18:54 23/05/2024

Microsoft hé lộ tầm nhìn về PC AI trong Hội nghị Nhà phát triển Build

Bảo Ngọc

Hội nghị Nhà phát triển Build của Microsoft chính thức khai mạc và diễn ra trong 3 ngày từ 21/5 đến 23/5. Theo đó, công ty sẽ giới thiệu nhiều dự án trí tuệ nhân tạo đầy tiềm năng…

Hội nghị Nhà phát triển thường niên Microsoft Build hé lộ nhiều dự án AI mới.
Hội nghị Nhà phát triển thường niên Microsoft Build hé lộ nhiều dự án AI mới.

Gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ sở hữu lợi thế đặc biệt so với nhiều đối thủ trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo, chính là hệ điều hành Windows. Hệ điều hành gần 40 năm tuổi mang đến cho công ty lượng người dùng PC khổng lồ, theo CNBC.

Đầu năm nay, Giám đốc Điều hành Microsoft Satya Nadella khẳng định 2024 sẽ đánh dấu năm AI trở thành “nhân tố quan trọng hàng đầu cho mọi PC”.

Trước đó, hãng cung cấp trợ lý ảo Copilot trong công cụ tìm kiếm Bing và phần mềm văn phòng Office tính phí. Tuy nhiên, hiện tại, người dùng PC đang đứng trước cơ hội được trải nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo tích hợp trong Windows và khám phá nhiều điều mới mẻ trên PC AI.

Hội nghị Nhà phát triển Build diễn ra chỉ vài ngày sau Google I/O, khi gã khổng lồ tìm kiếm công bố mô hình AI mạnh mẽ nhất từ trước đến nay và trình diễn phương thức vận hành của AI Gemini trên máy tính và điện thoại. Trước sự kiện thường niên của Google, OpenAI đã công bố mẫu GPT-4o mới nhất. 

Về phía Microsoft, hãng đang đối mặt với hai thách thức lớn: duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực AI và thúc đẩy doanh số bán PC, ngành công nghiệp vốn rơi vào trạng thái ảm đạm trong hai năm qua sau chu kỳ đại dịch.

Nhà phân tích Erik Woodring đến từ Morgan Stanley khẳng định vẫn “lạc quan về sự phục hồi thị trường PC” và “một số bản sửa đổi nâng cao đối với máy tính xách tay”.

Gartner ước tính số lượng lô hàng PC sẽ tăng 0,9% trong quý này sau nhiều năm sụt giảm. Nhu cầu về PC “tăng hơn một chút so với dự kiến”, Giám đốc Tài chính Microsoft Amy Hood cho biết trong cuộc họp báo cáo thu nhập hàng quý vào tháng trước.

Bộ công cụ AI mới của Microsoft có thể trở thành một trong những lý do thu hút khách hàng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng quyết định nâng cấp máy tính cũ, cho dù thiết bị đó do HP, Dell hay Lenovo sản xuất.

“Mặc dù trợ lý Copilot không trực tiếp thúc đẩy doanh số bán hàng nhưng chúng tôi tin rằng bộ công cụ sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng Windows, mức độ gắn bó của khách hàng với những PC mạnh mẽ có giá thành cao, từ đó mang lại nhiều doanh thu hơn cho Microsoft trên mỗi thiết bị”, nhóm chuyên gia thuộc Bernstein viết trong ghi chú gửi nhà đầu tư vào ngày 26/4, một ngày sau khi Microsoft báo cáo thu nhập.

Trợ lý ảo Copilot đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn tương lai của Microsoft. 
Trợ lý ảo Copilot đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn tương lai của Microsoft. 

Microsoft không chỉ cung cấp phần mềm xử lý một số tác vụ AI trực tuyến mà còn cung cấp sức mạnh bởi chip AMD, Intel và Qualcomm cho toàn bộ nhu cầu AI ngoại tuyến. Ví dụ, bạn có thể sử dụng giọng nói để yêu cầu Copilot tóm tắt biên bản cuộc họp mà không cần kết nối internet.

TẦM NHÌN CỦA MICROSOFT DÀNH CHO PC AI 

Phần cứng bổ sung quan trọng dành cho PC AI được gọi là bộ xử lý thần kinh (NPU). NPU vượt xa khả năng của bộ xử lý trung tâm (CPU) truyền thống và được thiết kế nhằm xử lý một số tác vụ trí tuệ nhân tạo cụ thể. Trong lịch sử, NPU được nhiều ông lớn như Apple sử dụng để cải thiện chất lượng ảnh và video hoặc nhận diện giọng nói.

