OpenAI kết thúc vòng gọi vốn với mức định giá 157 tỷ USD
OpenAI đã kết thúc vòng gọi vốn được giới chuyên gia mong đợi từ lâu với mức định giá mới dự kiến đạt 157 tỷ USD, bao gồm 6,6 tỷ USD vừa huy động được từ các quỹ mạo hiểm và công ty công nghệ lớn...
Công ty không nêu cụ thể các nhà đầu tư trong thông cáo báo chí, nhưng nguồn tin nội bộ cho biết Thrive Capital dẫn đầu vòng gọi vốn với sự tham gia của nhà tài trợ lớn nhất hiện tại Microsoft cũng như hai gã khổng lồ Nvidia, SoftBank và một vài công ty khác. Thrive lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong vòng này, CNBC đưa tin.
Sự phát triển nhanh chóng của OpenAI, bắt đầu với màn ra mắt hoành tráng của ChatGPT vào cuối năm 2022, đã trở thành câu chuyện được bàn tán sôi nổi nhất trong lĩnh vực công nghệ vài năm trở lại đây, đưa khái niệm trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh) trở thành xu hướng chính thống, mở đường cho hàng chục tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng đổi mới.
“Nguồn tài trợ mới cho phép chúng tôi duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu AI tiên tiến, tăng cường năng lực tính toán và tiếp tục xây dựng bộ công cụ giúp người dùng giải quyết đa số vấn đề khó khăn trong cuộc sống”, OpenAI viết trong bài đăng trên blog.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với OpenAI”, đại diện phát ngôn từ Microsoft chia sẻ.
HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC ĐỈNH CAO CỦA OPENAI
OpenAI ghi nhận doanh thu 300 triệu USD vào tháng trước, tăng 1.700% kể từ đầu năm ngoái. Công ty dự kiến đạt doanh thu 11,6 tỷ USD trong năm tới, tăng từ 3,7 tỷ USD tính đến tháng 9/2024, nguồn tin thân cận cho biết.
Mục tiêu cao luôn đi kèm với chi phí cực kỳ tốn kém, vì OpenAI phải tăng cường mua các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) của Nvidia nhằm đào tạo và vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn. Giới chuyên gia dự đoán công ty sẽ lỗ khoảng 5 tỷ USD trong năm nay. Microsoft đã rót hàng tỷ USD vào OpenAI, đồng thời là đối tác chính khi liên tiếp tích hợp công nghệ của hãng để củng cố hoạt động kinh doanh đám mây Azure.
Đầu năm nay, OpenAI đạt mức định giá 80 tỷ USD, tăng từ 29 tỷ USD vào năm 2023. Sau thành công bùng nổ của ChatGPT, đà tăng trưởng tiếp tục hướng tới nhiều sản phẩm mới dành cho doanh nghiệp, mở rộng sang cả lĩnh vực ảnh và video do AI tạo ra.
OpenAI hiện sở hữu 250 triệu người dùng hoạt động hàng tuần trên ChatGPT, CFO Sarah Friar tuyên bố với CNBC. Ngoài ra còn có 11 triệu người đăng ký ChatGPT Plus và 1 triệu người dùng doanh nghiệp trả phí trên nền tảng.
“AI đang cá nhân hóa việc học, thúc đẩy nhiều đột phá về chăm sóc sức khỏe và giúp cải thiện năng suất đáng kể”, bà Friar nhấn mạnh. “Và đây chỉ là khởi đầu”.
NỖ LỰC VƯỢT QUA GIAI ĐOẠN KHỦNG HOẢNG
OpenAI đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, bao gồm việc liên tiếp mất đi một số Giám đốc Điều hành chủ chốt.
Tuần trước, Giám đốc Công nghệ Mira Murati, người từng giữ chức CEO tạm thời trong thời gian ngắn khi ông Sam Altman bị sa thải, thông báo sẽ từ chức sau hơn 6 năm đồng hành cùng OpenAI. Cùng ngày, Giám đốc Nghiên cứu Bob McGrew và Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu Barret Zoph cũng cho biết sẽ rời công ty.
Trong cuộc phỏng vấn thuộc khuôn khổ Tuần lễ Công nghệ Italia vào ngày 26/9, Giám đốc Điều hành OpenAI Sam Altman bày tỏ: “Tôi nghĩ đây sẽ là cột mốc chuyển giao tuyệt vời cho tất cả bên liên quan và tôi hy vọng OpenAI sẽ trở nên mạnh mẽ hơn”.
Cuối tuần trước, OpenAI đã tổ chức nhiều phiên thảo luận sau quyết định của Hội đồng quản trị về việc xem xét tái cấu trúc công ty thành doanh nghiệp vì lợi nhuận. CEO Altman khẳng định quyết định ra đi của một số lãnh đạo cấp cao không liên quan đến khả năng tái cấu trúc, trái ngược với thông tin từ đa số phương tiện truyền thông.
Vị Giám đốc cho biết thêm mảng phi lợi nhuận vẫn hoạt động riêng biệt, đồng thời phủ nhận tin đồn về việc ông sẽ nhận được “cổ phần khổng lồ” trong công ty, gọi thông tin đó là “hoàn toàn không đúng sự thật”, theo một số người tham dự cuộc họp.
Mặt khác, Chủ tịch OpenAI Bret Taylor trả lời CNBC rằng mặc dù Hội đồng quản trị có thảo luận về vấn đề nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Taylor chia sẻ: “Hội đồng quản trị đã thảo luận về việc liệu việc trả lương cho CEO Sam Altman bằng vốn chủ sở hữu có mang lại lợi ích cho công ty hay không, nhưng chưa có con số cụ thể nào được đưa ra”.
Vòng gọi vốn mới nhất cũng có sự tham gia của Khosla Ventures, Altimeter Capital, Fidelity, MGX và Tiger Global.