08:44 10/01/2024

Nhiều quốc gia sử dụng Robot nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát

Bảo Ngọc

Nhiều cơ quan thực thi pháp luật trên khắp thế giới đang xem xét sử dụng robot phục vụ một số nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại rằng robot có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích…

Robot có phải tương lai của ngành cảnh sát không? Ảnh được tạo bởi AI.
Robot có phải tương lai của ngành cảnh sát không? Ảnh được tạo bởi AI.

Trong bộ phim khoa học viễn tưởng “Cảnh sát người máy” năm 2014, RoboCop được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt, quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu công cộng, phản xạ nâng cao, tăng tốc độ và sức mạnh.

Trong khi RoboCop chỉ là nhân vật hư cấu thì ngày nay, một số cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới đã bắt đầu áp dụng máy móc để hỗ trợ lực lượng này. Chủ yếu những cỗ máy này là cobot (robot cộng tác) nhỏ gọn, được triển khai tại điểm công cộng nhằm giám sát và đảm bảo an toàn cho người dân, theo Tech Wire Asia.

LỊCH SỬ ROBOT TRONG NGÀNH CẢNH SÁT

Năm 2017, OTSAW đã ra mắt mẫu ô tô tự lái kiêm robot an ninh thực hiện tuần tra và giám sát trên đường phố. Robot được tích hợp trong xe trang bị sẵn máy bay không người lái có thể phóng đi bất kỳ lúc nào phục vụ mục đích giám sát.

Nhiều quốc gia sử dụng Robot nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát  - Ảnh 1

Nhưng đó là vào năm 2017, khi Generative AI và 5G vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. So với công nghệ hiện nay, “robot cảnh sát” có thể làm được nhiều việc hơn là chỉ tuần tra.

Ví dụ, tại Hoa Kỳ, chó robot đang được Sở Cảnh sát Thành phố New York (NYPD) và Sở Cảnh sát Thành phố Los Angeles (LAPD) áp dụng. Nguồn tin cho biết NYPD đã sử dụng lại những chú chó robot sau một thời gian ngừng hoạt động do lo ngại về quyền riêng tư. Spot, chú chó robot mới đến từ Boston Dynamics, có giá khoảng 75.000 USD và sẽ được triển khai trong trường hợp cụ thể có mức độ nguy hiểm cao đối với con người.

Ngoài chó robot, NYPD còn thử nghiệm Knightscope K5. Robot có kích thước bằng người thật được trang bị camera, cảm biến và loa có nhiệm vụ tuần tra và giám sát khu vực, ngăn chặn các vụ đột nhập và phá hoại.

Nhiều quốc gia sử dụng Robot nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát  - Ảnh 2

K5 cũng đã được triển khai thử nghiệm ở một số địa điểm như Thung lũng Silicon (California). Tuy nhiên, tại đây, robot thường xuyên phải đối mặt với tình trạng nghi ngờ, chế giễu và bạo lực khi say rượu. 

Ở Los Angeles, cảnh sát đã kết hợp công nghệ chó robot để bắt giữ tội phạm sau ba giờ bế tắc khi một người đàn ông có ý định bỏ trốn.

ROBOT HỖ TRỢ KIỂM SOÁT AN NINH Ở SINGAPORE

Lực lượng Cảnh sát Singapore đang thử nghiệm hai robot an ninh tại Sân bay Changi. Với chiều cao có thể lên tới hơn 2m, hai robot này nhấn mạnh sự hiện diện bổ sung của lực lượng cảnh sát và đóng vai trò như giám sát viên mặt đất tại một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới.

Nhiều quốc gia sử dụng Robot nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát  - Ảnh 3

Theo báo cáo của  CNN, robot có thể nhận biết mối đe dọa và cảnh báo hành khách bằng cách sử dụng đèn nháy, còi báo động hay loa phát thanh trong khi chờ cảnh sát đến ứng phó. Hành khách cần hỗ trợ có thể liên lạc trực tiếp với lực lượng bằng cách nhấn nút trên mặt trước của robot.

