"Cơn bão” giá vé máy bay ảnh hưởng đến mùa du lịch hè của cả thế giới
Tình trạng tăng giá vé máy may đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Giá vé đi London của Cathay Pacific Airways trong tháng 6 đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước đại dịch. Tại Mỹ, giá vé máy bay năm nay tăng 33% so với năm ngoái...
Những ngày gần đây, các hãng hàng không đang tràn đầy hy vọng vào việc chấm dứt yêu cầu xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Mỹ sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi các chuyến bay qua Đại Tây Dương. Ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA, đồng thời từng là lãnh đạo của hãng hàng không của Anh British Airways, dự báo các hãng hàng không sẽ ưu tiên cho các chuyến bay qua Đại Tây Dương quan trọng, những tuyến đường đã mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành trong những năm qua.
Hãng hàng không Mỹ United Airlines cho biết lượt tìm kiếm các chuyến đi quốc tế từ Mỹ, châu Âu đã tăng lên. Nền tảng quản lý du lịch TripActions cũng cho biết lượt đặt các chuyến bay quốc tế đến Mỹ đã tăng 23%, do nhu cầu từ Bắc Âu đã tăng lên. Giám đốc điều hành của các hãng hàng không Mỹ khuyến cáo hành khách không nên chần chừ đặt vé nếu đang có kế hoạch đến châu Âu, vì nhu cầu du lịch “trong mùa hè” đang rất lớn.
GIÁ VÉ CAO HƠN TRƯỚC ĐẠI DỊCH
Tuy nhiên, giá vé tăng cao cùng tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng có thể kìm hãm đà phục hồi của các chuyến bay vượt Đại Tây Dương - thị trường du lịch quốc tế lớn nhất thế giới. Thậm chí, tình trạng này còn diễn ra trên toàn cầu, khi mùa hè cũng là mùa du lịch cao điểm bắt đầu. Nhu cầu di chuyển bằng đường không tăng cao, nhưng du khách ở mọi nơi lại đang phải đối mặt với tình trạng giá vé máy bay rất cao, thậm chí là cao nhất trong nhiều thập kỷ qua ở một số quốc gia. Theo Forbes, giá vé máy bay toàn cầu được công bố tăng hơn 50% so với năm ngoái.
Tại Mỹ, giá vé máy bay năm nay tăng 33% so với năm ngoái, mức tăng theo năm lớn nhất kể từ năm 1980. Đáng chú ý, số liệu của công ty nghiên cứu Adobe Digital Insights cho thấy, giá vé của các hãng hàng không đã tăng 47% kể từ tháng 1/2022 và đã cao hơn so với trước đại dịch Covid-19. Giá các chuyến bay đến Mỹ trong tháng 5/2022 cao hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 5 cũng là tháng thứ tư liên tiếp chứng kiến giá vé tăng so với mức trước đại dịch, với mức giá đã tăng 5% vào tháng 2, 20% vào tháng 3 và 27% vào tháng 4.
Hãng tin Bloomberg cho hay, tình trạng tăng giá vé máy may đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tại Hồng Kông, giá vé bay đi London của hãng Cathay Pacific Airways trong tháng 6/2022 đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước đại dịch. Tương tự, giá vé máy bay thẳng từ New York (Mỹ) đi London (Anh) cũng tăng tới hơn 2.000 USD. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Viện Mastercard Economics, chi phí hàng không tại Singapore đã tăng bình quân 27% trong tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm 2019. Con số này tại Úc là hơn 20%.
Chi phí hàng không cũng ảnh hưởng đến loại hình kỳ nghỉ trọn gói, bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau trong một gói du lịch như khách sạn và đưa đón khách sạn... Theo dữ liệu từ Check24, các tour du lịch trọn gói được đặt đến những nơi phổ biến với khách du lịch Đức đã đắt hơn so với năm ngoái. Vào tháng 5, chi phí trung bình để đặt một kỳ nghỉ trọn gói kéo dài một tuần dành cho 2 người cho các tháng 6, 7, 8 năm nay đến đảo Mallorca (Tây Ban Nha) đã đắt hơn 17% so với năm ngoái.
NGÀNH HÀNG KHÔNG HỖN LOẠN
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc giá vé máy bay tăng cao. Trước hết là do giá nhiên liệu tăng. Theo Bloomberg, nhiên liệu hiện chiếm tới 38% chi phí của một hãng hàng không tầm trung, con số này đối với một số hãng hàng không giá rẻ có thể lên tới 50%. Hiện giá nhiên liệu máy bay tăng gần 150% từ năm ngoái đến nay và tăng gấp đôi so với năm 2019. Bối cảnh này đã buộc nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới phải nâng giá vé để bù đắp chi phí.
