Cải cách sản phẩm làm đẹp trong cuộc khủng hoảng nguồn cung

Minh Nguyệt
Chia sẻ

Các thương hiệu làm đẹp đang phải vật lộn với sự thiếu hụt các thành phần chính và vật liệu đóng gói cùng với chi phí tăng cao và sự chậm trễ trong giao hàng. Việc tăng giá dường như ở ngay trước mắt...

Mấy tháng trở lại đây, các nhà sản xuất nước hoa và mỹ phẩm châu Âu phải đối mặt với tình trạng thiếu giấy, thủy tinh, một số loại dầu hướng dương và cồn... Lý do là bởi căng thẳng Nga - Ukraine và dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến giá cả tăng cao trong bối cảnh nhu cầu mua sắm đang phục hồi trở lại.

Audrey Depraeter-Montacel, Trưởng bộ phận làm đẹp toàn cầu tại Công ty tư vấn chiến lược Accenture, cho rằng những thách thức này là nghiêm trọng và khó có thể giảm bớt cho đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

GIA TĂNG ĐÁNG KỂ CHI PHÍ NGUYÊN LIỆU

Các cuộc họp nhóm hàng tuần của nhà sáng lập thương hiệu Josh Wood thường được sử dụng để bàn về tầm nhìn thương hiệu, chiến lược tăng trưởng và các dự án sáng tạo. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chương trình nghị sự đã sa vào vũng lầy về chuỗi cung ứng do đóng cửa nhà máy, chậm trễ vận chuyển và thiếu nguyên liệu thô.

Ông Wood cho biết chi phí bìa cứng và giấy để sản xuất vỏ hộp tăng 75% so với năm ngoái, trong khi cước vận chuyển nói chung tăng 30%. Các vật liệu để làm vỏ hộp hoặc chai đựng có nguồn gốc từ Trung Quốc hiện tăng giá gấp đôi.

Những vấn đề tương tự đang rất phổ biến trong ngành hàng làm đẹp. Ông Akash Mehta, Giám đốc điều hành của thương hiệu sản phẩm chăm sóc tóc Fable & Mane, cũng đang phải vật lộn với sự gia tăng đáng kể về chi phí nguyên liệu và sự chậm trễ kéo dài trong quá trình phát triển sản phẩm và thời gian sản xuất.

Còn bà Caroline Hadfield, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Rose Inc, cho biết thương hiệu làm đẹp của người mẫu Rosie Huntington-Whiteley đã phải đẩy lùi việc ra mắt dòng sản phẩm mascara mới và trì hoãn một vài dự án vì những trở ngại của chuỗi cung ứng.

Những thách thức toàn cầu này đã khiến các thương hiệu phải suy nghĩ lại về thành phần, hoạt động, quy trình và giá cả của họ, bất kỳ cách nào có thể giúp giảm thiểu thất thoát lợi nhuận. Một số thương hiệu đã phải chọn cách cải tiến các sản phẩm để tránh tình trạng thiếu hụt.

Gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá cả tăng cao trong bối cảnh nhu cầu mua sắm đang phục hồi trở lại.
Gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá cả tăng cao trong bối cảnh nhu cầu mua sắm đang phục hồi trở lại.

Unilever, công ty mẹ của các thương hiệu Hourglass, Tatcha và Dove đã thay đổi một vài thành phần trong một số sản phẩm nhất định, vì không thể mua được dầu hướng dương từ Ukraine. Còn các thương hiệu được phỏng vấn bởi Vogue Business thì liệt kê sự thiếu hụt các loại dầu và cồn bay hơi khác, bao gồm axit xitric và glycerin.

Đại diện Hãng Unilever cho biết: “Nhóm các chuyên gia của chúng tôi buộc phải nhanh chóng cải tiến để tạo ra những sản phẩm sử dụng các loại dầu thực vật thay thế, như hạt cải dầu. Tuy nhiên, cải cách là một quá trình tốn kém, bao gồm việc thử nghiệm, thay thế các thành phần trong sản xuất, cập nhật bao bì và phát hành lại sản phẩm cho các nhà bán lẻ. Tất cả đều đòi hỏi chi phí”.

Công ty tư vấn Bain & Company tính toán giá bao bì, năng lượng và nguyên liệu thô cao hơn đã khiến chi phí sản xuất trong ngành mỹ phẩm tăng trung bình 25% - 30%, đặt ra thách thức đối với các nhà sản xuất mỹ phẩm đại trà, mặc dù nhu cầu đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân vẫn tăng mạnh.

 
Theo báo cáo của McKinsey, doanh số bán các sản phẩm làm đẹp trên toàn cầu đạt mức 538 tỷ USD trong năm nay, tăng từ 518 tỷ USD vào năm 2021 và 458 tỷ USD vào năm 2020.

