Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào startup giảm mạnh 50%, bất chấp thương vụ 10 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI
Nếu không có giao dịch của Microsoft với OpenAI, quý đầu tiên của năm 2023 sẽ là quý tồi tệ nhất đối với hoạt động đầu tư mạo hiểm trong hơn 5 năm…
Theo Financial Times, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu đã giảm hơn 50% trong 12 tháng qua, do suy thoái kinh tế đè nặng lên việc định giá các nhóm công nghệ non trẻ.
DÙ CÓ HAI THƯƠNG VỤ “KHỦNG” 10 TỶ USD VÀ 6,5 TỶ USD, TỔNG VỐN ĐẦU TƯ MẠO HIỂM VÀO CÁC STARTUP VẪN GIẢM MẠNH
Trên toàn cầu, các quỹ mạo hiểm đã đầu tư 76 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trong ba tháng đầu năm 2023, chưa bằng một nửa so với 162 tỷ USD mà họ đã triển khai trong cùng kỳ năm trước, theo nhà cung cấp dữ liệu Crunchbase.
Bất chấp hai vòng gây quỹ lớn đã thành công cho các công ty công nghệ diễn ra trong năm nay, tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào hệ sinh thái startup vẫn sụt giảm. Hai vòng gây quỹ lớn gây vang động vừa qua chính là thương vụ hồi tháng 1/2023, Microsoft đã đầu tư 10 tỷ USD vào công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI và tháng trước, công ty thanh toán Stripe đã huy động được 6,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư.
Nếu không có giao dịch của Microsoft với OpenAI, quý đầu tiên của năm 2023 sẽ là quý tồi tệ nhất đối với hoạt động đầu tư mạo hiểm trong hơn 5 năm.
Gené Teare, biên tập viên dữ liệu cấp cao của Crunchbase, cho biết sự sụp đổ của ngân hàng cho vay tập trung vào các công ty khởi nghiệp vào tháng trước sẽ tiếp tục gây bất ổn cho hệ sinh thái tài trợ của các công ty công nghệ non trẻ.
Khi điều kiện kinh tế xấu đi sẽ tiếp tục làm giảm tâm lý muốn đầu tư rủi ro của các nhà đầu tư, hàng ngàn công ty non trẻ có nhu cầu cấp thiết về vốn buộc phải đối mặt với sự sụp đổ về định giá, đồng ý với các thỏa thuận nợ trừng phạt hoặc đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán.
Sam Yagan, người sáng lập trang web hẹn hò OKCupid và hiện là nhà đầu tư vào các công ty giai đoạn đầu cho biết: “Ngay cả trước khi SVB sụp đổ, đây là môi trường kinh doanh tồi tệ nhất mà mọi người từng thấy. Hầu hết các doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm chưa bao giờ trải qua thời kỳ thị trường đi xuống. Chúng tôi đã nói với mọi người rằng bạn không thể cho rằng sẽ có nhiều vốn hơn đang chờ bạn. Bây giờ có những công ty thực sự tốt nhưng vẫn không thể huy động được vốn”.
LÀN SÓNG PHÁ SẢN CỦA CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP SẼ DIỄN RA VÀO CUỐI NĂM NAY?
Trong 5 năm tính đến cuối năm 2021, khối lượng đầu tư tăng gần gấp bốn lần khi các quỹ đầu tư mạo hiểm triển khai thêm vốn thay mặt cho các nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí và quỹ tài trợ của trường đại học, cũng như những người mới tham gia bao gồm quỹ phòng hộ Tiger Global đang tìm cách thúc đẩy làn sóng tăng giá trị công nghệ.
Kể từ đó, định giá thị trường tư nhân tại nhiều công ty khởi nghiệp từng là con cưng của các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon đã bị vùi dập. Stripe, được định giá 95 tỷ USD vào năm 2021, hiện có giá trị gần bằng một nửa so với mức đã gây quỹ vào tháng trước với mức định giá 50 tỷ USD.
Xu hướng này đã buộc một số VC phải giảm giá trị của các công ty được nắm giữ trong quỹ của họ. Tiger đã xóa sạch một phần ba, tương đương 23 tỷ USD, giá trị của các cổ phần khởi nghiệp bao gồm Stripe và ByteDance, công ty mẹ của TikTok vào đầu năm nay.
Theo Crunchbase, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã có một khoản “lương khô” kỷ lục 580 tỷ USD - chính là số tiền họ huy động được nhưng chưa đầu tư - vào cuối quý đầu tiên. Một thị trường đóng băng phần lớn đối với các đợt phát hành lần đầu ra công chúng cũng đã cắt đứt nguồn tài trợ chính cho các công ty ở giai đoạn cuối.
Điều này khiến nhiều công ty mới thành lập đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc huy động vốn với mức định giá thấp hơn, vay nợ hoặc cắt giảm chi phí và cố gắng khập khiễng cho đến khi môi trường tài trợ được cải thiện.
Các nhà đầu tư dự đoán một làn sóng phá sản của các công ty vào cuối năm nay, khi một số công ty mới thành lập cạn kiệt tiền mặt. Người sáng lập một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn ở Thung lũng Silicon cho biết: “Mọi thứ rất, rất khó khăn”.