Tại New York, giá xăng máy bay đã tăng hơn 80% tính từ đầu năm 2022. Hãng hàng không Air New Zealand cho biết, chi phí nhiên liệu cho một chiếc máy bay Dreamliner cho chuyến đi từ Auckland (New Zealand) đến Los Angeles (Mỹ) hiện cao gấp đôi so với năm 2020. Điều này đã dẫn đến một "cơn bão” về giá vé.
Một nguyên nhân khác là việc thiếu hụt nhân lực diễn ra trong toàn ngành hàng không. Như ở châu Âu, các sân bay lớn đã phải đối mặt với tình trạng hoãn và hủy chuyến liên tục sau khi không tuyển được nhân viên phù hợp. Điều này làm gián đoạn lịch trình của các hãng hàng không và tăng thêm chi phí. Các chuyên gia nhận định ngành hàng không thế giới đang không đủ nhân sự để đảm bảo vận hành thông suốt, kể cả trong trường hợp chưa rõ nhu cầu đi lại tăng cao vào thời điểm hiện tại có giảm trong thời gian tới hay không.
Một trong những lý do khiến hoạt động tuyển dụng gặp khó là vì người lao động không còn mặn mà với ngành hàng không. “Nhiều người đã thôi việc trong ngành hàng không trong đại dịch để tìm kiếm việc làm khác. Hiện đối tác của chúng tôi gồm các sân bay, các nhà cung cấp dịch vụ đang thiếu nhân sự và gặp khó khăn trong việc thuê nhân sự mới,” ông Jens Ritter, CEO hãng hàng không Đức Lufthansa, cho hay.
Một yếu tố khác quan trọng không kém là nhu cầu tìm kiếm doanh thu của các hãng hàng không. Theo Bloomberg, các hãng hàng không trên toàn cầu cần khôi phục lợi nhuận về mức trước đại dịch và phải tăng giá vé. Bên cạnh đó, các hãng bay, sân bay cũng quan ngại về việc nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách sẽ không kéo dài. Nếu như vậy, các hãng sẽ lâm vào tình trạng dư thừa nguồn lực nếu thuê quá nhiều nhân viên mới và đưa tất cả máy bay nhàn rỗi trong giai đoạn đại dịch quay trở lại hoạt động.
KÌM HÃM ĐÀ DU LỊCH
Theo ông Michael O'Leary, CEO của Ryanair Group, hiện thời các chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ này đã lấp được 94% lượng ghế ngồi so với thời kỳ trước đại dịch. Nhu cầu du lịch và đi lại của người tiêu dùng châu Âu càng tăng cao hơn khi bước vào những tháng hè.
"Người dân châu Âu đã ngồi một chỗ trong nhà suốt 2 năm qua, do những lệnh phong tỏa chống dịch. Nhiều người đã tiết kiệm được một số tiền khá lớn, nên tôi cho rằng nhu cầu du lịch sẽ tăng rất mạnh mùa hè này. Nhưng chắc chắn, giá xăng dầu cao và chi phí sinh hoạt đắt đỏ do lạm phát sẽ phần nào kìm hãm đà du lịch", ông Michael O'leary cho biết.
"Sau mùa du lịch cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8, mọi người trở lại học tập và làm việc, nhu cầu sụt giảm có thể khiến các hãng hàng không phải giảm giá vé," ông Robert Mann, người đứng đầu công ty tư vấn R.W. Mann & Co. bình luận. "Nếu không, giá vé tăng cao có thể kéo tụt nhu cầu hơn nữa. Khi đó, tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không sẽ xấu đi. Chúng tôi chỉ muốn cảnh báo: các hãng hàng không sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn”.
Minh chứng là doanh số bán vé nội địa của Mỹ đang giảm sau khi tăng giá đáng kể. Công ty nghiên cứu Adobe Digital Insights cho biết, lượng đặt chỗ cho các chuyến bay trong nước Mỹ đã giảm 2,3% trong tháng 5/2022 so với tháng trước, cho thấy phần lớn khách hàng đều đang suy nghĩ lại về kế hoạch đi máy bay của họ. Một cuộc khảo sát khác được thực hiện vào tháng 5/2022 đối với du khách Mỹ của Cowen & Co. cho thấy việc chi tiêu cho du lịch có thể giảm nhẹ do tâm lý quan ngại về nền kinh tế vĩ mô, cũng như giá vé tăng cao.
Theo nhà phân tích George Dimitroff của công ty về cơ sở dữ liệu hàng không Ascend by Cirium, các hãng hàng không phải thực sự đặt câu hỏi về việc khoản chi tiêu dành cho các chuyến bay của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi tiền thuê nhà, tiền điện, tiền khí đốt, tiền thực phẩm… đều đồng loạt tăng giá.