16:49 08/08/2024

Mối quan hệ giữa Apple và Google đứng trước nguy cơ rạn nứt sau phán quyết chống độc quyền

Bảo Ngọc

Trong nhiều năm, Apple đã tin tưởng chọn lựa Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên hầu hết thiết bị. Nhưng giờ đây, công ty đang tìm cách tận dụng AI như một giải pháp thay thế khả thi cho hoạt động tìm kiếm truyền thống...

Apple công bố bộ công cụ AI Apple Intelligence trong WWDC 2024 diễn ra vào tháng 6 vừa qua.
Apple công bố bộ công cụ AI Apple Intelligence trong WWDC 2024 diễn ra vào tháng 6 vừa qua.

Theo Business Insider, dường như thất bại trong vụ kiện tụng kéo dài hơn 4 năm về cáo buộc chống độc quyền của Google đã gây ảnh hưởng đáng kể tới nhiều bên liên quan, trong đó có đối tác lớn Apple. 

Đầu tuần này, Thẩm phán Toà án liên bang Washington D.C đã giáng một đòn mạnh vào Google khi đưa ra phán quyết rằng khoản thanh toán hàng năm trị giá lên tới hàng tỷ USD nhằm đặt công cụ tìm kiếm của hãng làm mặc định trên các thiết bị của bên thứ ba, nổi bật nhất phải kể tới hàng loạt điện thoại, máy tính bảng và laptop cá nhân đến từ nhà sản xuất Apple, đã vi phạm luật chống độc quyền.

Rõ ràng, đây là tin tức không mấy vui vẻ đối với Google. Phóng viên công nghệ Hugh Langley dự đoán Google có thể “bay màu” khoảng 30 tỷ USD doanh thu mảng tìm kiếm nếu không còn nắm giữ đặc quyền là cổng thông tin tìm kiếm hàng đầu trên đa số thiết bị Apple.

Về lý thuyết, phán quyết trên cũng ảnh hưởng tới Apple theo cách khá tiêu cực. 

Thứ nhất, thỏa thuận của Apple với Google, lần đầu tiên được ký kết vào đầu những năm 2000, đã được minh chứng là mang lại lợi nhuận hiệu quả. Hồ sơ tòa án được tiết lộ cho thấy thỏa thuận hợp tác giữa hai gã khổng lồ công nghệ tạo ra khoảng 20 tỷ USD cho Apple trong năm 2022. Vì vậy, việc có khả năng mất đi một phần lợi nhuận trong số đó đã trở thành thách thức lớn đối với nhà sản xuất iPhone. 

Apple cũng cần nhanh chóng cung cấp cho người dùng các lựa chọn thay thế cho một sản phẩm đã gắn liền với hoạt động tìm kiếm trong suốt 25 năm. Bối cảnh đưa công ty vào thế khó, vì đa số khách hàng đều đã quen sử dụng dịch vụ từ đối tác Google và không muốn thay đổi. 

Tuy nhiên, trên thực tế, Apple có thể không cần lo lắng quá nhiều về sự phụ thuộc vào Google trong hoạt động tìm kiếm trên thiết bị. Công ty dường như đã xác định được hướng đi mới, chính là trí tuệ nhân tạo (AI).

TÁI CẤU TRÚC HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM THÔNG QUÁ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Trong buổi ra mắt bộ công cụ Apple Intelligence tại Hội nghị Nhà phát triển Toàn cầu (WWDC 2024) vào tháng 6 vừa qua, CEO Apple Tim Cook liên tục nhấn mạnh về viễn cảnh tương lai khi AI có thể giải quyết nhiều vấn đề mà người dùng thường tìm kiếm.

Theo Apple, các giải pháp generative AI của hãng được xây dựng nhằm hoạt động như "hệ thống trí tuệ cá nhân" cho người dùng iPhone, iPad và MacBook bằng cách kết hợp "sức mạnh của các mô hình tạo sinh với bối cảnh cá nhân, từ đó cung cấp trí tuệ vô cùng hữu ích và phù hợp".

Nói cách khác, Apple hy vọng AI có thể trả lời truy vấn một cách thông minh và hỗ trợ nhu cầu người dùng, đồng thời hiểu được những ưu tiên quan trọng nhất đối với chủ sở hữu thiết bị.

Một phần của dự án Apple Intelligence bao gồm cải tiến trợ lý ảo Siri. Theo đó, người dùng có thể tuỳ chọn nâng cấp Siri bằng cách đồng ý kết nối với ChatGPT, công nghệ trí tuệ nhân tạo hàng đầu đến từ startup OpenAI.

Mặc dù Siri luôn bị coi là “điểm yếu” của Apple trong nhiều năm, công ty vẫn hy vọng "khả năng hiểu ngôn ngữ phong phú hơn", mang lại "phản hồi tự nhiên, phù hợp với ngữ cảnh và mang tính cá nhân hơn" sẽ giúp Siri phục vụ chức năng tìm kiếm hữu ích.

Apple không phải là cái tên duy nhất đang nhen nhóm ý tưởng này. Trên khắp Thung lũng Silicon, phần lớn nhà sản xuất AI đều đang bận rộn xây dựng một tương lai, nơi các chatbot sẽ đóng vai trò là "tác nhân" đáp ứng nhu cầu người dùng. Khả năng giải quyết truy vấn tìm kiếm chính là điểm mấu chốt trong dự án.

Đó là lý do tại sao khi ChatGPT xuất hiện, Google được cho là đã ban hành "cảnh báo mã đỏ". Việc hãng có thể mất đi lưu lượng truy cập khổng lồ vào tay chatbot AI với khả năng trả lời cho mọi yêu cầu mà người dùng thường tìm kiếm trên Google rõ ràng là mối lo ngại lớn.

Mặt khác, vẫn chưa rõ mối quan hệ giữa Apple và Google trong tương lai sẽ diễn biến ra sao. Phán quyết được Tòa án liên bang đưa ra vào ngày 5/8 không bao gồm bất kỳ biện pháp khắc phục nào.

Apple và Google duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong suốt gần 30 năm. 
Apple và Google duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong suốt gần 30 năm. 

Nhiều chuyên gia nhận định Apple khó có thể tìm được một thỏa thuận “béo bở” như thỏa thuận với Google về hoạt động tìm kiếm trong thời gian tới. Công ty cũng không công bố điều khoản chi tiết trong hợp đồng ký kết với OpenAI. 

Tuy nhiên, việc Apple quyết tâm đặt cược vào công nghệ trí tuệ nhân tạo mang đến cho hãng cơ hội giới thiệu tới người tiêu dùng một phương pháp tìm kiếm thay thế trên internet. Công ty có quyền kỳ vọng công cụ sẽ phát huy tác dụng hiệu quả tương tự như Google.