Microsoft và Apple từ bỏ vị trí trong Hội đồng quản trị OpenAI
Trước sức ép từ các cơ quan quản lý chống độc quyền, hai gã khổng lồ công nghệ Microsoft và Apple buộc phải rút khỏi ban quản trị OpenAI…
Microsoft đã từ bỏ vị trí giám sát viên trong hội đồng quản trị OpenAI, trong khi Apple cũng đang lên kế hoạch tương tự, theo Business Insider.
Sự việc bắt đầu trở nên căng thẳng vào năm ngoái, khi cuộc xung đột quyền lực nội bộ OpenAI đã xảy ra nhằm chống lại CEO Sam Altman. Microsoft, trong nỗ lực ổn định tình hình, đã hỗ trợ CEO Altman và thậm chí thuê ông làm việc một thời gian ngắn. Sau đó, Microsoft chính thức nắm giữ vị trí giám sát viên không có quyền biểu quyết trong hội đồng quản trị OpenAI.
Tuy nhiên, mới đây, công ty tuyên bố không cần “giữ ghế” sau khi chứng kiến những "bước tiến đáng kể" trong tám tháng qua, theo bức thư Microsoft gửi cho OpenAI. Trong thư nêu rõ: "Tám tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tiến bộ đáng kể của hội đồng quản trị mới thành lập và tin tưởng vào định hướng công ty. Chúng tôi tin rằng vai trò hạn chế của mình với tư cách là người giám sát là không cần thiết nữa".
Việc Microsoft từ bỏ vị trí quan sát viên trong hội đồng quản trị OpenAI được xem là một động thái chiến lược nhằm giảm bớt áp lực pháp lý và đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng.
Ông Alex Haffner, luật sư tại công ty luật Fladgate, nhận định: "Thật khó để kết luận rằng quyết định của Microsoft bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cạnh tranh/giám sát chống độc quyền đang diễn ra đối với sức ảnh hưởng của công ty (và một số công ty công nghệ lớn khác) lên các công ty trí tuệ nhân tạo mới nổi như OpenAI".
Vị luật sư nói thêm: "Rõ ràng giới quản lý đang tập trung nhiều vào mạng lưới mối quan hệ phức tạp mà Big Tech tạo dựng với nhà cung cấp AI, do đó Microsoft hay những công ty khác cần cân nhắc kỹ lưỡng điều khoản trong thỏa thuận tương lai".
Năm 2019, Microsoft đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào OpenAI. Kể từ đó đến nay, công ty đã rót thêm nhiều tiền vào công ty AI này, ước tính khoảng 13 tỷ USD. Đổi lại, công ty nhận gần một nửa lợi nhuận từ OpenAI. Còn OpenAI dựa trên dịch vụ đám mây của Microsoft, cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết để đào tạo và vận hành mô hình ngôn ngữ lớn.
Thỏa thuận giữa Microsoft và OpenAI là một phần của cuộc điều tra chống độc quyền lớn, liên quan đến nhiều gã khổng lồ công nghệ khác như Meta, Google và TikTok.
CÁCH TIẾP CẬN MỚI
Sự hợp tác này giúp Microsoft giành lợi thế trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo, bởi mô hình của OpenAI cung cấp năng lượng cho một số sản phẩm AI của hãng, chẳng hạn như chatbot Copilot.
Đại diện OpenAI cho biết Giám đốc Tài chính mới, bà Sarah Friar, đang thay đổi cách tiếp cận để hợp tác với một số gã khổng lồ Microsoft hay Apple và các nhà đầu tư như Thrive Capital và Khosla Ventures.
Đại diện công ty chia sẻ: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc họp thường kỳ và đảm bảo việc hợp tác diễn ra chặt chẽ, an toàn và bảo mật hơn".
Apple sẽ nối gót Microsoft, lên kế hoạch từ bỏ vị trí giám sát viên tương tự tại hội đồng quản trị. Trước đó, Bloomberg đưa tin Apple đã chắc suất cho vị trí này.
GIÁM SÁT CHỐNG ĐỘC QUYỀN
Áp lực xuất hiện sau khi Apple tuyên bố tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC 2024) rằng công ty đang hợp tác với OpenAI, tích hợp ChatGPT vào một số sản phẩm, bao gồm cả iPhone, như một phần trong nỗ lực mở rộng hệ sinh thái AI.
Việc rút lui của hai ông lớn nhấn mạnh những biện pháp kiểm soát chống độc quyền gia tăng đối với sự thống trị của Big Tech trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Cơ quan quản lý tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đều bày tỏ lo ngại về việc kiểm soát thị trường thông qua mối quan hệ đối tác chiến lược.
Microsoft và OpenAI đang chịu sự giám sát chặt chẽ theo quy định từ Ủy ban Thương mại Liên bang và Cơ quan Cạnh tranh & Thị trường của Vương quốc Anh. Ngoài ra, một số cơ quan quản lý châu Âu cũng đánh giá lại mối quan hệ đối tác này.
Vẫn chưa rõ liệu động thái của Microsoft và Apple có thể xoa dịu những lo lắng của cơ quan quản lý hay không. Cả hai đều từ chối trả lời yêu cầu bình luận.