng cách đặt câu hỏi cho ChatGPT và yêu cầu học sinh phản biện câu trả lời do AI tạo ra.