16:55 27/04/2024

Nvidia mua lại startup điều phối phần mềm GPU Run:ai, đánh dấu thương vụ M&A đầu tiên của hãng kể từ năm 2020

Bảo Ngọc

Tuần này, đại gia chip Nvidia vừa công bố thỏa thuận mua lại công ty khởi nghiệp AI Run:ai, động thái gợi ý về kế hoạch lớn của hãng dành cho công nghệ bùng nổ nhất hiện tại...

Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Nvidia Jensen Huang trong Hội nghị Công nghệ GPU Nvidia (GTC) tại San Jose, California vào ngày 19/3/2024.
Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Nvidia Jensen Huang trong Hội nghị Công nghệ GPU Nvidia (GTC) tại San Jose, California vào ngày 19/3/2024.

Thỏa thuận mua lại với Run:ai là thương vụ đầu tiên mà Nvidia thực hiện sau 4 năm, nêu bật ưu tiên của công ty trong giai đoạn tiếp theo, theo Yahoo Tech.

Dưới đây là cái nhìn của chuyên gia về quyết định bất ngờ của Nvidia và tác động của thương vụ tới người dùng cá nhân cũng như doanh nghiệp, thậm chí cả thị trường công nghệ toàn cầu.

NVIDIA MUA LẠI STARTUP RUN:AI VỚI GIÁ 700 TRIỆU USD

Vào tuần này, Nvidia công bố đã đồng ý mua lại công ty khởi nghiệp Run:ai đến từ Israel trong thỏa thuận trị giá ước tính khoảng 700 triệu USD.

Trước mắt, Nvidia sẽ tiếp tục bán sản phẩm của Run:ai và giữ nguyên mô hình kinh doanh hiện tại. Về lâu dài, công ty có kế hoạch đầu tư vào nhiều sản phẩm thuộc Run:ai dưới sự bảo trợ của nền tảng Nvidia DGX Cloud AI.

Thương vụ chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hiện đang sử dụng công nghệ Nvidia DGX Cloud hoặc Run:ai để đào tạo, tối ưu hóa cũng như vận hành các ứng dụng AI. Mặt khác, thỏa thuận cũng mang lại lợi ích cho người dùng cuối khi hiệu suất AI dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn được cải thiện đáng kể.

Nhiều chuyên gia trong ngành đặt ra câu hỏi liệu Nvidia có thể mở rộng tới mức nào trước khi hàng loạt quy định trở thành rào cản lớn cho các thương vụ mua lại trong tương lai. Về mặt vốn hóa thị trường, đại gia bán dẫn đang nắm vị trí top 3 công ty công nghệ hàng đầu thế giới, theo NASDAQ ước tính vốn hóa thị trường khoảng 1,9 nghìn tỷ USD.

Nvidia được nhận định là công ty hưởng lợi nhiều nhất từ bối cảnh bùng nổ AI nhờ sự thống trị trong thị trường GPU. Trên thực tế, nhiều nhà phân tích e ngại liệu Nvidia có đang cố gắng độc quyền chip AI hay không. Việc mua lại một công ty AI vào thời điểm này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý từ cơ quan quản lý chống độc quyền.

RUN:AI VÔ CÙNG PHÙ HỢP VỚI NỀN TẢNG DGX CLOUD

Nếu bạn thắc mắc tại sao gã khổng lồ công nghệ như Nvidia lại quan tâm đến một startup non trẻ như Run:ai thì câu trả lời chính là Nvidia DGX Cloud. Trong 18 tháng qua, AI đã nhanh chóng trở thành ưu tiên hàng đầu của Nvidia mặc dù GPU là sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng.

Trụ sở Nvidia. 
Trụ sở Nvidia. 

Nvidia DGX Cloud được thiết kế để trở thành “điểm chạm” duy nhất trong chu trình đào tạo và vận hành AI tổng quát. Hãng mô tả công nghệ là "quyền truy cập tức thì vào siêu máy tính AI từ trình duyệt".

Hiểu đơn giản, người dùng có thể sử dụng Nvidia DGX Cloud để đào tạo mô hình AI tổng quát trên máy tính xách tay mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào phần cứng thiết bị.

Thay vào đó, DGX Cloud cung cấp quyền truy cập từ xa vào tài nguyên máy tính, điển hình như một số GPU, thông qua đám mây. Công cụ rất hữu ích cho doanh nghiệp muốn nhanh chóng xây dựng ứng dụng và dịch vụ AI mới.