Hiện tại, chỉ tính riêng phần bao bì cho mỹ phẩm xa xỉ, giá thủy tinh và giấy đã tăng 10%. Giá khí đốt đang làm trầm trọng thêm vấn đề đối với cả hai ngành, buộc các nhà máy giấy ở Italia phải tạm ngừng sản xuất để đàm phán lại giá bán. Còn nhà sản xuất thủy tinh người Italia Bormioli Luigi, chuyên sản xuất chai đựng nước hoa và mỹ phẩm với doanh thu hàng năm là 480 triệu Euro, thì dự kiến chi phí năng lượng tăng thêm là 80 triệu Euro trong năm nay. Một nửa trong số đó do yêu cầu về bao bì từ các khách hàng bao gồm Chanel và Dior.

TĂNG GIÁ HAY TÁI SỬ DỤNG?

Tất cả những điều này đã khiến tăng giá bán sản phẩm trở thành một cách để đối phó với chi phí sản xuất cao. Đây cũng là một cách tiếp cận mà thương hiệu Glossier đã bắt đầu thực hiện vào tháng 7/2022. Trong khi đó, các thương hiệu Rose Inc, Fable & Mane và Josh Wood đều nói với Vogue Business rằng họ đang phải đặt trước rất nhiều đơn đặt hàng nguyên liệu và thiếu vốn trầm trọng.

“Chúng tôi không thấy lợi nhuận trong chu kỳ lên đến hai năm”, ông Mehta nói. “Cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt đang ảnh hưởng khá nặng nề đến người tiêu dùng, nhưng nếu không tăng giá chúng tôi không đủ tiền để đặt trước nguyên liệu cho 6 tháng hay là một năm tới”.

Trong khi đó, “upcycling” - tái sử dụng chất thải và sản phẩm phụ - là một hoạt động phổ biến trong lĩnh vực thời trang và ngày càng phát triển trong lĩnh vực làm đẹp. Đã có một số thương hiệu indie hay các start-up làm đẹp gặt hái được thành công bước đầu trong việc sử dụng những nguyên liệu tái chế để phát triển thành sản phẩm mới, mở ra một hướng tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế cho các công ty sản xuất.

Vào năm 2020, thương hiệu nước hoa St. Rose đã ra mắt dòng hương mang tên “Vigilante”. Đây là sự kết hợp giữa các nguyên liệu đã qua sử dụng như gỗ từ Morrocan hay những cánh hoa hồng đã qua quá trình ép sẵn. Hầu hết chúng là những nguyên liệu sẽ bị vứt bỏ nhưng với sự kết hợp của St. Rose, mùi hương Vigilante lại có thể tiến vào vòng chung kết và đạt được giải thưởng “Nước hoa của năm” (Fragrance of the Year) tại cuộc thi Fragrance Foundation Indie Awards.

Cải cách là một quá trình tốn kém, bao gồm việc thử nghiệm, thay thế các thành phần trong sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ và cập nhật bao bì...
Cải cách là một quá trình tốn kém, bao gồm việc thử nghiệm, thay thế các thành phần trong sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ và cập nhật bao bì...

Mặc dù khá mới mẻ, thị trường cũng đã kịp ghi nhận thêm những trường hợp thành công cho các dòng sản phẩm làm đẹp đại trà. Sản phẩm sữa rửa mặt tái tạo năng lượng cho da từ thương hiệu Circumference trở thành một trong những sự lựa chọn yêu thích của phái đẹp Âu Mỹ gần đây. Hay sáp tẩy trang từ thành phần táo của thương hiệu Farmacy đã bán được hơn 9.000 sản phẩm, thu về doanh số 500.000 USD sau 30 ngày mở bán tại Sephora. 

Để thực hiện theo mô hình này, những chất thải của ngành công nghiệp thực phẩm là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng và chính yếu. Tuy nhiên, do ý tưởng này còn quá mới mẻ nên hầu hết các thương hiệu dấn thân vào thế giới này đều phải tự thân vận động tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu cho mình khi mạng lưới quan hệ giữa ngành công nghiệp thực phẩm và ngành công nghiệp làm đẹp còn chưa kịp phát triển đầy đủ.

Bên cạnh đó, nếu vẫn phải trả tiền để mua về những nguyên liệu phế thải thì vấn đề chi phí của các thương hiệu vẫn không thể được giải quyết. Không những vậy, việc điều chế các nguồn nguyên liệu đặc biệt này còn đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng về công nghệ, dây chuyền sản xuất và đội ngũ nghiên cứu để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của thị trường quốc tế.

Dù là đi theo định hướng nào, ngành làm đẹp hậu đại dịch vẫn phải đối mặt với bài toán cân đối chi phí để phát triển lâu dài. Nhưng các chuyên gia vẫn đặt niềm tin vào sức sống của xu hướng “upcycling” để chủ động nguồn cung nguyên liệu thay thế. Song song với đó, có tiền đề của xu hướng “mỹ phẩm sạch” đi trước làm minh chứng, những hướng đi bền vững đã và đang trở thành một chiến lược quan trọng trên cán cân phát triển của ngành.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con