Microsoft vẫn chưa công bố PC AI sẽ được trang bị tính năng gì ngay cả khi không kết nối internet. 

Điểm qua thị trường, điện thoại Pixel 8 Pro của Google, mặc dù không sở hữu bộ xử lý đầy đủ nhưng vẫn có thể tóm tắt bản ghi âm, đề xuất phản hồi tin nhắn văn bản cùng nhiều tính năng khác thông qua Gemini Nano AI. Dòng máy tính trang bị chip Lunar Lake mới nhất của Intel với NPU chuyên dụng dự kiến ra mắt vào cuối năm 2024. Chip Snapdragon X Elite của Qualcomm hứa hẹn có mặt trên thị trường vào giữa năm nay, trong khi đó, AMD Ryzen Pro phiên bản mới nhất dự kiến ​​​​sẽ ra mắt trong quý này.

Intel cho biết chip mới cho phép thiết bị thực hiện nhiều tác vụ như “dịch ngôn ngữ theo thời gian thực, suy luận tự động hóa và nâng cao trải nghiệm chơi game”.

Apple đã sử dụng công nghệ NPU nhiều năm và gần đây còn tích hợp trong chip M4 mới dành cho iPad Pro. Chip M4 dự kiến ​​ra mắt trên dòng máy Mac tiếp theo trong năm nay.

WINDOWS TRÊN ARM

Qualcomm, không giống như Intel và AMD, cung cấp chip dựa trên cấu trúc ARM. ARM là viết tắt của cụm từ Advanced RISC Machine hay Acorn RISC Machine. Đây là kiểu kiến trúc bộ xử lý dựa trên RISC (Reduced Instruction Set Computer - máy tính có tập lệnh đơn giản hóa) do Arm Holdings phát triển. Kiến ​​trúc RISC thường tiêu thụ ít tài nguyên bán dẫn hơn so với kiến ​​trúc CISC. Do đó, chip ARM có thể loại bỏ các lệnh không cần thiết, thực hiện nhiều lệnh trong mỗi chu kỳ xung nhằm giảm tiêu thụ điện năng, diện tích và cung cấp hiệu suất cao cho thiết bị di động.

Một trong những phiên thảo luận tại Hội nghị Microsoft Build sẽ bàn về “Thế hệ tiếp theo của Windows dựa trên ARM”, đề cập đến cách Windows chạy trên chip Qualcomm sẽ khác biệt như thế nào với phiên bản Windows chạy trên chip Intel và AMD.

Intel hiện vẫn kiểm soát 78% thị trường chip PC, tiếp theo là AMD với 13%, theo dữ liệu gần đây từ Canalys.

Trước đây, Qualcomm từng quảng bá máy tính chạy Snapdragon ARM khi nhấn mạnh thời lượng pin dài hơn, thiết kế mỏng hơn và một vài lợi ích khác như kết nối di động. Nhưng hầu hết phiên bản chip trước đây của Qualcomm đều không đáp ứng được hết nhu cầu người tiêu dùng. Ví dụ, vào năm 2018, chip Snapdragon 835 không thể khởi chạy đa số ứng dụng Windows. 

Microsoft kể từ đó đã cải tiến Windows để xử lý các ứng dụng truyền thống trên cấu trúc ARM. Công ty thậm chí còn tạo trang “Câu hỏi thường gặp” dành riêng cho các máy tính chạy trên phần cứng ARM. 

AI HIỆN DIỆN KHẮP MỌI NƠI

Tương lai AI khắp mọi nơi có thể đang tới rất gần. 
Tương lai AI khắp mọi nơi có thể đang tới rất gần. 

Microsoft cũng dự kiến tổ chức phiên thảo luận “AI ở mọi nơi” đề cập đến chiến lược “tăng tốc các mô hình AI tổng hợp” trên thiết bị đám mây. 

Chủ đề “Azure AI Studio” sẽ xem xét cách các nhà phát triển có thể tạo ra phiên bản chatbot Copilot của riêng mình, gần tương tự như những gì Google và OpenAI đang làm với Gemini và ChatGPT.