Bằng cách đưa các sản phẩm và chuyên môn của Run:ai vào hệ thống, Nvidia có thể mở rộng hơn nữa dịch vụ AI của hãng. Đáng chú ý, Run:ai chuyên tối ưu hóa và quản lý tài nguyên máy tính AI phân tán. Thay vì tự mình xây dựng công nghệ mới, Nvidia giờ đây có thể tận dụng thành tựu hiện có của Run:ai.

Mặc dù kết quả cần thời gian kiểm chứng, nhưng quyết định mua lại có tiềm năng rất lớn cải thiện hiệu suất cho khách hàng doanh nghiệp đang sử dụng DGX Cloud và nói rộng ra là vô số người dùng cá nhân đang trải nghiệm ứng dụng và dịch vụ AI do doanh những nghiệp đó xây dựng.

THƯƠNG VỤ M&A ĐẦU TIÊN CỦA NVIDIA KỂ TỪ NĂM 2020

Run:ai là thương vụ M&A đầu tiên do Nvidia thực hiện kể từ năm 2020. 
Run:ai là thương vụ M&A đầu tiên do Nvidia thực hiện kể từ năm 2020. 

Một yếu tố khiến thương vụ mua lại Run:ai trở nên thú vị: đây là thương vụ đầu tiên mà Nvidia “xuống tiền” kể từ sau khi mua lại Mellanox Technologies vào năm 2020. Thoả thuận với Mellanox Technologies tại thời điểm đó có giá trị lớn hơn rất nhiều, tương đương 7 tỷ USD. Mellanox Technologies cũng là startup đến từ Israel, nhưng công ty chuyên về công nghệ mạng hơn là AI.

Bốn năm qua đi, thị trường thay đổi chóng mặt và trí tuệ nhân tạo lên ngôi, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Nvidia dường như đã chuyển trọng tâm phát triển. Công ty đầu tư vô số nguồn lực vào nền tảng DGX Cloud AI kể từ khi ra mắt cách đây hơn một năm, vào tháng 3/2023.

Trong 18 tháng, cổ phiếu Nvidia tăng từ 120 USD/cổ phiếu vào tháng 10/2022 lên 800 USD/cổ phiếu theo ghi nhận đầu tuần này.

Thỏa thuận rõ ràng là bước đi mới trong chiến lược AI mở rộng của đại gia bán dẫn. Sẽ rất thú vị khi theo dõi xem liệu Nvidia có tiếp tục theo đuổi các thỏa thuận M&A với nhiều công ty khởi nghiệp AI tương tự trong nỗ lực cạnh tranh thống trị thị trường hay không.

GIÁ TRỊ MUA LẠI NHỎ, TÁC ĐỘNG LỚN

Vậy thỏa thuận mua lại Run:ai có ý nghĩa gì đối với người dùng và doanh nghiệp? Nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất phải kể đến các doanh nghiệp đang sử dụng nền tảng Nvidia DGX Cloud để phát triển và đào tạo ứng dụng, công cụ và dịch vụ AI. Điều đó đồng nghĩa là hầu hết khách hàng cá nhân dường như không nhận thấy tác động trực tiếp, nhưng có thể cảm nhận hiệu suất và thời gian xử lý dữ liệu cải thiện đáng kể trong các ứng dụng AI được đào tạo dựa trên nền tảng của Nvidia.

Ở quy mô lớn, thỏa thuận mua lại cũng đặt ra nhiều suy đoán thú vị về tương lai Nvidia và vị thế của hãng trên thị trường công nghệ. Nvidia hiện có vốn hóa thị trường cao thứ ba trong ngành, chỉ xếp sau Apple và Microsoft. Cả hai đối thủ còn lại, đặc biệt là Microsoft, đều đang đẩy mạnh hoạt động vào thị trường AI. Vì vậy, Nvidia rõ ràng đang cố gắng duy trì tính cạnh tranh, đặc biệt với nhóm đối tượng người dùng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Nvidia càng lớn mạnh thì các thương vụ mua lại càng khó được phê duyệt mà không đối mặt với vấn đề pháp lý. Đây có lẽ là lý do tại sao gã khổng lồ sản xuất chip không thực hiện bất kỳ cuộc M&A lớn nào kể từ năm 2020? Suy luận hoàn toàn có cơ sở, hợp lý hoá câu hỏi vì sao thương vụ Run:ai lại có giá trị nhỏ hơn nhiều so với Mellanox Technologies.

Có lẽ phải mất thời gian dài để kiểm chứng xem quyết định của Nvidia có sáng suốt hay không, nhưng hy vọng hãng sẽ bắt đầu tập hợp tất cả chuyên môn về AI và cho ra đời nhiều phát minh công nghệ đột phá phục vụ nhau cầu cuộc sống và công nghiệp.