18:51 31/01/2023

Metaverse trong giáo dục: Nỗ lực đổi mới tiếp theo trong dạy và học

Ngô Huyền

Trong tương lai, môi trường nhập vai 3D sẽ thúc đẩy tương tác xã hội lành mạnh đồng thời giảm các rào cản trong việc dạy và học…

Metaverse trong giáo dục: Nỗ lực đổi mới tiếp theo trong dạy và học
Metaverse trong giáo dục: Nỗ lực đổi mới tiếp theo trong dạy và học

Ranh giới giữa thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số đang nhanh chóng đóng lại. Nhiều ý tưởng mà con người từng coi là khoa học viễn tưởng giờ đã trở thành hiện thực. Tương tự như vậy, giáo dục cũng có thể phát triển trong một thế giới kỹ thuật số nơi sẽ thúc đẩy tương tác xã hội lành mạnh đồng thời mang lại lợi ích cho cả giáo viên và học sinh.

Trong cuộc nói chuyện với Edsurge, Giám đốc của ViewSonic cho biết: “Mô hình học trực tuyến đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua nhất là trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của mô hình này trong thời điểm hiện tại là học sinh không thực sự tham gia tích cực. Dù các ứng dụng học trực tuyến cho phép nhiều người đóng góp cùng một lúc nhưng trên thực tế, miễn là ai đó đang nói, những người khác chỉ ngồi lắng nghe, điều đó có nghĩa là học sinh khó có thể tích cực tham gia”. 

Trong một trường hợp khác, giáo viên giảng bài và dù tất cả các học sinh đều tham gia lớp học đầy đủ nhưng các em lại cảm thấy họ không được lắng nghe, và không thực sự đang tiếp thu kiến thức. 

METAVERSE MANG LẠI NHỮNG CÔNG CỤ QUẢN LÝ CẦN THIẾT 

Trên thực tế, trong các lớp học trực tuyến, giáo viên rất khó có thể biết được liệu một học sinh có thực sự tham gia hay không. Tuy nhiên, trong UNIVERSE, một ứng dụng về metaverse trong giáo dục, hệ thống này đã xây dựng một phần mềm độc quyền có thể phân tích các chỉ số từ camera và truyền dữ liệu trở lại giáo viên nhằm giúp họ biết học sinh có tham gia hay không. Nếu một học sinh đang sử dụng điện thoại hay làm việc riêng trong khoảng thời gian dài hoặc đã mở một ứng dụng khác, phần mềm sẽ thông báo điều đó đến giáo viên.  

Trong metaverse, giáo viên có thể chia học sinh thành các nhóm thảo luận. Sau đó, họ có thể đi quanh lớp học ảo để tiếp cận học sinh và hỗ trợ nhóm đó. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể chia học sinh thành nhiều phòng để giám sát các học sinh có thực sự tham gia thảo luận hay không. Và nếu học sinh hoàn toàn im lặng, và không tương tác, giáo viên có thể can thiệp để lớp học trở nên hiệu quả hơn. 

MỘT MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP TOÀN DIỆN 

Học sinh được tham gia các tình huống mô phỏng giống thể giới thực   
Học sinh được tham gia các tình huống mô phỏng giống thể giới thực   

Trong metaverse, học sinh có thể thể hiện hình tượng của bản thân theo cách họ muốn thông qua việc xây dựng danh tính và hình đại diện. Khi học sinh hiện diện trên môi trường ảo theo cách khiến họ tự tin nhất, họ sẽ hứng thú tham gia các tiết học và đóng góp vào bài học nhiều hơn để thể hiện bản thân. 

Ngoài ra, việc không phải xuất hiện trực tiếp trước máy quay khi tham gia lớp học trực tuyến cũng giúp các em giảm bớt lo lắng và ngại ngùng khi phải phát biểu quan điểm và ý kiến của mình để đóng góp vào nội dung bài học.  

Điều thú vị trên không gian kỹ thuật số là âm thanh và vị trí của avatar trong một căn phòng ảo sẽ quyết định âm lượng mà họ nghe được từ người khác. Do đó, việc tương tác qua các avatar sẽ giúp học sinh thoải mái đặt câu hỏi, trao đổi vấn đề học tập với các bạn cùng lớp hoặc dễ dàng trò chuyện một cách tự nhiên để tạo ra các mối quan hệ xã hội giống như trong cuộc sống thực.

Thông qua các công cụ kỹ thuật số như AR/VR, metaverse sẽ cho phép giáo viên và học sinh tạo, chia sẻ và đánh giá nội dung để nâng cao hiệu quả học tập. Ví dụ, với những chuyên ngành đòi hỏi thực hành, sinh viên có thể tương tác và nhập vai, tham gia vào các tình huống mô phỏng trong đời thực chằng hạn như lái máy bay hay thực hiện mổ. Điều này sẽ lớp học trở nên thú vị hơn và học sinh cũng có cơ hội thực hành mà vẫn tiết kiệm chi phí. . 

METAVERSE THÚC ĐẨY CÔNG BẰNG VÀ HÒA NHẬP TRONG GIÁO DỤC 

Giáo dục đang thay đổi không ngừng, đặc biệt là sau COVID, khi nhu cầu về sự thuận tiện và linh hoạt của lịch học ngày càng tăng, nhiều sinh viên đã lựa chọn tham gia các lớp học trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc. 

Vì nhiều lý do khác nhiều, rất nhiều học sinh không thể tham dự hoặc không cảm thấy thoải mái khi đến trường trực tiếp, chẳng hạn như những học sinh có vấn đề về sức khỏe mãn tính, những sinh viên không đủ khả năng chi trả chi phí học tập trực tiếp,v.v.

Vì vậy, việc sử dụng các công cụ như MOOC (các khóa học trực tuyến mở đại trà) và các hình thức học tập trực tuyến đã giúp một số lượng lớn sinh viên có thể tiếp cận giáo dục đại học miễn phí hoặc chi phí thấp. Những đổi mới trong giáo dục đã góp phần tăng khả năng tiếp cận tri thức có chất lượng cho tất cả mọi người.

Một lợi thế khác của mô hình giáo dục metaverse là khả năng thu thập dữ liệu về thói quen học tập của học sinh, từ đó các công ty Edtech có thể tận dụng siêu dữ liệu đó để điều chỉnh tính năng và hỗ trợ học sinh học tập một cách tốt hơn.

Tuy nhiên, đối với các công ty Edtech, điều quan trọng là phải tạo ra ứng dụng dễ sử dụng nhất có thể để không gây cản trở cho giáo viên trong việc lãng phí thời gian giảng dạy để tối ưu nền tảng mới. Ngoài ra, học sinh cũng có thể dễ dàng thao tác và tận dụng được nhiều tính năng thiết thực để phục vụ cho việc học.  

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thách thức là cơ hội để hệ sinh thái giáo dục khám phá những cách thức chuyển đổi sáng tạo. Với tính năng nhập vai cùng nhiều công cụ giúp tăng trải nghiệm trong không gian ảo như thế giới thực, metaverse sẽ ngày càng hoàn thiện việc dạy và học để giáo dục là dành cho tất cả mọi người.