Cuộc chuyển giao hơn 1 nghìn tỷ USD tài sản của giới tỷ phú Trung Quốc cho con cháu
Giờ đây, một sự dịch chuyển chưa từng có tiền lệ đang diễn ra ở Trung Quốc...
Zhang Shiping là một trong số 16 triệu thanh niên Trung Quốc phải đi về các vùng nông thôn trong cách mạng văn hóa. Mấy thập kỷ sau, ông Zhang – một đảng viên lâu năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc – tranh thủ cải cách thị trường để gầy dựng nên hai doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế: một công ty vải và công ty luyện nhôm tư nhân lớn nhất thế giới.
Theo hãng tin Bloomberg, sau khi ông Zhang qua đời vào năm 2019, các con ông đã tiếp quản hai công ty, đồng nghĩa với khối tài sản 14 tỷ USD từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Nhà họ Zhang cũng trở thành gia đình đầu tiên ở Trung Quốc đại lục gia nhập xếp hạng các gia tộc giàu nhất châu Á do Bloomberg thực hiện, mở ra kỷ nguyên của các cuộc chuyển giao tài sản từ các tỷ phú ngày càng già đi ở Trung Quốc đại lục sang con cháu của họ.
Trung Quốc là nước có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới ngoài Mỹ, và đã sản sinh nhiều công ty công nghệ, doanh nghiệp xanh và hãng dược phẩm khổng lồ. Các tỷ phú Trung Quốc xuất phát từ những lĩnh vực này chủ yếu đều là thế hệ doanh nhân đầu tiên trong gia tộc, phản ánh thời kỳ mở cửa của kinh tế Trung Quốc từ cuối những năm 1970 – khi những khái niệm như trí tuệ nhân tạo (AI) hay ứng dụng mạng xã hội chưa hề tồn tại.
Ở một số nền kinh tế khác như Hồng Kông, Ấn Độ hay Đông Nam Á, những gia tộc giàu có thường đã trải qua 3-4 thế hệ kinh doanh. Một số gia đình giàu nhất ở châu Âu thậm chí đã chuyển giao gia sản qua hàng thế kỷ.
Giờ đây, một sự dịch chuyển chưa từng có tiền lệ đang diễn ra ở Trung Quốc. Các tỷ phú dựa vào mở cửa để tạo dựng nên cơ đồ là những doanh nghiệp vào hàng lớn nhất nước này hiện đang nắm giữ lượng tài sản khoảng 1,1 nghìn tỷ USD. Và số tài sản này đã đến lúc phải được chuyển giao cho những người thừa kế.
“Chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều trường hợp kinh điển về chuyển giao gia sản ở Trung Quốc đại lục, vì thế hệ doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc đang tiến dần tới tuổi nghỉ hưu”, ông Hao Gao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu doanh nghiệp gia đình toàn cầu NIFR thuộc Đại học Thanh Hoa, nhận định.
Khoảng 80 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc trong xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index hiện có tuổi bình quân ngoài 50. Điều này có nghĩa là một số người có thể bắt đầu chuyển giao quyền kiểm soát doanh nghiệp cho thế hệ kế tiếp trong thập kỷ tới đây.
Nhà sáng lập của một số công ty như hãng linh kiện ô tô Wanxiang Group Corp., hãng thức ăn chăn nuôi New Hope Liuhe Co., hai tập đoàn bất động sản Country Garden Holdings Co. và Hopson Development Holdings Ltd. Đều đã chuyển giao quyền điều hành cho con cái. Bà Yang Huiyan, người hiện giữ vai trò đồng Chủ tịch của Country Garden, đã trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á sau khi nhận chuyển giao cổ phần từ người cha vào năm 2005.
Trung Quốc đã mở sáng kiến “thịnh vượng chung” nhằm giảm chênh lệch giàu nghèo tại quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng nước này vẫn chưa có thuế thừa kế - dù vấn đề này đã được các quan chức Trung Quốc đề cập nhiều lần. Một mối lo nếu Trung Quốc áp thuế thừa kế là giới giàu của nước ngoài có thể chuyển tài sản ra nước ngoài để “né” thuế đó.
“Trung Quốc sẽ không sớm có thuế thừa kế”, giáo sư luật Angela Zhang thuộc Đại học Hồng Kông nhận định. Bà Zhang nói thêm rằng phần lớn các tỷ phú công nghệ Trung Quốc đều đang giữ tài sản của họ tại các “thiên đường tránh thuế” ở nước ngoài. “Điều này một phần giải thích vì sao Chính phủ Trung Quốc đang kêu gọi các tỷ phú này tài trợ nhiều hơn cho các hoạt động từ thiện và các dự án xã hội để tái phân bổ lại tài sản”.
Khi tỷ phú Zhang qua đời năm 73 tuổi, con trai của ông là Zhang Bo – hiện 52 tuổi – trở thành Chủ tịch China Hongqiao Group Ltd và Shandong Weiqiao Pioneering Group Co., công ty mẹ của Weiqiao Textile Co., một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Người em gái Zhang Hongxia, hiện 50 tuổi, giữ vai trò Chủ tịch Weiqiao Textile và Tổng giám đốc của công ty mẹ.
Tài sản của nhà họ Zhang tăng vọt trong năm qua theo giá cổ phiếu công ty. Nửa đầu năm 2021, lợi nhuận của các công ty này tăng gấp hơn 2 lần. Giờ đây, gia tộc này đang tìm cơ hội trong nền kinh tế xanh. Họ đưa ra những sản phẩm mới như linh kiện ô tô siêu nhẹ và bắt tay với những hãng xe điện như Tesla và BYD.
Việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với những lĩnh vực như công nghệ, bất động sản và giáo dục đã gây trở ngại cho giới tỷ phú trong các ngành này. Theo bà Gao, thực tế như vậy có thể đẩy nhanh các kế hoạch chuyển giao tài sản.
“Hiện nay, các ngành tư nhân của Trung Quốc đang đứng trước sự dịch chuyển về mô hình, và đó có thể vừa là thách thức vừa là cơ hội để thế hệ thứ hai phát triển nhanh hơn”, bà Gao nhận định. “Các tỷ phú Trung Quốc ngày càng nhận thức rõ về việc cần sớm lên kế hoạch chuyển giao”.