Mỗi robot đều có loa tích hợp để phát thông báo âm thanh và màn hình LCD phía sau hiển thị thông báo bằng hình ảnh. Robot cũng được trang bị nhiều camera, mang lại tầm nhìn 360 độ, giúp đội ngũ cảnh sát sân bay có được “tầm nhìn không cản trở” để “quản lý sự cố tốt hơn”.

Singapore là quốc gia duy nhất Đông Nam Á sử dụng robot trong lực lượng bảo an. Tương tự, Cảnh sát Malaysia hiện đang nghiên cứu sử dụng robot nhưng vẫn chưa công bố bất kỳ kế hoạch sớm thử nghiệm nào tại thành phố.

Hầu hết các robot chỉ được sử dụng cho mục đích giám sát và tuần tra. Hình ảnh được tạo bởi AI.
Hầu hết các robot chỉ được sử dụng cho mục đích giám sát và tuần tra. Hình ảnh được tạo bởi AI.

“ROBOT CẢNH SÁT” LIỆU CÓ ĐÁNG TIN?

Do nhu cầu sử dụng robot trong lực lượng cảnh sát ngày càng tăng, một số lo ngại đã được phía chuyên gia đặt ra. Thứ nhất, nhiều người lo ngại về quyền riêng tư với những robot được trang bị trên đường phố. Vì robot thường được lắp camera có khả năng thu được tầm nhìn tốt hơn nhiều so với con người, nên người ta lo ngại rằng có thể xảy ra một số hành vi lạm dụng máy móc.

Quyền riêng tư cũng là một trong những lý do khiến NYPD ban đầu ngừng sử dụng chó robot trong các cuộc tuần tra. Bất chấp những lo ngại này, vẫn chưa có bất kỳ sự cố nào trong đó máy bị trục trặc hoặc xâm phạm quyền riêng tư của người dân.

Một mối quan tâm khác là an toàn của chính robot. Vì máy móc có thể bị hack nên một số nhà phân tích cảnh báo rằng tội phạm mạng có thể xâm nhập và sử dụng dữ liệu robot để gây ra nhiều vấn đề hơn cho xã hội. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận sự cố nào tương tự, nhưng robot cũng được nhà sản xuất chú trọng chế tạo nhiều biện pháp an ninh mạng đầy đủ, đảm bảo không dễ dàng xâm phạm.

Nhiều quốc gia sử dụng Robot nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát  - Ảnh 4

Một cái tên rất được mong chờ xuất hiện trong ngành là robot Optimus đến từ Tesla. Mặc dù nhiều người hào hứng với sự ra mắt của robot hình người này nhưng vẫn có một cuộc tranh luận sôi nổi về việc sử dụng thiết bị trong ngành cảnh sát. Một bộ phận người ủng hộ thì ca ngợi khả năng cải thiện hiệu quả và an toàn trong tình huống đặc biệt nguy hiểm của robot, một số nhà phê bình khác nêu lên mối quan tâm nghiêm trọng về ý nghĩa đạo đức của việc triển khai công nghệ mạnh mẽ như vậy dưới sự kiểm soát của lực lượng cảnh sát vốn đang phải đối mặt với vấn đề về lòng tin, vi phạm dân quyền và vũ lực quá mức.

Điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các robot chỉ được sử dụng để giám sát và tuần tra. Robot không mang theo vũ khí hoặc sở hữu bất kỳ loại vũ khí nào gắn liền. Nói một cách đơn giản, ít có khả năng robot sẽ trở nên “bất hảo” và thực hiện tấn công bằng vũ khí. Nhưng tất nhiên, một kịch bản hoàn toàn khác có thể xảy ra nếu con người bắt đầu trang bị vũ khí cho những “robot cảnh sát” này.